Ớt sừng bò cho trái to của anh Nguyễn Định
Một trong những người tiên phong trồng loại ớt này là anh Nguyễn Định (30 tuổi), ngụ đường vòng Lâm Viên, phường 8, TP Đà Lạt. Anh Định cũng từng là người đầu tiên trồng dưa pepino, dưa leo trái dài Hà Lan thành công.
Nông dân trẻ tuổi này cho biết, cách đây 3 tháng anh đã liên hệ mua được giống ớt ngọt sừng bò giống Hà Lan về gieo trồng thử nghiệm và thăm dò thị hiếu người tiêu dùng. Cách gieo trồng, chăm sóc loại ớt này tương đối giống với ớt chuông ngọt Đà Lạt.
Ớt ngọt sừng bò được anh Nguyễn Định ươm cho nảy mầm, khi cây được 4 - 5 lá non thì đem ra gieo trồng trên những luống đã được lên sẵn. Ớt trồng trong nhà kính theo phương pháp ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng cung cấp tới người tiêu dùng.
Để cây ớt không bị gãy đổ khi lên cao và nặng quả, anh Định dùng những dây dù để làm điểm tựa cho từng gốc. Đến tháng thứ 3, ớt ngọt sừng bò bắt đầu cho ra trái. Do được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật trong môi trường tốt, vườn ớt rộng trên 1.000m2 phát triển khá tốt, cho trái chi chít từ gốc lên ngọn.
Loại ớt này khi chín có 2 màu chủ đạo là tím và vàng. Ớt ngọt sừng bò giống Hà Lan tại vườn của anh Định trái dài tới 30cm, nặng khoảng 300gr. Hiện bán với giá trung bình 30.000 đồng/kg, cao hơn ớt chuông 10.000 đồng/kg.
Theo tính toán của nhà nông này, 1.000m2 ớt sừng bò có thể trồng được 4.000 cây, thu hoạch trong vòng 1 năm. Năng suất đạt 20 tấn quả, doanh thu được 600 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư sẽ có lãi gần 400 triệu đồng. Ớt ngọt sừng bò ngoài được sử dụng để chế biến các món ăn và dùng làm nước uống, làm đẹp da và giảm cân.
Hiện nay, tại Đà Lạt, ớt ngọt sừng bò được một số nhà vườn, doanh nghiệp trồng với diện tích không lớn. Sản phẩm được làm ra chủ yếu xuất tiêu thụ trong các cửa hàng nông sản lớn, hệ thống siêu thị tại TP.HCM.
Hoành Hạnh (Nông Nghiệp Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.