Tréo ngoe Lương Sơn Bạc: Em họ đưa anh trai vào… tuyệt lộ

Thanh Xuân Thứ ba, ngày 11/06/2019 06:30 AM (GMT+7)
Lương Sơn Bạc có nhiều nhóm họ hàng như Nguyễn thị tam hùng, chú cháu Trâu Uyên – Trâu Nhuận, bộ đôi thợ săn Giải Trân-Giải Bảo, anh em Tôn Lập – Tôn Tân, Trương Hoành – Trương Thuận, Khổng Minh – Khổng Lượng rồi cặp đao phủ họ Sái… Điểm chung của nhóm này là tâm đâu ý hợp, luôn sát cánh bên nhau và lên Lương Sơn cùng đợt. Nhưng Lương Sơn còn có một cặp anh em, xuất thân – hoàn cảnh vô cùng khác biệt, kẻ trước người sau đều gia nhập “Bến nước”, nhưng tận sâu trong họ là sự ghen tức, ẩn ức, hận thù không thể xóa bỏ.
Bình luận 0

Trong trận chiến với đại quân triều đình của Hô Diên Chước ở cuối hồi 54 Thủy Hử, nghĩa quân Lương Sơn chịu tổn thất nặng nề bởi trận pháp “Thiết giáp liên hoàn mã”, cơ hồ khó mà chống chịu được lâu. Và đấy chính là thời điểm đánh dấu sự xuất hiện của một đại đầu lĩnh, người được thừa kế binh pháp Câu liêm thương: Kim sang thủ Từ Ninh.

Hai anh em họ: Từ Ninh – Thang Long

Từ Ninh hiện ra, đầu tiên, qua lời kể của một đầu lĩnh cũng vừa gia nhập Lương Sơn – Kim tiền báo tử Thang Long. Thang Long xuất thân là thợ rèn, được truyền nghề từ cha mình. Thang Long tính mê cờ bạc, sau khi cha mất, lưu lạc giang hồ, làm đủ nghề kiếm ăn. Ở hồi 53 Thủy Hử, Thang Long múa chùy biểu diễn, gặp Lý Quỳ, đôi bên kết nghĩa huynh đệ rồi theo cùng lên Lương Sơn.

img

Ẩn ức, ghen tị và mối thù hận của hai anh em họ cùng là đầu lĩnh Lương Sơn: Từ Ninh – Thang Long.

Lời của Thang Long về Từ Ninh, ở đầu hồi 55 Thủy Hử như thế này: “Nguyên tổ phụ tôi, xưa sinh nhai về nghề rèn đúc quân khí, sau gặp Lão Trung Kinh Lược, mới được ra làm Tri Trại ở phủ Duyên An. Trước đây trong triều đã dùng trâu ngựa Liên Hoàn để đánh giặc, song muốn phá trận đó, thì phải dùng tới câu liêm mới được... Nay muốn tìm một người biết dùng, tất phải tìm đến người anh cô cậu của tôi, hiện nay làm chức Giáo Đầu ở Đông Kinh, gia truyền đánh phép câu liêm không ai học được, hoặc đánh trên ngựa, hay đánh dưới bộ, thực là xuất qủy nhập thần”.

Mối quan hệ giữa Thang Long và Từ Ninh là anh em họ. Chính xác: cha của Thang Long là em trai của mẹ đẻ ra Từ Ninh. “Từ Ninh có một vật báu, là cái áo giáp khuyên kim bằng lông chim nhạn linh khâu lại… Cái áo giáp ấy như là tính mạng của ông ta, vẫn bỏ vào cái hòm da treo trên phòng rất cẩn thận. Nay nếu lấy được cái áo ấy, thì tất ông ta phải đến đây ngay”. Xong rồi, Thang Long “ghé vào tai Tống Giang nói thầm mấy câu. Tống Giang cả cười mà rằng: “Diệu kế, như thế thì làm gì không được?”.

Như vậy, chính Thang Long đề ra toàn bộ kế sách để lừa Từ Ninh: từ việc trộm bảo giáp quý Kiểm Đường Nghê, đến việc dẫn dắt người anh họ từ tửu điếm này đến sự kiện nó, rồi từng bước từng bước tới sát “bến nước” trước khi chuốc thuốc mê đưa thẳng lên Lương Sơn.

Tuy nhiên, tất cả những chi tiết nêu trên mới chỉ cho thấy Thang Long, sẵn sàng vì “đại nghĩa” của Lương Sơn mà “diệt thân” – tức đưa người anh em họ của mình Từ Ninh, vốn đương chức Giáo đầu, đang yên ấm nơi Đông Kinh, lên nhập bọn tại “Bến nước”.

img

Tạo hình “Kim sang thủ” Từ Ninh.

Những trích đoạn sau đây, từ Thủy Hử, sẽ cho chúng ta một góc nhìn hoàn toàn khác về con người Thang Long, và quan trọng hơn việc lừa Từ Ninh lên Lương Sơn, bề ngoài là giúp nghĩa quân nhưng thực chất ẩn trong đó… chính là trả thù riêng vậy.

Ẩn ức của “Kim tiền báo tử”

Theo mưu sách đã định, sau khi Thời Thiên trộm được bảo giáp của Từ Ninh thì lớp kế thứ hai chính là sự xuất hiện của người em họ Thang Long tại tư gia của “Kim Sang thủ”. Dưới đây là đoạn hội thoại giữa hai người.

Thang Long tới nơi, cúi đầu lạy chào, rồi hỏi thăm Từ Ninh rằng: “Lâu nay Ca Ca vẫn được bình yên đó chăng?”

- Từ Ninh đáp lễ mà rằng: “Dạo trước ông cậu quy tiên, tôi vì bận việc quan, vả đường xa xôi, không sao đến viếng được sau cũng không biết tung tích hiền đệ ra sao, trong lòng thực lấy làm ăn năn quá đỗi. Chẳng hay hiền đệ ở đâu? Từ đâu mà đến đây thế?”

Thang Long nói: “Từ khi phụ thân bị mất, trong nhà gặp lúc gian truân phải lưu lạc giang hồ, rất là vất vả. Nay tôi nhân ở Đông Sơn tới đây để hỏi thăm Ca Ca, và anh em đàm đạo một hôm, cho đỡ lòng khát vọng bấy lâu...”

img

Tạo hình “Kim tiền báo tử” Thang Long.

Thang Long mở khăn gói ra lấy hai đĩnh bạc, nặng hai mươi lạng, đưa cho Từ Ninh mà nói rằng: “Khi phụ thân tôi mất, có để lại hai mươi lạng vàng này, có dặn đưa cho Ca Ca để làm kỷ niệm về sau, song từ ấy đến nay không ai qua lại, cho nên vẫn không gửi sang đây được. Nay tiểu đệ qua đây, đưa nộp Ca Ca một thể.

Từ Ninh nói: “Cậu có lòng quá yêu tôi như thế, tôi biết lấy gì báo đáp vong hồn cậu được...”. Thang Long tiếp lời: “Ca Ca bất tất nghĩ vậy. Khi phụ thân tôi còn sống, vẫn thường nhớ đến Ca Ca võ nghệ cao cường, song vì non nước xa khơi, không sao được gặp, gọi là để chút này làm kỷ niệm đó thôi”.

Đoạn hội thoại nêu trên, thoạt thì có vẻ rất bình thường giữa 2 người anh em họ lâu ngày không gặp. Nhưng đọc thật kĩ có thể thấy hàm ý oán trách Từ Ninh của Thang Long trong đó. Từ việc cha mất nhưng kẻ thân làm anh như Từ Ninh thậm chí không chịu đến viếng, rồi đến chuyện mình hoàn cảnh sa cơ, lưu lạc giang hồ vất vả nhưng không có được một chút quan tâm, chưa nói đến chuyện giúp đỡ của Từ Ninh – thân là quan chức triều đình, của nả dư giả.

Biệt danh cùng có chữ “Kim”, Thang Long là “Kim tiền báo tử” còn Từ Ninh là “Kim sang thủ” nhưng hoàn cảnh đưa đẩy, cuộc sống của hai người đúng là khác nhau một trời một vực vậy. Người em họ thì phải múa vũ khí bán lấy tiền nơi đầu đường xó chợ còn người anh họ thì làm Giáo đầu ở kinh thành, quan hệ với giới quan chức cực tốt, cuộc sống phong lưu quan cách, kẻ hầu người hạ đầy phủ. Gia cảnh và cách sống cao sang của Từ Ninh hiện ra một cách rõ ràng qua đoạn viết, cũng ở hồi 55, sau đây:

img

Trộm áo kim giáp là điểm mấu chốt trong mưu kế lừa Từ Ninh lên Lương Sơn của cậu em họ Thang Long.

“Đoạn rồi thấy một đứa nữ tỳ ở dưới bếp đi lên, gập một cái áo màu tía cổ tròn, một cái áo ngắn màu quan lục, một cái áo xiêm hoa rực rỡ, một cái khăn gấm, và mấy cái khăn tay bằng lụa, bọc vào một gói, lại gấp một cái thắt lưng đuôi giải bọc vào khăn vàng nhỏ rồi bỏ vào hòm mà để lại một chỗ…”

Ngoài ra, qua chi tiết Từ Ninh cáu giận sau khi phát hiện mất áo giáp quý mà mắng vợ: “Trước Hoa Nhi Vương Thái Úy đã trả ta vạn quan, ta không chịu bán cốt để những khi ra trận mà dùng” cũng cho thấy họ Từ thuộc loại giàu có “trên tiền” như thế nào. Và Từ Ninh ấy, trong nhiều năm ròng, không hề để tâm hay liên lạc với cậu em họ con cô con cậu một chút nào. Hay nói thẳng ra là Từ Ninh không muốn dính dáng đến người em họ “rạch trời rơi xuống” như Thang Long.

Ngược lại, trong con người Thang Long, hẳn vừa có chút ghen tị (bao nhiêu thứ tốt đẹp vào người anh họ cả) xen lẫn nỗi hận bị xem thường, bị bỏ mặc bao năm qua. Nhân việc công của Nghĩa quân, ép Từ Ninh lên Lương Sơn, chẳng phải là cách tốt nhất để kéo người anh họ “đáng ghét” về cùng đẳng cấp với mình. Rửa nỗi hận với bao lớp lang che đậy như thế, Thang Long đúng là tay cơ mưu thâm hiểm, trái hẳn với vẻ ngoài thô lậu của gã vậy.

Nỗi hận của “Kim sang thủ” Từ Ninh

Sau khi uống nhằm rượu có pha thuốc mê của Nhạc Hòa, Từ Ninh bị nhóm đầu lĩnh Lương Sơn, dẫn đầu bởi Thang Long, đưa xuống thuyến thẳng tiến “Bến nước”. Hồi 55 viết: “Được một lát Từ Ninh tỉnh dậy, trông thấy mọi người, thì ngạc nhiên kinh sợ không hiểu ra sao. Sau khi biết bị Thang Long đánh lừa đưa đến Lương Sơn Bạc, chàng liền gọi đến trách rằng: Sao ngươi nỡ tâm đánh lừa ta đến đây như vậy?

img

Từ Ninh và Thang Long, cạnh một tửu điếm gần Lương Sơn, trước khi “Kim sang thủ” bị chuốc thuốc mê.

Thang Long lựa lời an ủi, khuyên giải Từ Ninh, và đem lòng nghĩa khí của Tống Giang và chuyện mình nhập đảng kể cho Từ Ninh nghe. Từ Ninh nghe nói thở dài mà rằng: “Thế này thực là anh em giết tôi đó!”. Bị người em họ bao năm không gặp lừa một cú đau điếng, từ chỗ là Giáo đầu bỗng thành giặc cỏ, Từ Ninh ao mà không ức.

Nhưng nếu chỉ có thể thì Từ Ninh cũng không đến nỗi nuôi hận Thang Long. Những sự kiện sau đó mới khiến họ Từ “bầm gan tím ruột”. Tiếp tục trích từ Thủy Hử cuối hồi 55 sẽ cho chúng ta thấy Từ Ninh căm người em họ của mình đến nhường nào.

“Lại cách vài hôm sau thì thấy Đới Tung, Thang Long đưa vợ con Từ Ninh đến, Từ Ninh thấy vợ con đến, lấy làm kinh ngạc, mà hỏi thăm duyên cớ ra sao? Vợ con Từ Ninh đáp rằng: “… một hôm thấy thúc thúc Thang Long cầm áo giáp lông nhạn đưa đến, nói là áo đã tìm thấy, song phu quân bị bệnh nguy ở giữa đường, phải đón cả nhà lên đó để trông nom mới được. Tôi nghe nói tưởng thực phải vội vàng đi đến đây”.

Từ Ninh nghe nói tới đó, lắc đầu bảo Thang Long rằng: “Thôi vậy ta còn về Đông Kinh thế nào được nữa? Thang Long lại bảo với Từ Ninh rằng: “Còn điều này nữa, tôi nói cho Ca Ca biết một thể. Khi đi đường thấy có bọn khách buôn, tôi liền mặc cái áo giáp ấy, rồi bôi nhọ mặt đi, xưng tên họ của Ca Ca mà đánh cướp tất cả tài vật... Chỉ nay mai là quan tư sức giấy đi các nơi, để bắt Ca Ca đó”. Từ Ninh dẫm chân lên mà than rằng: “Chú làm thế thì hại cho tôi to lắm”.

img

Con đường quan lộ và cuộc sống sung túc nơi kinh thành của Từ Ninh, bị Thang Long một tay phá hủy hết.

Vậy là một tay Thang Long, qua hàng loạt lớp mưu kế uyển chuyển liên hoàn, đã khiến Từ Ninh, từ chỗ là mệnh quan triều đình bỗng mang trên mình một đống tội đánh người cướp của, rồi trở thành giặc cướp Lương Sơn, từ chỗ sống đời sung sướng an nhàn ở Đông Kinh phải cùng gia đình lưu nơi sông nước. Tương lai và con đường quan lộ hanh thông của từ Ninh, rõ là bị hủy dưới tay người em họ vậy. Nỗi hận ấy đâu dễ gì mà gột rửa được.

Bị người ngoài ép vào tuyệt lộ đã đành 1 nhẽ, đằng này Từ Ninh lại bị chính người em con cậu hại đến cùng đường, không uất mới là lạ. Với một người trước sau khao khát được chiêu an như Từ Ninh, thì việc phải giáp mặt mỗi ngày với cậu em họ - nguồn cơn khiến mình trở thành kẻ chống lại triều đình mà chẳng làm được gì để mà trút giận – đúng là tột cùng bi kịch vậy.

Kể từ lúc Từ Ninh buộc lòng phải ở lại Lương Sơn truyền dạy quân lính cách đánh câu liêm thương và sau đó phá tan trận Liên hòan giáp mã thì giữa họ Từ và Thang Long tuyệt nhiên không một lần nào được Thi Nại Am (và cả La Quán Trung) nhắc tới trong cùng một đoạn viết, cho đến khi “Kim sang thủ” bị trúng tên độc vào đầu ở cổng thành Bắc Quan, ốm liệt rồi mất ở hồi 114. Người em họ của Từ Ninh – Thang Long cũng qua đời không lâu sau đó, khoảng hồi 118, khi bị thương nặng chạy chữa không khỏi ở trận triệt phá động Thanh Khê.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem