Thanh niên tự chế pháo gây nổ làm hai người chết ở Ninh Bình có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ hai, ngày 18/12/2023 06:00 AM (GMT+7)
Nguyễn Văn Linh bị cáo buộc chế tạo pháo gây nổ làm chết 2 người và một người bị thương. Với hành vi này, Linh có thể đối mặt với trách nhiệm pháp lý ra sao?
Bình luận 0

Khởi tố bị can vụ tự chế pháo gây nổ làm hai người chết

Công an huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng Nguyễn Văn Linh (27 tuổi, ở thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn) để điều tra về hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ.

Theo điều tra, khoảng 17h ngày 7/12, tại xã Văn Hải xảy ra vụ nổ làm hai người chết, một người bị thương.

Thanh niên tự chế pháo gây nổ làm hai người chết ở Ninh Bình có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ nổ do tự chế pháo khiến hai phụ nữ tử vong. Ảnh: DT

Kết quả bước đầu xác định Linh thuê ngôi nhà của anh Chính (36 tuổi, ở xã Văn Hải, huyện Kim Sơn) để ở. Tuy nhiên, xem trên Facebook biết cách thức chế tạo pháo, Linh đã đặt mua thuốc pháo, dây cháy chậm và vỏ pháo để chế tạo pháo nổ bán kiếm lời.

Ngày 7/12, sau khi mua 20kg thuốc pháo trên mạng xã hội, Linh thuê chị M.T.X. (30 tuổi, ở thị trấn Bình Minh) và chị T.T.G. (28 tuổi, ở xã Kim Mỹ, cùng huyện Kim Sơn) làm công việc lắp ngòi nổ, đóng gói thuốc pháo nổ và đóng gói đơn hàng pháo tại gian bếp nhà mới thuê.

Khoảng 17h chiều 7/12, khi Linh đang ở phòng ngủ để thực hiện việc giao dịch đơn hàng trên máy tính (lúc này có cháu P.Đ.P., 4 tuổi, con trai chị G.) thì gian bếp phát nổ.

Linh chạy ra kiểm tra và xác định chị X. và chị G. đã chết, còn cháu P. bị xây xát nhẹ. Nhà cửa, tài sản của gia đình anh Chính và các hộ dân xung quanh bị hư hỏng. Linh sợ hãi lấy xe máy về nhà tại thị trấn Bình Minh, sau đó đến trụ sở cơ quan công an để đầu thú.

Chế pháo gây nổ làm chết người có thể bị xử lý thế nào?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi sản xuất, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nổ.

Vì vậy, hành vi sản xuất pháo nổ của các tổ chức, cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật nên người thực hiện hành vi sẽ phải chịu chế tài tương xứng với tính chất mức độ và hậu quả do mình gây ra.

Trong vụ việc trên, với kết quả xác minh đến nay, cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy vụ nổ khiến hai người chết là do hành vi mua bán vật liệu nổ trái phép để sản xuất pháo trái phép nên cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can là có căn cứ.

Theo ông Cường, tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ được quy định tại Điều 305 Bộ luật hình sự. Điều luật này có mức phạt thấp nhất là 1 năm tù, cao nhất là tù chung thân.

Trong đó, khoản 3 Điều luật nêu rõ, nếu làm chết hai người, người vi phạm có thể đối mặt với khung hình phạt từ 7 đến 15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 đến 5 năm.

Vị chuyên gia cho rằng, đây là vụ án hình sự nghiêm trọng, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến tính mạng của người khác. Bởi vậy, việc cơ quan điều tra sớm làm rõ để xử lý đối với người phạm tội là cần thiết.

Đồng thời, cần tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân đối với việc mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ hoặc các hành vi sản xuất, vận chuyển, sử dụng pháo đang diễn ra rất phức tạp trong thời điểm cận Tết hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem