Lời kể của học sinh thoát nạn trong vụ tàu lượn siêu tốc rơi ở Phú Thọ
Liên quan đến sự việc 3 học sinh thương vong khi đi tàu lượn siêu tốc ở Phú Thọ, ngày 15/1, em Ngô Lan Phương, một trong 2 em học sinh bị thương khi đi tàu lượn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, vẫn chưa hết sợ hãi khi nhớ lại sự cố tàu lượn siêu tốc văng khỏi đường ray ở khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Thanh Thuỷ, Phú Thọ).
Hiện trường nơi xảy ra sự cố.
Phương kể lai sự việc, khi lên chơi trò tàu lượn siêu tốc, Phương và T.A và Hùng định ngồi toa ghế đầu nhưng do thanh chắn bảo vệ bị hỏng, một số toa khác cũng hỏng đai bảo vệ, không đóng được cửa nên các em ngồi xuống toa cuối.
Khi đi qua 2 đoạn gấp khúc, vào cua, Phương thấy toa ghế mình ngồi bị chao đảo, bất ngờ toa cuối xảy ra sự cố, vỡ làm đôi, trật khỏi đường ray.
Theo lời của Phương, sự việc diễn ra rất nhanh và kinh khủng, nhưng nữ sinh vẫn đủ tỉnh táo để chứng kiến tất cả sự việc, kể cả việc hai người bạn của mình bị rơi xuống đất.
Gia đình nạn nhân tử vong trong vụ nữ tài xế lao xe vào showroom đã mời luật sư
Khoảng 15h chiều 10/12, chị Đ.T.T. (SN 1995, ở Thanh Sơn, Phú Thọ) điều khiển ô tô con mang BKS 88A-286.58 di chuyển vào showroom ô tô Mitsubishi trên đường Nguyễn Tất Thành (TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).
Trong quá trình di chuyển, chị T. đã lao thẳng xe lên vỉa hè, tông trúng anh N.V.T. (nạn nhân là khách đi bảo dưỡng xe) đang đi bộ, rồi lao vào bên trong showroom Mazda cạnh đó. Hậu quả, anh T. bị tông trúng tử vong.
Hiện trường vụ tai nạn
Ngày 15/1, chị M.H. (vợ anh T.) cho biết, hiện tại gia đình chị đã mời luật sư tham gia trợ giúp pháp lý, tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Nguyện vọng của gia đình chị H. là cơ quan chức năng làm rõ vụ việc và trách nhiệm của chủ phương tiện giao xe cho nữ tài xế.
Hơn 1 tháng sau khi xảy ra tai nạn, hai bên vẫn chưa có tiếng nói chung. Lúc đầu, gia đình chị cũng muốn giải quyết tình cảm. Tuy nhiên, theo chị H., chị cảm thấy chưa nhận được sự tôn trọng từ phía gia đình nữ tài xế và thái độ gia đình tài xế cũng không cho thấy sự ăn năn.
Bệnh nhân 1440 lần đầu âm tính sau 11 lần dương tính COVID-19
Bệnh nhân 1440 (trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở tại An Giang) mắc COVID-19 lần đầu tiên xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 15/1. 11 lần xét nghiệm trước đó, bệnh nhân đều có kết quả dương tính. Bệnh nhân sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm âm tính đến lần thứ 3 thì sẽ cho cách ly tập trung.
Bệnh nhân 1440 đang được tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Vĩnh Long
Bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, cho biết: "Trường hợp này khác những bệnh nhân khác mà chúng tôi điều trị. Có những bệnh nhân mắc COVID-19 xét nghiệm đến lần thứ 3, hoặc thứ 5 thì đã cho kết quả âm tính, có người âm tính rồi dương tính trở lại. Trong khi đó, bệnh nhân 1440 phải hơn 10 lần dương tính với virus SARS-CoV-2 thì sau đó mới cho kết quả âm tính."
Trước đó, bệnh nhân 1440 tên L.T.T (33 tuổi; ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) là trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở tại xã Khánh Bình (huyện An Phú, tỉnh An Giang).
Ngay sau khi về đến gia đình, người nhà bệnh nhân đã thông báo ngay với công an địa phương để cách ly và lấy mẫu kịp thời tại Vĩnh Long. Ngày 24/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long đã lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm, kết quả bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
Bờ biển Đà Nẵng bị sóng xé tan hoang
Bờ biển phía đông thành phố Đà Nẵng có chiều dài khoảng 16 km nhưng đang có đến 6 khu vực bị xói lở. Hiện tượng này cũng đã xuất hiện trong các năm 2017 và 2018, tiếp tục trong thời gian từ cuối tháng 12-2020 đến đầu tháng 1-2021.
Khu vực xói lở nặng nhất là khu vực dọc theo dãy resort ven biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh hưởng của liên tiếp các cơn bão vào cuối năm 2020 khiến sóng ngoạm sâu hơn vào bờ. Nhiều hàng dừa cùng các công trình ven biển bị sóng cuốn trôi, gây hư hại, đe dọa các công trình kiên cố bên trong.
Bờ biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn xói lở nghiêm trọng từ cuối tháng 12-2020.
Sở TN&MT TP Đà Nẵng cũng cho rằng tình trạng xói lở thường xuất hiện vào những ngày thời tiết xấu. Không khí lạnh hoạt động mạnh gây sóng lớn trùng với thời kỳ hoạt động mạnh của gió mùa đông bắc, ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển.
Đến mùa khô (mùa hoạt động của gió mùa tây nam) thì bãi cát được bồi trở lại. Đến khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 hằng năm, bãi biển đạt chiều rộng lớn nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.