Tranh chấp tài sản sau ly hôn, khi hết tình, cạn nghĩa

Thứ bảy, ngày 19/10/2019 09:40 AM (GMT+7)
Có mặt tại phiên xử “Tranh chấp tài sản sau ly hôn” của cha mẹ, hai người con của ông Trần Đình K. và bà Nguyễn Thị Tố H., chỉ biết lặng lẽ cúi đầu khóc trước màn đấu tố của cha mẹ.
Bình luận 0

Cha mẹ già lao đao vì con ly hôn

Cùng là người Bắc vào Sài Gòn lập nghiệp, ông K. và bà H. nên duyên vợ chồng. Trước khi cưới vợ, ông K. làm ở Cục quân trang thuộc Tổng cục Hậu cần. Năm 1990, ông K. đã phải nghỉ việc do tinh giảm biên chế. Không còn việc làm, ông phải làm nhiều nghề để kiếm sống còn bà H. kinh doanh mặt hàng may mặc nhưng cũng không thành công. Khi 2 con ra đời, vợ chồng ông K. khá khó khăn về kinh tế, tuy nhiên họ may mắn được cha mẹ vợ hỗ trợ.

Năm 2005, sau khi bán 2 phần đất ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cha mẹ bà H. quay về huyện Củ Chi, TP.HCM, mua 2 phần đất khác. Do lớn tuổi, cha mẹ bà H. đã nhờ bà con gái đi giao dịch, mua đất giúp.

img

 Hình minh họa

Sau khi hoàn tất việc mua bán, cha mẹ bà H. đã thuê người cải tạo đất, xây dựng nhà và quản lý sử dụng. Lúc này, ông K. không có ý kiến gì cho đến khi vợ chồng ông K. xảy ra mâu thuẫn và tới năm 2008 thì ly hôn. Khi nộp đơn ly hôn, ông K. không kê khai tranh chấp 2 phần đất mà bà H. đứng ra mua giúp cha mẹ, nhưng sau đó ông K. bất ngờ làm đơn ngăn chặn về việc không cho cha mẹ vợ được chuyển nhượng, chia cho người khác. Đồng thời, làm đơn khởi kiện, yêu cầu bà Hoa chia 2 phần đất này cho mình

Tháng 6/2019, TAND huyện Củ Chi đã bác khởi kiện của ông K., công nhận quyền sử dụng 2 phần đất này cho cha mẹ bà H.

Không đồng tình với phán quyết của tòa, ông K. đã làm đơn kháng cáo.

Phiên tòa ngập nước mắt

Khi TAND TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm, dù đã lớn tuổi nhưng mẹ bà H. vẫn cùng con cháu tới tham dự phiên tòa. Bằng giọng buồn bã cụ Trần Thị Th. khuyên nhủ con rể cũ “Tôi đã làm thủ tục cho tặng 2 con của anh rồi, giờ nó là của các con anh. Anh rút đơn kiện về đi, dù gì mảnh đất này cũng là của các con anh”.

Trước đề nghị của bà Th., HĐXX cũng nhẹ nhàng phân tích “Chúng tôi thấy cụ Th. nói phải đó, ông nên hòa giải theo lời đề nghị của bà Th., ông tranh chấp làm gì vì trước sau gì mảnh đất đó cũng thuộc về các con ông, sao ông không đồng ý lời đề nghị của mẹ vợ để giải quyết dứt điểm vụ kiện?”.

Mặc những lời gan ruột của mẹ vợ, lời khuyên nhủ của HĐXX, ông K. vẫn giữ nguyên quan điểm khởi kiện của mình.

Nức nở suốt phiên tòa, chị M. con gái của vợ chồng ông K. nghẹn ngào nói về tâm tư của hai chị em “Tôi và em tôi chưa bao giờ nghĩ rằng miếng đất của ông bà ngoại là của hai chị em. Trong thâm tâm của hai chị em tôi, đó là miếng đất của ông bà ngoại. Từ khi bố mẹ li hôn, chưa bao giờ tôi nghe mẹ nói xấu bố tôi, trong khi đó thì bố luôn nói những điều không hay về gia đình mẹ.

Tôi không nghĩ tôi sẽ phải đứng lên nói xấu bố như thế này, nhưng tôi không chịu được. Bố chỉ ngồi ở quán cà phê trước nhà, luôn cằn nhằn mỗi khi uống rượu. Bố không đánh chúng tôi nhưng luôn đánh mẹ tôi trước mặt con mình. Chúng tôi rất cảm ơn tấm lòng của ông bà. Nhưng chúng tôi không cần mảnh đất đó. Chúng tôi chỉ hi vọng mảnh đất ấy vẫn còn của gia đình, để sau này là nơi các con, các cháu tụ họp lại với nhau”.

Tiếp lời con gái, bà H. “vạch tội” chồng cũ, rằng suốt những năm tháng vợ chồng, một mình bà phải gồng gánh gia đình, khi công ty may làm ăn không hiệu quả phải giải thể, cha mẹ bà phải hỗ trợ bà nuôi con. Trong khi đó, ông K. không hề quan tâm tới khó khăn của gia đình, “anh ấy không bao giờ biết hũ gạo ở nhà còn hay hết, anh ấy chỉ lo cho bản thân anh ấy, nhậu nhẹt, chơi bời”.

Bà H. cho hay, thời điểm bà đứng ra mua đất cho cha mẹ, hai vợ chồng bà tay trắng, chi tiêu hàng tháng còn phải có hỗ trợ từ ông bà ngoại thì lấy đâu tiền mà mua đất. Việc ông K. khởi kiện đòi chia đôi tài sản cha mẹ mình khiến bà và gia đình rất bất ngờ, “Biển còn đo được nông sâu chứ lòng người thì kinh khủng quá”, bà H. cay đắng nói.

Mặc những lời gan ruột của vợ con, gia đình và HĐXX, ông K. vẫn lạnh lùng đề nghị “Cứ xử theo pháp luật”.

Phiên tòa chưa kết thúc, nhưng những người tham dự khán đều cay cay nơi khóe mắt. Khi tình cảm không còn thì người ta coi vật chất vượt qua giá trị gia đình, tình cảm cha con, vợ chồng. 

Thanh Phương (Vietnamnet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem