Thợ làng học lại nghề

Thứ hai, ngày 14/10/2013 06:40 AM (GMT+7)
Tổng cục Dạy nghề vừa kết hợp với Trường CĐ Nghề Duyên Hải thí điểm chương trình đào tạo lại nghề cho hàng trăm lao động nông thôn ở làng nghề đúc Mỹ Đồng (Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Bình luận 0
Hào hứng từ thợ trẻ tới thợ… già

Là thợ làng nghề Mỹ Đồng và nhiều tuổi nhất trong khóa đào tạo này, anh Nguyễn Văn Chuyên (SN?1968, ở xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên) chia sẻ: “Lúc đầu tôi nghĩ mình có thâm niêm 20 năm làm nghề, tay nghề khá, đi học làm gì cho mất công. Thế nhưng, chủ xưởng và mọi người động viên nên tôi nghĩ cứ tham gia xem thế nào. Vào học rồi tôi mới thấy mình còn hổng nhiều kiến thức”.

Lao động ở Mỹ Đồng được đào tạo lại tay nghề bài bản hơn.
Lao động ở Mỹ Đồng được đào tạo lại tay nghề bài bản hơn.

Với anh Chuyên, lớp học dạy anh cách đúc kim loại mới bằng máy ngoài việc đúc thông thường bằng khuôn cát như trước và nung bằng lò than khói mù. Ngoài ra, anh còn được học về an toàn lao động. “Trước đây tôi cứ chủ quan, chân đất, đầu trần làm việc. Giờ thay đổi hẳn rồi. Đúng là không tham gia lớp học cũng phí”- anh Chuyên chia sẻ.

Thợ trẻ mới vào nghề như Nguyễn Văn Sơn (SN?1991, ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên) cũng bày tỏ: “Em mới học việc tại làng nghề, chủ yếu làm những việc đơn giản, chủ bảo làm gì thì làm nấy nên học mót là chính. May có lớp đào tạo nghề này, em có cơ hội học nghề được bài bản như những thợ bậc cao khác, em đăng ký học từ đầu. Học xong, em được nhận lương thợ chính nghề phay. Em vui lắm vì rút ngắn được bao nhiêu thời gian học việc và được nắm bắt kỹ thuật hiện đại”.

Theo nhiều thợ nghề đúc ở Mỹ Đồng, từ trước đến nay, đặc thù của người lao động ở các làng nghề thường là tự học theo kiểu “cầm tay chỉ việc” nên học lâu thì tích lũy được kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, chứ chưa được đào tạo bài bản. Do đó, chuyên môn của thợ làng nghề vẫn còn những lỗ hổng và những kiến thức về an toàn lao động gần như mù mờ. “Lúc đầu lao động không hưởng ứng mấy.

Bởi không ít người nói rằng họ học lại nghề chỉ bằng thừa, biết rồi còn học lại làm gì cho phí công. Nhưng khi học rồi thì lại không ít người lao động gật gù hưởng ứng vì không như họ nghĩ. Sắp tới trường sẽ tiếp tục đào tạo nghề cho làng nghề điêu khắc đá An Lão”- ông Nguyễn Văn Thành- Trưởng phòng Thanh tra, Trường Cao đẳng Nghề Duyên Hải cho biết.

Doanh nghiệp hưởng lợi

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Đúc cơ khí truyền thống xã Mỹ Đồng khẳng định: Lợi ích thiết thực từ việc đào tạo lại nghề cho lao động các làng nghề là không thể phủ nhận. Hiện nay, toàn xã có khoảng 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và chủ yếu lao động ở làng nghề là người các xã trong huyện Thủy Nguyên, có người học hết cấp 1, cấp 2 và cả cấp 3 vào làm việc nên việc tiếp cận công việc và tay nghề cũng nhanh, chậm khác nhau.

Từ tháng 1 - 9.2013, theo chỉ đạo của Tổng cục Dạy nghề, Trường Cao đẳng Nghề Duyên Hải đã tiến hành thí điểm đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho làng nghề đúc Mỹ Đồng. Trường đã tổ chức 8 lớp học, dạy lại hai nghề đúc kim loại và nghề tiện kim loại cho 280 lao động ở làng nghề này.

“Các chủ xưởng quy mô vừa, nhỏ nên cũng không có điều kiện đào tạo nghề bài bản cho lao động. Khi có chương trình đào tạo này là hiệp hội làng nghề hưởng ứng “hai tay” luôn. Doanh nghiệp không tốn kém mà người lao động được nâng cao tay nghề”- ông Thanh nói.

Thực tế, trong suốt khóa học, các doanh nghiệp của làng nghề tham gia làm công xưởng thực hành cho chính lao động của mình nên được hưởng chi phí đào tạo thực hành. “Được lợi kép nên các doanh nghiệp, các xưởng hưởng ứng đăng ký nhiều lắm nhưng số lượng đào tạo đợt này có hạn, chỉ bằng 1/10 lao động hiện có của làng nghề”- ông Thanh bày tỏ.

Là cơ sở có gần 100 lao động tham gia lớp học, ông Nguyễn Văn Vĩ - chủ Công ty TNHH Đúc kim loại Thành Vĩ khẳng định: “Xưởng tổ chức thực hành vào các ngày thứ 7, Chủ nhật nên công việc của xưởng không bị ảnh hưởng. Tôi còn trả lương hỗ trợ công nhân 50.000 đồng/ngày nên họ phấn khởi đi học. Sau khóa học, bước đầu tôi nhận thấy công suất cũng như tác phong làm việc của người thợ chuyên nghiệp hơn rất nhiều”.

Chủ xưởng đúc Trung Anh - anh Nguyễn Văn Anh cũng khẳng định: “Tham gia lớp học này, tay nghề của thợ củng cố tốt hơn, sản phẩm làm ra sẽ giảm được hàng lỗi kém chất lượng. Từ đó, lợi nhuận công ty sẽ tăng và người lao động sẽ được tăng, thưởng lương là điều tất yếu. Nguyện vọng của tôi là làng nghề sẽ có nhiều lớp học như thế”.

Bùi Hương (Bùi Hương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem