Trong cái lạnh ngắt của những ngày mưa tầm tã, bẻ đôi củ ấu vừa từ trong nồi vớt ra để vừa thổi vừa ăn thì không gì sánh bằng.
Bà Dương Kim Thanh (52 tuổi), một người bán ấu chín trên tuyến tránh Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ (Vĩnh Long), cho biết trung bình mỗi ngày bà bán cho khách đi đường từ 40-50 kg ấu đã nấu chín. "Tùy theo lượng khách trong ngày, tôi cũng lời được khoảng 200.000-400.000 đồng. Ấu tươi mua về phải lựa những củ già để luộc và cho thêm chút muối thì ấu mới ngọt và bùi, người ăn mới thưởng thức hết được vị thơm ngon của ấu" - bà Thanh tiết lộ.
Tục ngữ có câu "Thương nhau củ ấu cũng tròn/Ghét nhau bồ hòn cũng méo" hay "Thân em như củ ấu gai, ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen" để nói về món ăn dân dã này.
Ở miền Tây, mùa ấu thường bắt đầu giữa tháng 6 đến cuối tháng 11. Tại xã Tân Hạnh có khoảng 50 ha trồng ấu để bán tại chỗ và cung cấp cho các thương lái đem đi phân phối ở các nơi.
Củ ấu có hình dạng xù xì, đen đúa giống như cặp sừng trâu nhưng ăn vào có vị ngọt ngọt, bùi bùi rất đặc trưng, được người dân miền Tây ưa thích.
Anh Nguyễn Minh Đức (46 tuổi, ngụ xã Tận Hạnh) cho biết trồng ấu tốn rất ít vốn. Loại củ này thích hợp với thổ nhưỡng của các tỉnh miền Tây, như: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang… Gia đình anh Đức dành 5.000 m2 đất trồng ấu, mỗi năm 2 vụ. Ấu trồng khoảng 3 tháng là thu hoạch. Với diện tích này, mỗi vụ gia đình anh thu hoạch trên 5 tấn.
Hiện tại, giá ấu được thương lái thu mua tại ruộng khoảng 7.000 đồng/kg, cao hơn năm trước từ 600-700 đồng. "Với mức giá trên, người trồng ấu rất phấn khởi. Sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình tôi bỏ túi khoảng 30 triệu đồng" - anh Đức nói.
Vân Du (Người lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.