Tranh cãi trái chiều xung quanh việc xử kín vụ bé gái 8 tuổi bị cha đẻ và “dì ghẻ” hành hạ

Quang Trung Thứ ba, ngày 28/06/2022 14:41 PM (GMT+7)
Liên quan đến việc tòa xử kín vụ bé gái 8 tuổi bị "dì ghẻ" và cha ruột hành hạ đến tử vong, PV Dân Việt đã ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều từ bạn đọc và các luật sư.
Bình luận 0

Xử kín vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong có đúng quy định?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho gia đình bé V.A nêu quan điểm cho rằng, việc xét xử kín trong vụ án này là không cần thiết.

Bởi mục đích xử kín được đưa ra là để bảo vệ người dưới 18 tuổi. Nhưng vụ án này, bị hại đã tử vong nên cần phải xét xử công khai nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa tội phạm nói chung.

Tranh cãi trái chiều xung quanh việc xử kín vụ bé gái 8 tuổi bị cha đẻ và “dì ghẻ” hành hạ? - Ảnh 1.

Nguyễn Kim Trung Thái và Nguyễn Võ Quỳnh Trang bị truy tố do có hành vi bạo hành bé N.T.V.A (8 tuổi) dẫn đến tử vong. Ảnh: CACC

Luật sư Thơm phân tích, Hiến pháp năm 2013 quy định về nguyên tắc xét xử tại Điều 103. Cụ thể: Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, tòa án nhân dân có thể xét xử kín.

Trong khi đó, Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định: Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.

Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

Ngoài ra, theo điểm d, khoản 1 Điều 7 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định, đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán, tòa án phải xét xử kín.

Đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi, tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Như vậy, theo quy định này, những trường hợp được xét xử kín thông thường là những vụ án vụ án xâm hại tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô…

Đặc biệt là những vụ án mà nạn nhân là trẻ em gái, người chưa thành niên thường được xét xử kín, tránh gây áp lực tâm lý cho nạn nhân.

Hoặc các vụ án mà nạn nhân bị bạo hành là người dưới 18 tuổi để cần giữ bí mật đời tư, bảo vệ cho nạn nhân không bị áp lực tâm lý.

"Theo dự kiến, sáng 21/7/2022, TAND TP.HCM đưa ra xét xử kín theo trình tự sơ thẩm đối với các bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái về các tội giết người, hành hạ người khác.

Vụ án được xét xử kín vì lý do bị hại là cháu V.A sinh năm 2013 đang là người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, vụ án này là vụ án giết người, bị hại V.A đã tử vong nên việc xét xử kín là không cần thiết" – luật sư Thơm nhấn mạnh.

Trong khi đó, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành thuộc trường hợp những vụ án có đương sự là người dưới 18 tuổi. Đối với vụ án này, tòa án sẽ xem xét bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi.

Theo đó, người dưới 18 tuổi trong vụ án có thể là người bị hại hoặc bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Những vụ án hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, hành hạ, làm nhục, giết người... mà bị cáo hoặc bị hại là người dưới 18 tuổi, trong hồ sơ vụ án và các tình tiết trong vụ án có thể tiết lộ những thông tin nhân thân, những hình ảnh, tình huống, sự kiện ghê rợn, tàn nhẫn đối với nạn nhân khiến người khác kinh hãi.

Do đó, luật sư Cường cho biết, khi xét xử có thể sẽ có rất nhiều đoạn clip được trình chiếu công khai, ảnh tử thi, những lời khai về hành vi bạo hành... có thể khiến người thân, gia đình nạn nhân bị sốc, đau khổ, sợ hãi.

Những hình ảnh đó nếu bị truyền tải công khai trên công luận cũng sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ em và các bậc phụ huynh. Bởi vậy việc xét xử kín là cần thiết.

Ở một diễn biến khác, nhiều bạn đọc cho rằng, lý do đưa ra để xét xử kín là "bảo vệ nạn nhân là trẻ em" không thuyết phục bởi nạn nhân ở đây đã chết nên cần được xét xử công khai để bảo đảm công bằng.

Tòa cho rằng xử kín vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành là để bảo vệ trẻ em

Tòa Gia đình và người chưa thành niên (TAND TP.HCM) dự kiến xét xử Trang, 26 tuổi, về các tội Giết người và Hành hạ người khác. Nguyễn Kim Trung Thái, 36 tuổi (cha bé V.A) bị cáo buộc tội hành hạ người khác và che giấu tội.

Vụ án được xét xử kín nhằm bảo vệ nạn nhân là trẻ em, theo quy định.

Chủ tọa là thẩm phán Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chánh tòa Gia đình và người chưa thành niên. Để phục vụ cho việc xét xử, toà triệu tập 4 người làm chứng và hai giám định viên tham gia phiên toà.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bé Vân An có 4 luật sư, trong đó có bà Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM), luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND Tối cao tại TP.HCM) và luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Bào chữa cho bị cáo Trang có luật sư Nguyễn Ngọc Trâm. Luật sư Phạm Thị Ngọt và Võ Thị Xuân Thuỳ bào chữa cho bị cáo Thái.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem