Tung hỏa mù thông tin là xúc phạm người tự ứng cử

Minh Quang – Lê Chiên (ghi) Thứ bảy, ngày 19/03/2016 08:00 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh chưa bao giờ số người tự ứng cử đại biểu Quốc hội nhiều như hiện nay, việc tung ra thông tin có một số người tự ứng cử được thế lực phản động “chống lưng” đã khiến không ít bạn đọc bức xúc….
Bình luận 0

imgTại hội nghị hiệp thương ngày 17.3, rất nhiều đại biểu phản ứng về thông tin “một số người ứng cử có thế lực thủ địch  hậu thuẫn”.  ảnh:I.T

Kiểm điểm người phát ngôn gây bất lợi

Nếu có người tự ứng cử được tổ chức phản động hậu thuẫn thì cơ quan an ninh phải xử lý theo quy định của pháp luật. Phát ngôn như thế là ấu trĩ về chính trị. Trước các cuộc bầu cử, các thế lực phản động luôn lợi dụng để xuyên tạc, nói xấu. Trong bối cảnh đó việc phát ngôn phải thận trọng. Nói thiếu trách nhiệm như thế vừa gây nghi ngờ lẫn nhau, vừa bất lợi cho xã hội. Tôi cho rằng cần phải kiểm điểm người đã phát ngôn như thế, để làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm túc.

Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Phải làm rõ mục đích của người phát ngôn

Nếu quả thật có việc một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động, thì người ứng cử đó cũng là đồng phạm của tổ chức phản động, phải dùng nghiệp vụ điều tra để xử lý, sao lại nói cho cả thiên hạ biết, như thế chẳng khác nào đánh động cho phản động chạy trốn? Cần phải làm rõ mục đích của người phát ngôn câu nói đó.

Nguyễn Thị Hoa (Viện Nghiên cứu và phát triển, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội)

Đưa dư luận vào “mớ bòng bong”

Nói một số người tự ra ứng cử được các tổ chức phản động đứng đằng sau, thậm chí bơm tiền cho người tự ứng cử mà không chỉ rõ là ai là đưa dư luận vào “mớ bòng bong”. Từ Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đến những người dân bình thường cũng phản ứng gay gắt. Không hiểu vô tình hay cố ý, nhưng rõ ràng câu nói này đã để lại hậu quả xấu trong xã hội, khiến những người tự ứng cử mất niềm tin, gây hoang mang cho dư luận và xúc phạm những người ứng cử chân chính. Nguy hiểm hơn sẽ tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc, và làm cho cử tri bán tín, bán nghi đối với những người ứng cử.

Luật sư Nguyễn Hoài Hước - Giám đốc Công ty Luật Bảo Bình

Đừng khiến cử tri hoang mang

Việc nâng cao ý thức cảnh giác đối các thế lực thù địch, phản động luôn nhằm cơ hội để chống phá đất nước chúng ta là việc làm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân… Nhưng đưa ra thông tin “trong 47 người tự ứng cử tại Hà Nội, một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động” sẽ khiến cử tri hết sức hoang mang. Tôi nghĩ nếu biết rõ thông tin đó thì tại sao chúng ta không xử lý? Còn nếu thông tin đó là bịa đặt thì cần phải xử lý nghiêm khắc đối với người đưa ra thông tin!

Phạm Kim Bảng, cán bộ hưu trí quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Ảnh hưởng uy tín của người ứng cử     

Là một cử tri luôn quan tâm tới kỳ họp Quốc hội khóa 14, tới với kỳ vọng sẽ có nhiều ứng viên có đức, có tài tham gia vào Quốc hội, tôi cho rằng, việc có đông người tự ứng cử là dấu hiệu rất đáng mừng. Nó thể hiện tính dân chủ, tình yêu và ý thức trách nhiệm cao đối với đất nước trong xã hội hiện nay… Nhưng thật sự bất ngờ và bức xúc khi nghe phát ngôn thiếu căn cứ đó! Nếu thực sự như vậy sao không xử lý? Việc đưa thông tin thiếu chính xác này là cực kỳ tai hại, nó ảnh hưởng tới uy tín của những người tự ứng cử, gây hoang mang, nghi ngờ giữa cử tri với những người tự ứng cử. Tạo nên những điều không tốt khi kỳ họp Quốc hội sắp đến gần.

Kiến trúc sư Phan Cự Đức (quận 3, TP.HCM)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem