TTVN – để không lạc lối ở Olympic (Bài 1): Từ "ao làng" SEA Games đến "biển lớn" Olympic

Chính Minh Thứ tư, ngày 04/08/2021 06:10 AM (GMT+7)
Thể thao Việt Nam đã chia tay Olympic Tokyo 2020 mà không thể giành huy chương. Phải chăng Thể thao Việt Nam đang mơ hồ trong định hướng khẳng định vị thế tại Thế vận hội?
Bình luận 0

Đi tìm lời đáp cho câu hỏi lớn: Thể thao Việt Nam (TTVN) cần phải có những giải pháp nào để giành huy chương tại Olympic Paris 2024 cũng như những kỳ Olympic tiếp theo? Nhóm phóng viên Dân Việt đã thực hiện loạt bài dài kỳ "TTVN – để không lạc lối ở Olympic" ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia uy tín như ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT, nhà báo Vũ Công Lập, bình luận viên Trương Anh Ngọc… Loạt bài làm rõ 3 vấn đề: Thực trạng TTVN đang ở đâu? Thiếu tiền hay quản lý kém? Làm gì để không lạc lối ở Olympic?

Thất bại tại Olympic Tokyo 2020 cho thấy TTVN chưa xác định rõ định hướng trong chiến lược bước lên đỉnh cao Thế vận hội.

TTVN "phập phù" Thế vận hội

Cách đây 5 năm, TTVN ăn mừng tấm HCV 10m súng ngắn hơi, HCB 50m súng ngắn bắn chậm mà xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành được tại Olympic Rio 2016. 

Giới truyền thông còn nhớ như in hình ảnh nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng rơm rớm nước mắt chia sẻ hạnh phúc về thành quả mà bản thân ông cùng lớp lớp thế hệ huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) TTVN có được sau hàng chục năm cố gắng, nỗ lực với biết bao mồ hôi và cả máu đổ xuống trên đấu trường quốc tế.

Loạt bài dài kỳ: "TTVN – để không lạc lối ở Olympic" - Ảnh 1.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành HCV lịch sử tại Olympic Rio 2016. Ảnh: Getty.

Thực tế, phải mất tới 20 năm kể lần đầu tham dự Olympic 1980 tại Moscow (Nga), tới Olympic Sydney 2000, TTVN mới có tấm HCB lịch sử mang tên võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân.

Từ đó đến nay, cứ mỗi kỳ Olympic đến là một lần TTVN lại đặt câu hỏi lớn: Ai sẽ giành huy chương Thế vận hội. Chúng ta đã trắng tay ở Olympic Athens 2004 với dấu ấn lớn nhất thuộc về võ sĩ taekwondo Nguyễn Quốc Huấn (thua ở bán kết). Sau Olympic Bắc Kinh 2008 với tấm HCB cử tạ của Hoàng Anh Tuấn, TTVN lại trắng tay ở Olympic London 2012 (lực sĩ cử tạ Trần Lê Quốc Toàn chỉ xếp thứ 4 hạng 56kg nam và đến cuối năm 2020 mới được đôn lên nhận HCĐ khi VĐV Valentin Hristov (Azerbaijan) dính doping).

Sau cả 2 lần thất bại Olympic 2004, Olympic 2012, TTVN đều đứng trước sự chỉ trích, đặt vấn đề "thất bại", phải "rút kinh nghiệm" và đã có những thành quả ở kỳ Olympic kế tiếp mà mốc son lớn nhất là sự thăng hoa của Hoàng Xuân Vinh năm 2016.

Loạt bài dài kỳ: "TTVN – để không lạc lối ở Olympic" - Ảnh 2.

Quách Thị Lan là VĐV Việt Nam hiếm hoi ghi dấu ấn với suất vào bán kết 400m rào nữ Olympic Tokyo 2020, Ảnh: Getty

Nói không quá, chính "bàn thắng vàng" khiến nhiều người ngỡ ngàng của Hoàng Xuân Vinh cộng với những bước tiến vững chắc, ổn định của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo, "phong độ" ổn định của TTVN khi luôn có mặt trong tốp 3 suốt từ SEA Games 2003 đến nay (chỉ thua chủ nhà vốn thường xếp thứ 1 toàn đoàn và cạnh tranh vị trí thứ 2 với Thái Lan) đã khiến sự kỳ vọng mà người hâm mộ đặt lên TTVN là khá lớn tại Olympic Tokyo 2020.

Niềm tin đó càng có cơ sở khi tại ASIAD 2018, TTVN đã giành được 5 HCV (1 đua thuyền, 2 pencak silat, 2 điền kinh mang tên Bùi Thị Thu Thảo nhảy xa và Quách Thị Lan 400m rào, 15 HCB, 18 HCĐ). SEA Games 30-2019 được đánh giá là Đại hội thành công nhất của TTVN khi bóng đá nam và nữ cùng giành HCV trong tổng số 98 HCV, 85 HCB, 105 HCĐ, xếp thứ 2 toàn đoàn, vượt qua Thái Lan (92, 103, 123), chỉ sau chủ nhà Philippines (149, 117, 121).

TTVN còn khoảng cách xa với Olympic

Nét lạc quan cho TTVN thực ra đã xuất hiện từ SEA Games 2015 (Singapore) khi các VĐV ở các môn thể thao Olympic thi đấu ấn tượng để giành 80%- 90% số HCV trong tổng số 73 HCV, 53 HCB, 60 HCĐ. Kết quả này tiếp tục được duy trì ở SEA Games 2017 (Malaysia), TTVN xếp thứ 3 toàn đoàn với 58 HCV, 53 HCB, 60 HCĐ.

Loạt bài dài kỳ: "TTVN – để không lạc lối ở Olympic" - Ảnh 3.

Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn khẳng định khoảng cách trình độ của TTVN so với Olympic còn xa. Ảnh: Thu Sâm

Nhiều người ca ngợi chiến lược của TTVN khi chuyển hướng đầu tư trọng điểm các môn Olympic thay vì dàn trải ra các môn "ao làng" như trong quá khứ. Và tin rằng từ "cái nền" đó, TTVN sẽ sớm khẳng định được vị thế tại Olympic. Nhưng rồi thất bại tại Olympic Tokyo đã khiến TTVN phải nhìn lại mình.

Với tư cách Trưởng đoàn TTVN dự Olympic Tokyo, ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT thừa nhận: "Olympic là đấu trường rất khó khăn với TTVN. VĐV chỉ có khả năng tranh chấp huy chương ở một số lượng rất nhỏ môn, nội dung mà thôi.

Những tấm HCV, HCB của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016 hay một số huy chương khác trước đó như HCB Olympic Sydney 2000 của Trần Hiếu Ngân (taekwondo), HCB cử tạ Olympic Bắc Kinh 2008 của Hoàng Anh Tuấn, HCĐ cử tạ Olympic London 2012 của Trần Lê Quốc Toàn chỉ là những điểm sáng cho thấy hiệu quả của quá trình đầu tư trước đó".

Theo ông Phấn, 18 suất dự Olympic Tokyo đã phản ánh đúng tương quan về trình độ của TTVN tại Thế vận hội.

"Các VĐV Việt Nam đến Olympic theo các con đường khác nhau: Nguyễn Huy Hoàng đến Olympic bằng chuẩn A và kết quả thi đấu của Huy Hoàng cũng đã thể hiện rõ điều đó. Một nhóm các VĐV khác đến Olympic bằng con đường tích điểm và một số VĐV khác đến Olympic bằng vé mời dành cho các môn không có VĐV qua vòng loại như: Điền kinh, bơi, bắn súng. Điều đó cho thấy, khoảng cách của TTVN với đấu trường Olympic vẫn còn xa".

Khi phóng viên đặt câu hỏi về giải pháp để rút ngắn khoảng cách nói trên, ông Phấn trả lời: "Việc giải quyết được bài toán đầu tư để làm sao có thể tranh chấp tại các đấu trường lớn như ASIAD hay giành huy chương Olympic, đòi hỏi TTVN phải tiếp tục điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với thực tiễn, kể cả điều chỉnh mục tiêu cho từng đại hội, quan điểm đầu tư, xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện. Hy vọng sau 1-2 chu kỳ Olympic nữa, VĐV của TTVN sẽ đến Thế vận hội với tư thế sẵn sàng tranh chấp huy chương. Sau Olympic, Tổng cục TDTT sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, báo cáo và đề xuất với lãnh đạo Bộ VHTTDL để giải quyết mục tiêu này".

Tìm kinh phí từ nguồn xã hội hóa

Liên quan tới kết quả đáng thất vọng của TTVN tại Olympic Tokyo, dưới góc nhìn của mình, ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT đặt vấn đề: "Tôi không dùng từ "thất bại" nhưng có thể khẳng định kết quả thi đấu của TTVN trên đấu trường Olympic đi xuống, giảm sút. Điều đó thể hiện ở mấy việc.

Thứ 1, ở Olympic Rio 2016 chúng ta có 1 HCV, 1 HCB còn lần này không có huy chương. Thứ 2, TTVN dự Olympic Rio với 23 VĐV, nhiều VĐV đạt chuẩn A, đoạt vé chính thức qua vòng loại, còn tới Olympic Tokyo chỉ có 18 VĐV, nhiều suất vé vớt, vé mời. Điều thấy rõ nhất nữa là VĐV Việt Nam thi đấu ở Olympic Rio khí thế hơn nhiều, thành tích của các VĐV dự Thế vận hội tại Nhật Bản hầu hết thua so với chính mình.

Chỉ có 2 võ sĩ thắng được 1 trận là Nguyễn Văn Đương (boxing), Trương Thị Kim Tuyền (taekwondo), VĐV cầu lông Thùy Linh thắng 2 trận vòng bảng, Quách Thị Lan giành vé vào bán kết điền kinh 400m rào nữ; số còn lại đều thua ngày từ vòng loại".

Loạt bài dài kỳ: "TTVN – để không lạc lối ở Olympic" - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT cho rằng TTVN phải xác định rõ mục tiêu có muốn giành huy chương Olympic không? Ảnh: Khương Xuân

Theo đó, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh thẳng thắn đặt câu hỏi: "Sau Olympic Tokyo, ngành thể thao phải xác định lại thật rõ: Có muốn giành huy chương Olympic không? TTVN có sẵn một số môn tiềm năng như bắn súng, cử tạ, bơi, điền kinh, taekwondo… Nếu xác định rồi thì đầu tư thật kỹ lưỡng. Ở đây có 2 việc: Thứ 1, đầu tư kinh phí tiền bạc. Thứ 2 đầu tư vào khâu quản lý, giám sát, tổ chức thực hiện, phải thuê chuyên gia giỏi, phải có phương tiện tập luyện, trang thiết bị dụng cụ tốt, phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng, thuốc men, áp dụng khoa học kỹ thuật, y học, chữa trị chấn thương cho VĐV, phát hiện, đào tạo VĐV từ tuyến trẻ, chuẩn bị cho tương lai…

Đi tìm giải pháp cho nguồn kinh phí thực hiện mục tiêu nói trên, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh: "Các Liên đoàn phải huy động nguồn từ xã hội hóa, tiền bao cấp của Chính phủ không thể đủ được. Các nước khu vực Đông Nam Á, châu lục và thế giới đề phải làm như vậy. Và thực tế ở Việt Nam, bóng đá đã làm được rồi, tại sao các môn khác không thể làm được?

Phải thay đổi cơ chế, giao quyền cho các Liên đoàn để họ có vị trí, vai trò phát huy năng lực.

Đặc biệt, phải quan tâm đến bộ máy tổ chức thể thao từ Trung ương đến địa phương. Đưa những người có chuyên môn thể thao vào bộ máy tổ chức, trực tiếp chỉ đạo thực hiện".

(Còn tiếp)...

Clip: Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn trả lời báo chí tại Tokyo ngày 2/8. Nguồn: Đoàn TTVN

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem