Thành cổ Sơn Tây - Tòa thành đá ong độc đáo

Thứ ba, ngày 27/09/2011 06:19 AM (GMT+7)
Dân Việt - Thành cổ Sơn Tây là một công trình kiến trúc theo kiểu Vauban - kiểu công trình quân sự mang tên kỹ sư Vauban người Pháp - được xây dựng vào năm 1822 dưới thời vua Minh Mệnh triều Nguyễn.
Bình luận 0

Tòa thành nằm ở giữa thị xã Sơn Tây thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay là thành phố Hà Nội và cách trung tâm Thành phố 42 km về phía Tây.

Thăng Long xưa có bốn vùng đất làm “phên dậu” che chở và cũng là “bàn đạp quân sự” của Triều đình, đựợc gọi là Tứ trấn: Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam. Đến thời Nguyễn, Sơn Tây xứ Đoài vẫn được xếp là “trọng trấn” của Bắc Kỳ, có Tổng đốc ở tòa thành và cai quản cả vùng Tây Bắc rộng lớn.

 img
Bên trong cổng thành phía Bắc (Cửa Hậu)

Nơi đây còn là vùng cư dân gốc của người Việt sinh sống lâu đời, mang nhiều tập tục, truyền thống đặc trưng của văn hóa vùng miền:

“Tiếng ai như tiếng Xứ Đoài
Ăn cơm thì ít, ăn khoai thì nhiều…”

Tòa thành Sơn Tây có mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh dài hơn 400m. Tường thành và hầu hết các hạng mục công trình bên trong được xây bằng đá ong – loại vật liệu đăc trưng của vùng Xứ Đoài. Có 4 cổng (Tả, Hữu, Tiền, Hậu) xây kiểu vòm gạch cổ, phía trên mỗi cổng đều có Vọng lâu. Xung quanh tòa thành là hào nước sâu 3m, rộng 20m, chu vi toàn thành gần 2 km.

Trong thành có 4 khẩu súng thần công đặt ở 4 góc thành. Phía trước khu nghi lễ ở trung tâm có cột cờ cao 18 mét, hai bên có Giếng Tả, Giếng Hữu hình vuông. Khu nghi lễ hướng ra phía cửa Tiền có Điện Kính Thiên - nơi làm lễ của nhà vua khi đi kinh lý, có Hành Cung - công đường của các quan Tổng đốc, Án sát, Đề đốc, Đốc học. Ngoài ra còn có các dinh thự, trại lính và kho lương.

 img
Dấu xưa tường thành…

Thành cổ Sơn Tây vốn được xem là tòa thành đá ong độc đáo nhất Việt Nam. Năm 1924, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương đã xếp hạng di tích cổ cho tòa thành này. Đến năm 1994, Thành cổ Sơn Tây chính thức được Nhà nước ta công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa Quốc gia

Trải qua gần 200 năm với sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, hầu hết tường thành và các công trình trong thành đều bị hủy hoại. Vì thế, sau khi được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, Thành cổ Sơn Tây từng bước được sửa chữa. Nhưng rất tiếc, đã có một vài lần tu bổ vội vàng, chưa đáp ứng được mong đợi của người dân nơi đây và những người quan tâm tới di sản văn hóa…

Hiện nay, khi Thành cổ Sơn Tây là một trong những di sản quý báu trên đất Thủ đô, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội đã triển khai dự án chỉnh trang, cải tạo khu vực Thành cổ Sơn Tây một cách thận trọng và có sự gắn kết với Làng cổ Đường Lâm gần đó, nhằm tạo nên một tuyến du lịch hấp dẫn khó quên của Xứ Đoài.

Thị xã Sơn Tây cùng những “thăng trầm”

- Thị xã Sơn Tây nguyên là thủ phủ của tỉnh Sơn Tây xưa cũ (từ đầu TK 20), bao gồm 6 huyện: Quảng Oai, Bất Bạt. Tùng Thiện, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai.

- Năm1965, TX Sơn Tây cùng với các huyện của Sơn Tây sáp nhập với tỉnh Hà Đông thành tỉnh Hà Tây. Sau đó sáp nhập thêm tỉnh Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình (1975).

- Năm 1979, TX Sơn Tây cùng một số huyện của Hà Sơn Bình được nhập về thành phố Hà Nội.

- Năm 1991, TX Sơn Tây lại theo các huyện cũ “trở về quê” khi tỉnh Hà Tây tái lập.

- Năm 2007, TX Sơn Tây lên cấp Thành phố, trực thuộc tỉnh Hà Tây.

- Năm 2008, thành phố Sơn Tây cùng cả tỉnh Hà Tây nhập về thủ đô Hà Nội. Và 1 năm sau - 2009, được “trả lại tên cho em”: Thị xã Sơn Tây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem