Trung Quốc không “ăn” hàng, dân Hà Long khóc vì dứa

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 31/05/2018 19:30 PM (GMT+7)
Chỉ cần một động thái nhỏ của thương lái Trung Quốc cũng khiến vùng trồng dứa truyền thống của huyện Hà Trung (Thanh Hóa) lao đao vì không có đầu ra. Giảm phụ thuộc vào một thị trường, phát triển nhà máy chế biến đang là đòi hỏi thiết yếu không chỉ của vùng nguyên liệu dứa.
Bình luận 0

Nông dân lỗ 40 – 50 triệu đồng/ha dứa

Mấy ngày nay,vựa thu mua nông sản (chủ yếu là dứa) của anh Nguyễn Văn Tuần, thuộc địa bàn xã Hà Long (huyện Hà Trung) liên tục phải tiếp các khách hàng đến “chào” sản phẩm dứa của mình. Dù rất muốn thu mua cho bà con nhưng sức tiêu thụ có hạn nên anh cũng lực bất tòng tâm.

“Cách đây hơn 1 tháng, giá dứa còn đạt mức 5.000 – 6.000 đồng/kg, nhưng mấy ngày gần đây, giá giảm thê thảm, dứa đẹp chỉ còn 3.000 – 3.500 đồng/kg, còn dứa xấu thì chưa đến 2.000 đồng/kg”, anh Tuần cho biết.

img

Nông dân xã Hà Long thu hoạch dứa. Ảnh: IT.

Cũng theo anh Tuần, với mức giá này, bình quân người dân lỗ đến 40 – 50 triệu đồng/ha vì chi phí đầu tư cho 1ha dứa từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 160 triệu đồng.

Về nguyên nhân giá dứa trên địa bàn huyện Hà Trung giảm mạnh, theo anh Tuần, một phần do các nhà máy chế biến trên địa bàn giảm lượng thu mua, còn chủ yếu là do thương lái Trung Quốc không “ăn” hàng như trước.

Tuy nhiên, anh Tuần cho rằng, nguyên nhân sâu xa nhất của tình trạng này là do diện tích dứa bùng phát quá nhanh, vượt quá lớn so với quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu.

“Trên địa bàn huyện Hà Trung chỉ có đất xã Hà Long là hợp với cây dứa, người dân cũng có truyền thống trồng từ xưa nhưng nay cây dứa đã lan ra nhiều xã khác trong huyện. Do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên dứa của những vùng này không thể bằng dứa của Hà Long, khi thu mua thương lái thường chê và ép giá”, anh Tuần cho biết thêm.

Vượt quy hoạch cả trăm hecta

img

Vùng chuyên canh dứa Hà Long ngày càng lớn. Ảnh: IT.

Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Hà Long cho biết, trên địa bàn xã có khoảng hơn 650ha dứa, song chỉ có khoảng 200ha là nằm trong định hướng phát triển của xã, còn lại hơn 400 ha do người dân trồng tự phát vì mấy năm trước giá dứa khá ổn định, lợi nhuận hấp dẫn nên ai cũng ham. Chưa kể, dứa khá phù hợp với điều kiện đất vùng đồi, lại dễ chăm sóc.

Ông Thành cho biết, đầu vụ, giá dứa còn ổn định ở mức 5.000 – 6.000 đồng/kg, nhưng thời điểm này chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/kg khiến người dân gặp khá nhiều khó khăn do chi phí đầu tư trồng dứa tương đối lớn.

Cũng theo ông Thành, cây dứa nằm trong kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã nhưng diện tích quy hoạch ít hơn rất nhiều so với diện tích dứa thực tế của xã hiện nay và phần lớn diện tích dứa không nằm trong vùng bao tiêu thu mua của nhà máy chế biến.

Được biết, lãnh đạo xã Hà Long cũng đã rất tích cực mời gọi các doanh nghiệp về địa phương xây dựng nhà máy chế biến để giảm áp lực mùa vụ và nâng cao giá trị sản phẩm. “Cũng đã có doanh nghiệp về khảo sát xây dựng nhà máy chế biến nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển gì”, ông Thành nói.

img

Hình ảnh người dân phá đồi dứa, không buồn thu hoạch được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: IT.

Thừa nhận bao tiêu sản phẩm cho nông dân vẫn là một vấn đề làm đau đầu lãnh đạo xã, ông Thành cho biết, xã đã phối hợp với ngành chức năng làm rất tốt việc phổ biến, tập huấn kiến thức kỹ thuật cho người dân nên năng suất, chất lượng dứa của Hà Long thuộc diện cao nhất vùng nhưng làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm cho người dân thì vẫn là câu hỏi khó.

“Mong mỏi của chúng tôi là có một nhà máy chế biến dứa giúp bà con yên tâm sản xuất, không phải lo đầu ra của sản phẩm”, ông Thành bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem