Vén màn bí mật cổ xưa nhờ hộp sọ được tìm thấy trong hang sâu ở Nam Phi

Minh Nhật (theo Insider) Thứ ba, ngày 09/11/2021 23:00 PM (GMT+7)
Việc phát hiện ra một phần hộp sọ của một đứa trẻ hominid từng sống cách đây 250.000 năm trong một hang sâu ở Nam Phi đã cung cấp manh mối mới về một nhóm tổ tiên bí ẩn của loài người.
Bình luận 0
Vén màn bí mật cổ xưa nhờ hộp sọ được tìm thấy trong hang sâu ở Nam Phi - Ảnh 1.

Hộp sọ của một đứa trẻ Homo naledi, hài cốt được tìm thấy ở Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: Đại học Wits.

Cụ thể, theo Insider, 28 mảnh xương (trong đó có 6 chiếc răng) đã được tìm thấy ở một nơi rất sâu trong hang động Rising Star ở Johannesburg, Nam Phi. Một nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi Đại học Wits (Nam Phi) đã ghép những mảnh xương trên và tái tạo thành công một hộp sọ tí hon của cá thể 4-6 tuổi, có sự kết hợp giữa các đặc điểm của con người nhưng không phải con người hiện đại chúng ta.

Giáo sư Guy Berger từ Đại học Witwatersrand (Nam Phi), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết vị trí khai quật hài cốt là rất bí hiểm vì không hiểu làm sao đứa trẻ "giống con người" đi vào được nơi rất sâu bên trong hang động.

Phát hiện mới về hộp sọ của một đứa trẻ hominid đã làm sáng tỏ thêm thông tin về Homo naledi - một loài hominid bí ẩn thời kỳ đồ đá được phát hiện cách đây chưa đầy một thập kỷ tại một khu vực được gọi là cái nôi của loài người hay cái nôi của nhân loại - quần thể hang động có những hóa thạch quan trọng được khai quật ở Nam Phi.

"Bí ẩn thực sự về em bé này là tại sao lại được tìm thấy ở đó. Một điều gì đó đáng kinh ngạc đã xảy ra trong hang động này 200.000-300.000 năm trước", Lee Berger, nhà khoa học đứng đầu dự án, cho biết. Hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ hóa thạch này thuộc về một bé trai hay bé gái.

Các nhà khảo cổ hiếm khi tìm thấy hài cốt hóa thạch trẻ em, bởi xương của chúng quá mỏng và dễ vỡ để tồn tại theo thời gian. Tuy nhien, hộp sọ vừa được tìm thấy trong hang sâu ở Nam Phi dường như thuộc về một em bé khoảng 4-6 tuổi, với những chiếc răng sữa còn nguyên vẹn và răng vĩnh viễn đang nhú lên.

Trước đó, khoảng 1.500 mảnh hài cốt rời rạc khác thuộc về khoảng 15 cá thể đã được khai quật trong khu vực, cho thấy họ có các đặc điểm như bàn tay, cổ tay, bàn chân... giống người hiện đại Homo sapiens chúng ta hoặc người Neanderthals.

Hộp sọ của đứa trẻ hominid vừa được phục dựng cho thấy họ nguyên thủy hơn nhiều, với bộ não nhỏ và thân trên còn mang nhiều đặc điểm của Vượn người Phương Nam sơ khai. Họ có khả năng leo trèo giỏi hơn con người hiện đại rất nhiều, nói đúng hơn là khá giống với một chú vượn.

Theo CNN, Homo naledi là bức tranh khảm kỳ lạ giữa cổ đại và hiện đại. Các nhà khoa học nói rằng não của Naledi không lớn hơn một quả cam còn tay khá giống con người hiện đại. Tuy nhiên, các xương ngón tay tạo thành một đường cong - đặc điểm cho thấy Homo naledi có khả năng leo trèo và sử dụng công cụ. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng Homo naledi đã sống cùng với con người hiện đại.

“Homo naledi vẫn là một trong những họ hàng bí ẩn nhất của loài người cổ đại từng được phát hiện. Họ rõ ràng là một loài nguyên thủy, tồn tại vào thời điểm mà trước đây chúng ta nghĩ chỉ có con người hiện đại mới có mặt ở Châu Phi", nhà nghiên cứu Berger cho hay.

Homo naledi được cho là ra đời khoảng 335.000 năm trước, tức xấp xỉ niên đại của Homo sapiens chúng ta (khoảng 300.000-350.000 năm trước, theo các nghiên cứu). Tuy nhiên họ chỉ sống song song trên địa cầu với chúng ta khoảng 100.000 năm, sau đó tuyệt chủng vào khoảng 236.000 năm trước.

Homo naledi còn được gọi là "loài người ma" bởi các mảnh hài cốt từng được tìm thấy từ họ rất nhỏ và không chứa đựng nhiều thông tin, khó dùng để mô tả đầy đủ về nhân dạng, nhất là khi không có hộp sọ. Vì vậy phát hiện mới là một bước tiến lớn giúp các nhà khoa học thực sự hiểu biết về một "người anh em" thất lạc của chi Người (Homo). Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy có sự gặp gỡ, chung sống hay giao phối giữa họ và Homo sapiens.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem