Thuốc lá điện tử "tấn công" giới trẻ: Độc hại khó lường, nguy cơ chấn thương do cháy nổ (kỳ II)

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 30/07/2022 09:05 AM (GMT+7)
Theo các chuyên gia y tế, trong khi thuốc lá truyền thống (từ lá cây thuốc lá) có các hóa chất gây độc hại cho cơ thể "cố định" thì thuốc lá điện tử lại có thêm nhưng tác hại khó lường vì "nhảy múa" liên tục của các hóa chất. Hơn nữa, có còn có nguy cơ gây thương tích, tử vong do cháy nổ.
Bình luận 0

Độc hại khó lường ở thuốc lá điện tử

So sánh về độc hại của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe con người, TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nếu như thuốc lá truyền thống (thuốc lá quấn từ lá cây thuốc lá) với các chất độc hại đến từ lá cây bị đốt cháy là "cố định" thì các chất độc hại ở thuốc lá điện tử hiện nay chưa thể đong đếm.

TS Nguyên phân tích, thuốc lá điện tử là các thành phần hóa học tổng hợp. Hiện nay, nhà sản xuất để thu hút người dùng, đánh vào thị hiếu của giới trẻ nên đã cho hàng chục nghìn loại hương liệu, hóa chất khác nhau để tại mùi, tạo khói, tại màu, tăng độ phê… 

Các chất này khi đốt cháy đều có nguy cơ gây ra chất độc hại và làm tổn thương các cơ quan nội tạng mà trước hết là phổi.

Thuốc lá điện tử "tấn công" giới trẻ: Độc hại khó lường, nguy cơ chấn thương do cháy nổ (kỳ II) - Ảnh 1.

TS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, các chất có trong thuốc lá điện tử khi bị đốt cháy đều có nguy cơ tạo ra các chất độc gây tổn thương phổi và có hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa Istockphoto

Thậm chí những thứ như vitamin khi cho vào thuốc lá điện tử cũng gây ra chất độc. TS Nguyên dẫn chứng, trước đây ở Mỹ đã ghi nhận nhiều ca tử vong bất thường với những tổn thương phổi nghiêm trọng. 

Sau đó người ta tìm ra nguyên nhân là vitamin E có trong tinh dầu thuốc lá điện tử mà các bệnh nhân này hút khi bị đốt cháy đã gây ra độc tố làm tổn thương phổi.

"Theo thông tin từ Viện Pháp Y quốc gia, đã phát hiện thấy vitamin E trong thuốc lá điện tử lưu hành ở Việt Nam. Do đó, nguy cơ Việt Nam cũng sẽ có các ca tử vong do hút thuốc lá điện tử. Ngoài ra, vitamin E chỉ là 1 chất, còn lại có hàng ngàn chất khác đang được cho vào thuốc lá điện tử mà hiện chúng ta chưa thể đong đếm được tác hại của các chất này khi bị đốt cháy đối với cơ thể con người.

Các thành phần phụ gia khác trong thuốc lá điện tử cũng rất phức tạp, thay đổi theo thời gian, theo thị hiếu và rất tùy tiện, khi đốt nóng cũng sinh ra các chất khác rất phức tạp với các tình trạng nhiễm độc và bệnh tật khác nhau sẽ thay đổi rất phức tạp", TS Nguyên chia sẻ.

Có thể tử vong, thương tích khi hút thuốc lá điện tử

Phân tích về tác hại của thuốc lá điện tử, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam khẳng định, nicotine có trong thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người hút và người bị phơi nhiễm.

Cụ thể, nguy cơ gây nghiện nicotine, gây ra các bệnh như ung thư, nhất là ung thư phổi (thông qua tăng sinh tế bào, mất cân bằng oxy, gây chết tế bào và đột biến DNA), vòm họng, phổi tắc nghẽn, tăng nguy cơ huyết khối…

Thuốc lá điện tử "tấn công" giới trẻ: Độc hại khó lường, nguy cơ chấn thương do cháy nổ (kỳ II) - Ảnh 2.

Các nghiên cứu tìm ra hơn 15.500 hương liệu đã được sử dụng trong thuốc lá điện tử, khi nung nóng đều có nguy cơ gây hại đến sức khỏe. Ảnh minh họa Istockphoto

Chất này còn gây ra biến chứng bất thường ở trẻ sơ sinh như đột tử, giảm thính lực, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ.

Nghiêm trọng hơn thuốc lá thông thường, thuốc lá điện tử còn gây nhồi máu cơ tim, liên quan đến hội chứng tổn thương phổi cấp…

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Mỹ cho biết, tính đến ngày 18/2/2020, tại Mỹ đã có 2.807 trưởng hợp nhập viện do hội chứng viêm phổi cấp vì dùng thuốc lá điện tử, trong đó 68 ca tử vong do hội chứng này tại 29 bang; 15% số ca nhập viện dưới 18 tuổi, 37% từ 18-24 tuổi, tuổi trung bình là 24 tuổi.

"Các bệnh nhân mắc chứng khó thở, ho, đau ngực, sốt, ớn lạnh, tiêu chảy, buồn nôn và nôn, nhịp tim nhanh, phổi có các điểm mờ... và có tiền sử dùng thuốc lá điện tử trong 3 tháng qua. Ở đây, nhân viên y tế cũng đã loại trừ các bệnh nhiễm trùng phổi khác"- bác sĩ Lâm nói.

Ngoài ra, theo bác sĩ Lâm, để tăng "độ phê" cho thuốc, nhằm tấn công vào các sở thích của giới trẻ, ngoài các hương liệu "trẻ trung, mới mẻ", thuốc lá điện tử đã được tẩm ướp cả 1 số loại ma túy. Điều này gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, trí não của thanh thiếu niên. Nhiều thanh niên đối diện với nguy cơ vừa nghiện thuốc lá vừa nghiện ma túy. 

Các nghiên cứu đều chỉ ra, thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá truyền thống cao hơn gấp 3,5 lần so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử, và nguy cơ sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá truyền thống", bác sĩ Lâm chia sẻ.

Báo cáo mới nhất của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, các loại thuốc lá thế hệ mới (bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) đều chứa nicotine, là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc và gây ung thư.

Ngoài ra, trong dung dịch thuốc lá điện tử còn có: glycerin, propylene glycol và hương liệu (có trên 15,500 các loại hương liệu). Propylene glycol (mặc dù được coi là an toàn trong thực phẩm nhưng không phải để hít) có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi.

Bên cạnh đó, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, trong đó, rất nhiều loại hương liệu được xem là các chất độc và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe.

Các nghiên cứu cho thấy, thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường đều độc hại đối với tế bào phổi của con người. Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có nguy cơ gây thương tích và tử vong do cháy và nổ.

Ngoài độc tính hóa học, các thiết bị thuốc lá điện tử (pin) bị lỗi/hỏng đã gây ra các vụ cháy nổ dẫn đến thiệt hại tài sản và thương tích nghiêm trọng (ví dụ như chân, tay, cổ và bỏng mặt, chấn thương mặt (mắt, mũi, miệng) khác, và chấn thương tâm lý, sọ và gãy xương cổ).

Theo bác sĩ Lâm, trên thế giới đã có trường hợp pin thuốc lá điện tử gây nổ trong miệng của 1 cậu bé 17 tuổi gây tổn thương nặng khoang miệng.

Hàm lượng nicotin có trong 1 giọt tinh dầu thuốc lá điện tử tương đương với 2 bao thuốc lá truyền thống

Một bác sĩ Bệnh viện Xanh pôn cũng cho biết, thuốc lá điện tử là thiết bị làm nóng dung dịch lỏng dưới dạng tinh dầu, người sử dụng thường hút dung dịch này thành hơi và hít vào phổi. Những dung dịch này thường có vị hoa quả, khiến người dùng chủ quan, hút với nồng độ rất đậm đặc vì lầm tưởng rằng nó vô hại.

Thuốc lá điện tử "tấn công" giới trẻ: Độc hại khó lường, nguy cơ chấn thương do cháy nổ (kỳ II) - Ảnh 4.

Những tác hại của thuốc lá điện tử lên giới trẻ hiện vẫn chưa thể đánh giá hết. Ảnh minh họa Istockphoto

Tuy nhiên, hầu hết các loại dung dịch này đều có chứa nicotine - một chất gây nghiện tương tự như heroin và cocaine. Hàm lượng nicotine trong một lọ dung dịch nhỏ tương đương với 3 bao thuốc lá truyền thống.

Với thanh thiếu niên thường xuyên hút thuốc lá điện tử, sẽ có nguy cơ nghiện thuốc lá sớm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi và khả năng duy trì nòi giống. Với những đối tượng hút thụ động phải những khói thuốc này như trẻ em, phụ nữ có thai sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ trẻ và thai nhi.

Bác sĩ Vũ Văn Thành- Bệnh viện Phổi Trung ương, Hội Phổi Việt Nam cảnh báo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tác động rất lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là giới trẻ.

Theo bác sĩ Thành, các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều ảnh hưởng đến sức khỏe với các nguy cơ mắc bệnh tim mạch, phổi, ung thư…

Đặc biệt, trong các sản phẩm thuốc lá điện tử có hàm lượng Nicotin rất cao và là chất gây nghiện, ảnh hưởng đến não bộ, tim mạch, đặc biệt nguy hại với phụ nữ mang thai, chưa kể nó có chứa các kim loại như chì, bạc, cadmium, thủy nhân, nickel có thể gây ung thư.

"Ghi nhận tại Bệnh viện Phổi Trung ương từ năm 2005 đến nay có nhiều ca tử vong vì sử dụng thuốc lá điện tử/thuốc lá thế hệ mới do tổn thương nhu mô phổi, viêm phổi. Đây là tổn thương cấp tính. Khi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng lâu dài, người nghiện sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh phổi, tổn thương phổi, mắc ung thư...." , bác sĩ Vũ Văn Thành.

Kỳ III: Cạm bẫy muôn màu khiến giới trẻ khó cưỡng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem