Khẳng định tính cần thiết ban hành Luật Căn cước công dân, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là bối cảnh thực hiện hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế và cải cách hành chính đã đặt ra các yêu cầu mới. Theo đó, cần quy định việc sử dụng thẻ căn cước công dân theo công nghệ tiên tiến, vừa bảo đảm bền, đẹp, chống làm giả, vừa có khả năng tích hợp nhiều thông tin cần thiết để góp phần đơn giản hóa giấy tờ cho công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử. Theo dự án Luật Căn cước công dân, thẻ căn cước công dân (thay thế cho tên gọi hiện nay là chứng minh nhân dân - CMND) là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam. Trên thẻ có thông tin về nơi thường trú của công dân, họ và tên khai sinh, họ và tên gọi khác, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc... Mặt khác, trên thẻ có số định danh cá nhân của mỗi người, giúp cho công dân thuận tiện khi giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giao dịch dân sự. Trên thẻ còn có bộ phận điện tử để lưu trữ, khai thác thông tin về công dân.
Theo dự kiến, tới đây mỗi người dân Việt Nam - kể từ khi làm thủ tục khai sinh, sẽ được cấp thẻ Căn cước công dân.
Về hạn sử dụng của thẻ, dự luật quy định, với người dưới 15 tuổi, hạn sử dụng là từ khi cấp đến khi đủ 14 tuổi. Với người từ 15 tuổi đến dưới 25 tuổi, hạn sử dụng là 10 năm, kể từ ngày cấp. Với người từ đủ 25 tuổi đến dưới 70 tuổi, hạn sử dụng là 15 năm, kể từ ngày cấp. Riêng người từ 70 tuổi trở lên không xác định hạn sử dụng của thẻ. Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định: “Một bước tiến quan trọng so với quy định của pháp luật hiện hành là dự luật quy định cấp thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 15 tuổi, ngay từ khi làm thủ tục khai sinh để bảo đảm quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013”. Dự luật cũng quy định số thẻ căn cước công dân là số định danh cá nhân. Số này là mã số công dân gồm 12 số tự nhiên, được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn quốc, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác.
Chiều qua, Quốc hội đã nghe tờ trình tờ trình dự án Luật Hộ tịch. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ là cần duy trì việc cấp giấy khai sinh để làm cơ sở cho các hoạt động quản lý của Nhà nước đối với công dân và để công dân thực hiện các quyền cơ bản như học tập, khám chữa bệnh, cư trú, đi lại.
|
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, ủy ban tán thành với việc quy định số định danh cá nhân trong dự luật và cho rằng, đây là bước đột phá quan trọng về cải cách thủ tục hành chính liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân. Song, để bảo đảm cơ sở pháp lý và tính khả thi, dự thảo luật cần bổ sung một số quy định cụ thể hơn về phương thức xác lập số định danh cá nhân, thủ tục và thẩm quyền cấp số định danh cá nhân...
Nhiều ý kiến cũng nhất trí quy định cấp thẻ căn cước công dân thay cho CMND và được cấp ngay từ khi công dân sinh ra, góp phần đơn giản hóa nhiều loại thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, khó làm giả, đồng thời phù hợp với xu hướng hiện đại trong quản lý nhà nước về dân cư.
Cùng ngày, Quốc hội nghe tờ trình về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam trình Quốc hội. Theo đó, có một nội dụng quan trọng, được sửa đổi từ Điều 13 Luật Quốc tịch 2008 thành: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 1.7.2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam”. Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, tính đến ngày 31.12.2013, mới có trên 6.000 người làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch.
Hải Phong (Hải Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.