TP.HCM: Gian nan di dời các cơ sở gây ô nhiễm

Thứ sáu, ngày 04/10/2013 10:10 AM (GMT+7)
Mặc dù đã có kế hoạch di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường từ hàng chục năm qua nhưng đến nay nhiều cơ sở vẫn yên vị và người dân vẫn phải sống chung với những mối nguy trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống của mình.
Bình luận 0
Nguồn nước chết, không khí mịt mù

Từ nhiều năm qua người dân sinh sống tại khu phố 4, 5 của phường Đông Hưng Thuận, quận 2, thường xuyên phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất dệt nhuộm, bột giấy trong khu vực. Anh Nguyễn Anh Tuấn, ngụ khu phố 5 cho biết, trong khu vực còn hàng chục cơ sở sản xuất đốt bằng củi nên khói bay mù mịt. Do bị người dân phản ứng nhiều nên một số nhà máy, xí nghiệp tranh thủ đốt vào ban đêm.

Dọc kênh Tham Lương (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm hoạt động.
Dọc kênh Tham Lương (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm hoạt động.

Cũng theo nhiều người dân trong khu vực, nhiều nhà máy, xí nghiệp nằm gần kênh Tham Lương đã xả thải vô tội vạ ra kênh và biến kênh Tham Lương thành dòng kênh chết. Điều đáng lo ngại là trong khu vực này đa phần các hộ dân phải dùng nước giếng để sinh hoạt nên người dân lo ngại tình trạng xả thải, ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước.

Còn tại khu vực bến đò Linh Đông (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) nhiều hộ phải sống chung với mùi hôi từ một cơ sở sản xuất nước mắm gây ra. “Vào những lúc trời nắng, mùi hôi bốc lên khiến nhiều gia đình ở gần không dám mở cửa sổ” - ông Nguyễn Thanh An, ngụ khu phố 8, phường Linh Đông cho biết.

Tương tự, tại khu vực ngoại thành hiện vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm giữa khu dân cư. Trong buổi giám sát tình hình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM mới đây, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, hiện nay còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm tồn tại trong các khu dân cư. Ngoài các cơ sở gây ô nhiễm tại khu vực Đông Hưng Thuận, quận 12 còn có ít nhất 5 cơ sở gây ô nhiễm khác nằm tại các quận 4, 8, Gò Vấp, Thủ Đức cần phải di dời.

Vẫn tiếp tục chờ đợi

Ông Cao Trung Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) cho biết từ năm 2002, UBND TP.HCM đã có chủ trương di dời 1.402 cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khu vực ngoại thành và vùng phụ cận, đến nay phần lớn các cơ sở đã được di dời. Đối với các cơ sở gây ô nhiễm tại phường Đông Hưng Thuận, thời gian qua người dân trong khu vực phản ánh về tình trạng ô nhiễm do các cơ sở gây ra nhưng hiện nay vẫn chưa có phương án giải quyết.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, 2 cơ sở chưa xử lý được là do đặc thù ngành nghề và nằm trong khu vực dân cư. Bên cạnh đó, 2 cơ sở này trực thuộc Trung ương nên thành phố không đủ thẩm quyền giải quyết. Theo lộ trình, việc di dời sẽ kéo dài đến năm 2017 - 2018.


Cũng theo ông Sơn, khu vực này trước đây được xem là vùng phụ cận, các cơ sở tại đây được di chuyển từ các khu vực thuộc quận Tân Bình, Tân Phú ra. Do đã thực hiện di dời một lần nên nếu thực hiện di dời tiếp các cơ sở này cần phải có chính sách hỗ trợ di dời.

Ngoài việc di dời 1.402 cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra ngoại thành và các vùng phụ cận, theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ, tại TP.HCM có 37 doanh nghiệp phải thực hiện xử lý ô nhiễm triệt để.

Tuy nhiên từ năm 2003 đến nay thành phố mới di dời, cho ngừng hoạt động và khắc phục ô nhiễm đối với 35 cơ sở. Còn 2 cơ sở chưa di dời được là Nhà máy Đóng tàu Ba Son và Nhà máy Xi măng Hà Tiên.
Hữu Ký (Hữu Ký)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem