Trên “chiến trường” khốc liệt nhất hành tinh

Thứ sáu, ngày 16/05/2014 06:22 AM (GMT+7)
Nếu thương trường từ lâu vẫn được ví như chiến trường thì hơn ở đâu hết, Nhật Bản là một chiến trường khốc liệt nhất hành tinh. Ở đó mọi công ty đa quốc gia lao vào guồng đua tranh sinh tử.
Bình luận 0
Ở đó chỉ những sản phẩm tinh túy nhất, sạch sẽ nhất mới có cơ hội được lọt vào và đem lại vinh dự không chỉ cho công ty mà còn cho cả quốc gia có hàng xuất. Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao là một trong những trường hợp như vậy…

Hiện nay “vòng kim cô” lớn nhất của ngành công nghiệp phân bón, hóa chất ở Việt Nam chính là hàm lượng không đáp ứng chuẩn quốc tế. Chính vì thế sản phẩm không được các nước phát triển chấp nhận mà chỉ loanh quanh nội tiêu và xuất lẻ tẻ sang một hai quốc gia dễ tính. Một số nhà máy phân bón mới xây dựng với những khoản tiền rất lớn nhưng lại nhập về các trang thiết bị, công nghệ lạc hậu, sản xuất ra những sản phẩm “nửa dơi, nửa chuột”.

Đồng vốn bị chôn chân không còn cơ hội đầu tư mới, sản phẩm bị bó hẹp không thể có được tấm “visa” xuất khẩu đi các nước lân bang nên lâm vào tình trạng “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã xuất sắc trong việc tháo chiếc “vòng kim cô” đó.

Người nông dân cẩn thận mở một đường ở miệng bao, cầm tay dốc ngược xuống bồn chứa của máy bón phân tự động. Chiếc máy khẽ rung lên, đầu ống xả tuôn ra một làn khói xanh mỏng nhẹ. Dưới bàn tay điều khiển điêu luyện của con người, nó chồm lên đám đất đã được xới nhuyễn gần một bìa rừng lá kim, làm nhiệm vụ chăm bón cho cây trồng.

Mô tơ dưới guồng quay xoay tít. Một cầu vồng những hạt nho nhỏ, xam xám tung xuống đất. Trăm hạt văng ra đều tăm tắp như có một cây đũa thần. Giữa xứ sở hoa anh đào, nhìn vào thương hiệu ba nhành lá cọ của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, bất giác trong tôi trào dâng một cảm giác lâng lâng, tự hào đến khó tả.

Ba nhành lá cọ giờ đây không chỉ quen thuộc với hàng chục triệu nông dân Việt Nam mà đang dần quen thuộc với nông dân Nhật Bản nơi nổi tiếng với nền kỹ nghệ bậc nhất hoàn cầu.

Những cái bắt tay thật chặt. Những nụ cười tươi như hoa sakura nở mùa xuân. Phần đông những người Nhật làm trong Tập đoàn FRP (đơn vị chuyên về nhựa và phân bón) đã quen mặt với đoàn khách đến từ Việt Nam, quen hương vị của món ăn Việt, quen hơi rượu Việt rất đượm nồng. Chỉ có khác một điều những lần trước họ gặp nhau ở đại bản doanh của công ty tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, nay gặp lại trên chính thủ đô hoa lệ Tokyo của đất Nhật anh đào.

Fumiki Yamasak - quản lý của Tập đoàn FRP cho hay, nước Nhật hiện không có nhiều đất cho nông nghiệp nên phải tính toán sao cho tận dụng thật hiệu quả trên từng vuông, từng mét (Nhật Bản có diện tích hơn 377.967km2 trong đó đồi núi chiếm 75%, phần lớn đất dành cho khu công nghiệp mà nông nghiệp vẫn phải nuôi số dân 137 triệu người).

Đã 4 năm trôi qua kể từ hồi container hàng đầu tiên xuất đi Nhật, giờ đây sản phẩm của đơn vị đã chạy dọc xứ sở anh đào. Đối tác FRP rất ấn tượng với sản lượng khổng lồ của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao sản xuất ra mỗi năm với 830.000 tấn supe lân, 750.000 tấn NPK, 300.000 tấn lân nung chảy, 280.000 tấn axit sunfuric và hàng chục hóa chất chủ lực khác.

Ở Việt Nam axit sunfuric của Lâm Thao đã được các liên doanh Nhật Bản như Honda, Toyota… ưa chuộng dù trên thị trường tràn ngập axit giá rẻ chính là bởi độ sạch và chất lượng hảo hạng. Cũng vì yếu tố sạch đó mà sản phẩm của công ty đã vượt qua những hàng rào kiểm định khắt khe nhất, đường hoàng, thẳng tiến vào Nhật Bản.

Thay mặt cho đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Duy Khuyến - Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, khẳng định: “Sâu xa hơn, không chỉ là hợp tác kinh tế đơn thuần mà sản phẩm của chúng tôi còn là cầu nối để tăng thêm tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Nhật”.

Rời Tập đoàn FRP, xe chúng tôi thẳng tiến tới Nhà máy sản xuất NPK Nihon Hiryo. Đơn vị có lịch sử từ năm 1949 hiện đang có 2 cơ sở, ngoài sản phẩm chủ lực là NPK còn sản xuất tới 250 loại phân, chế phẩm khác nhau. Nhìn từ bên ngoài vào chẳng ai nghĩ đó là một nhà máy hóa chất bởi đủ thứ cây cảnh, hoa, cỏ được xén tỉa, chăm sóc rất cẩn thận bao quanh. Mọi thứ đều sạch như ly, như lau chỉ duy nhất hiện diện một ống khói cao vút, thả ra nền trời xanh biếc những đám hơi nước xôm xốp trắng tựa mây.

Cảnh lặng lẽ, chỉ khi cánh cửa lớn bật mở, bước vào bên trong người ta mới thấy được thực sự những hoạt động của một nhà máy hóa chất tại Nhật ra sao. Xoành xoạch, những cánh tay rôbốt miệt mài bốc xếp hàng hóa từ băng chuyền lên xe cẩu để rồi từ đó chuyển sang những xe vận tải. Công nhân chỉ việc bấm các dãy nút để vận hành đủ loại máy móc mà tuyệt đối không có cảnh bốc dỡ “bằng cơm”.

Một nhà máy phân bón công suất trên 200 tấn/ngày do vậy chỉ cần khoảng 30 lao động đã là quá đủ. Đặc thù của sản xuất hóa chất nên bên trong Nhà máy Nihon Hiryo cũng có bụi nhưng tất cả đều được giữ lại bằng hệ thống lọc tĩnh điện hiện đại để không thoát ra một ly một lai nào ra môi trường xung quanh.

Nhật Bản hầu như không có quặng apatit nên mỗi năm phải nhập chừng 140.000 tấn supe lân từ các nước. Trước đây ở nước ta quặng apatit thường được xuất thô với giá rất rẻ mạt. Từng đoàn xe tải chở quặng nối đuôi nhau lên biên giới làm rỗng ruột núi rừng, làm hỏng đường, hỏng cầu mà chỉ đem về những đồng tiền lẻ không hơn không kém.

Bài toán hợp lý là chuyển quặng apatit từ Lào Cai về Lâm Thao bằng đường sắt với khoảng cách 200km để rồi xử lý và phân bố sản phẩm tỏa ra khắp Việt Nam cũng như xuất khẩu giúp tăng giá trị lên rất nhiều.

Có ở một quốc gia G7 như Nhật Bản mới thấy nhiều quan niệm về phân bón ở trong nước là sai lầm. Cứ theo lôgic mà nói nếu thiếu quặng apatit sẽ phải nhập phân DAP nhưng vì sao Nhật vẫn nhập một lượng lớn supe lân? Chuyên gia giải thích đó là cách để Nhật bổ sung thêm trung và vi lượng.

Cứ theo lôgic mà nói lân tan trong nước dễ bị rửa trôi nhưng Nhật lại yêu cầu độ tan trong nước của lân phải trên 13% mới cho nhập. Dễ tan trong nước tuy có bị rửa trôi đi một phần nhưng lại dễ hấp thụ cho cây, kể cả với cây non, cái lợi nhiều hơn cái hại. Tất cả đã được người Nhật vốn nổi tiếng là có bộ óc tính toán chi li nhất thế giới chấp nhận.

Đình Tường (Đình Tường)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem