Triều Hậu Lê, tước Vương – Công – Hầu – Bá có ý nghĩa gì?

Lê Tư Thứ hai, ngày 10/10/2022 14:54 PM (GMT+7)
Phong tước là hình thức ban tặng danh hiệu cho tầng lớp quý tộc trong chế độ phong kiến, đi kèm với nó là việc ban tặng đất đai, tạo nên các giai cấp địa chủ và nông dân. Do đó, khái niệm về chế độ phong kiến cũng xuất phát từ đó (phong tước + kiến địa). Dưới đây là cơ cấu phong tước dưới thời Hậu Lê.
Bình luận 0

1.  Thân Vương phủ, Tự Vương phủ & Công Chúa phủ Hậu Lê:

- Vương Phi hàm chánh nhất phẩm, Vương Tần hàm tòng nhị phẩm.

- Tả Hữu Tư Giảng: Giảng quan trong vương phủ, hàm tòng lục phẩm.

- Vương Phó: Quan chế Hồng Đức cho hàm tòng bát phẩm, quan chế Bảo Thái cho hàm tòng ngũ phẩm.

Triều Hậu Lê, tước Vương – Công – Hầu – Bá có ý nghĩa gì? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: LinhS.

- Bạn Độc: Thời Nguyễn là giảng quan ở Tập Thiện Đường (lục hoặc thất phẩm). Thời Lê sơ chức này hàm tòng bát phẩm, Lê triều quan chế ghi hàm tòng thất phẩm.

- Trưởng Sử của Trưởng Sử Ty (chánh thất phẩm, Lê triều quan chế): Quản lý phủ đệ.

- Chủ bạ (chánh ngũ phẩm, Lê triều quan chế): Văn thư và giữ con dấu.

- Thiện Y Sở Thiện Y Chánh: Ẩm thực, quan chế Bảo Thái cho hàm chánh cửu phẩm.

- Điển Thiện Sở Điển Thiện Chánh: Kiểm sát ẩm thực, quan chế Bảo Thái cho hàm chánh cửu phẩm.

- Lệnh sử: Phủ thân vương & Công chúa đều có 23 người.

Phủ thân Vương & tự thân Vương Lê sơ có Vương Phó, Bạn Độc, Trưởng Lại của Trưởng Lại Ty hàm chánh bát phẩm và Thiện Y Sở Thiện Y Chánh hàm chánh cửu phẩm.

2. Phủ của Công, Hầu, Bá:

- Vợ cả Quốc Công là Quốc Phu Nhân, vợ cả Quận Công là Quận Phu Nhân. Vợ cả tước Hầu là Chính Phu Nhân, vợ cả tước Bá là Tự Phu Nhân, các bà này đều có hàm chánh nhất phẩm.

- Phủ Úy: Võ quan chỉ huy binh lính ở phủ, quan chế Hồng Đức & Bảo Thái đều cho tòng bát phẩm.

- Tư Nghị: Quan chế Hồng Đức cho chánh cửu phẩm

- Nha Úy: Quan chế Hồng Đức cho tòng bát phẩm. Thời chúa Nguyễn, chức này đứng đầu Lệnh Sử Ty phụ trách trông coi lễ nghi. Năm 1744, chúa Nguyễn lập 6 bộ, Nha Úy là người đứng đầu bộ Lễ.

- Giảng Dụ: Quan chế Hồng Đức & Bảo Thái đều cho chánh cửu phẩm. Thời Lê Trung Hưng, chức này dạy học trong cung cho nên có thể đoán đây là giáo viên trong phủ Công, Hầu, Bá.

- Lệnh sử: Công tước thuộc hoàng thất 25 người, Quốc công 23 người, Quận công 21 người. Hầu tước thuộc hoàng thất 19 người, Hầu tước 17 người. Bá tước thuộc hoàng thất 15 người, phủ Phò mã Đô úy 13 người.

3. Đông cung Thái Tử:

- Chức quan: Thái Tử Thái Sư, Thái Tử Thái Phó, Thái Tử Thái Bảo, Thái Tử Thiếu Sư, Thái Tử Thiếu Phó, Thái Tử Thiếu Bảo đều chỉ để phong thêm. Tả Hữu Xuân Phường là cơ quan phụ trách việc nhắc nhở Thái Tử Hậu Lê gồm có: Tả Hữu Thứ Tử, Tả Hữu Dụ Đức, Tả Hữu Trung Doãn, Tả Hữu Tán Thiện, Tả Hữu Thuyết Thư, Tả Hữu Ty Giảng. Còn văn thần giảng bài cho Thái Tử gọi là Đông Cung Thị Giảng.

- Thê & thiếp: Thái tử phi, chánh tam phẩm Thục huấn, chánh tứ phẩm Huệ nga, chánh ngũ phẩm Thuận nhu, chánh lục phẩm Thúy nữ. Nữ quan: Điển nhi, Điển tẩm, Điển phục, Điển phạn đều hàm tòng cửu phẩm.

- Nữ quan: Điển nhi, Điển tẩm, Điển phục, Điển phạn đều hàm tòng cửu phẩm.

4. Vương phủ chúa Trịnh:

Tháng 4/1599,Trịnh Tùng tự lập làm Đô Nguyên Soái Tổng Quốc Chính Bình An Vương với lễ sách phong hoành tráng hơn cả lễ đăng cơ. Vương phủ còn gọi là chính phủ để phân biệt với nội điện (hoàng cung) & cũng để tỏ rõ chức năng cơ quan hành chính tối cao của quốc gia. Phủ chúa có Tham tụng, Bồi tụng.

- Tiết Chế Phủ: Thế tử của chúa Trịnh mở phủ & nhận kim sách sách phong Tiết Chế Phủ.

- A Bảo: Chức quan dạy học cho các vương tử, thường do quan lại kiêm nhiệm. Theo lệ, vương tử 7 tuổi bắt đầu nhập học.

- Tả Hữu Tư Giảng: Năm 1717, Trịnh Giang mở phủ đặt Tả Hữu Tư Giảng, giữ việc dạy học & bảo ban ăn ở, chức này tòng lục phẩm.

5. Thê thiếp của vương phủ Nam Hà do chúa Nguyễn Phúc Khoát đặt năm 1744:

- Tả Hành Lang: Chính cung.

- Hữu Hành Lang: Thiếp thất.

Ngoài ra, các con trai chúa Nguyễn Phúc Khoát được gọi theo thứ + công tử (đại công tử, nhị công tử...) chứ không đặt vương tử, thế tử như Bắc Hà. Trước đó, người thừa kế của chúa Nguyễn được gọi là thái công tử, vì chúa là tước Công.

Nhà Hậu Lê (1427-1789) là một triều đại phong kiến Việt Nam tồn tại sau thời Bắc thuộc lần 4 và đồng thời với nhà Mạc, nhà Tây Sơn trong một thời gian, trước Nhà Nguyễn

Nhà Hậu Lê do Lê Lợi lập ra. Nó được phân biệt với nhà Tiền Lê (980–1009) do Lê Hoàn lập ra cuối thế kỷ X. Nhà Hậu Lê gồm 2 giai đoạn:

Giai đoạn Lê sơ (1428-1528): kéo dài 99 năm, bắt đầu từ khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi đến khi Mạc Đăng Dung phế bỏ vua Lê Cung Hoàng lên ngôi vua, lập ra nhà Mạc.

Giai đoạn Lê Trung Hưng (1533–1789): khởi đầu khi tướng Nguyễn Kim tôn phò Lê Duy Ninh, một người thuộc dòng dõi nhà Lê để khởi binh chống lại nhà Mạc đến khi Lê Chiêu Thống bỏ nước sang cầu viện Nhà Thanh đánh Tây Sơn. Nguyễn Huệ, một lãnh đạo của phong trào Tây Sơn, sau đó lên ngôi vua, chấm dứt giai đoạn Lê Trung Hưng và sự tồn tại của Nhà Hậu Lê. Thời Lê Trung hưng tuy kéo dài, nhưng các Hoàng đế nhà Lê mất thực quyền, chỉ tồn tại trên danh nghĩa.

Thời kỳ này của Lê Trung Hưng còn được gọi là Nam Bắc triều, nhà Lê và nhà Mạc chia đôi nước Đại Việt. Khi nhà Mạc bị đánh bại phải chạy lên Cao Bằng (1592 tới năm 1677) thì công thần có công đánh Mạc là họ Trịnh đã nắm hết quyền hành. Công thần họ Nguyễn không thần phục họ Trịnh, ly khai ở phía nam, do đó phần lớn hậu kỳ thời Lê Trung hưng, nước Đại Việt lại bị chia cắt bởi chúa Trịnh và chúa Nguyễn, gọi là Trịnh Nguyễn phân tranh.

Nguồn:

- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập 2, Ngô Sĩ Liên; Hoàng Văn Lâu dịch, Nxb Khoa Học Xã Hội, 1998

- Đại Việt sử ký tục biên, Nguyễn Hoàn; Lê Quý Đôn; Vũ Miên, Ngô Thế Long; Nguyễn Kim Hưng dịch, NXB Hồng Đức, 2018

- Từ điển chức quan Việt Nam, Đỗ Văn Ninh, NXB Thông Tấn, 2019

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem