Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hành trình đưa sầu riêng từ ĐBSCL đến cửa khẩu ở Lạng Sơn
Cứ 8 giờ sáng hàng ngày, ông Huỳnh Công Danh chạy xe máy di chuyển hơn 10km từ xã Phú Hòa đến ấp Phú Hòa, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang chăm sóc 3 công đất (khoảng 3.000m2) trồng sầu riêng đã cho thu hoạch nhiều năm qua.
Khi tôi có mặt ông Danh đang di chuyển chiếc máy bơm nước lên vị trí cao hơn, rồi xách từng xô nước đổ vào ống dẫn để mồi cho nước lên mới cắm điện chạy máy bơm nước tưới cho 80 cây sầu riêng đang trong mùa đơm hoa.
Người đàn ông trạc ngoại tứ tuần, áo phông, quần đùi, hì hụi hàn gắn được ống nhựa nối từ máy bơm ra ống dẫn nước tưới cho từng gốc cây. Ông Danh cầm chiếc cờ lê bọc kín trong túi nhựa màu đen ra để vặn nút ống dẫn thuốc đã pha trộn sẵn nối vào vòi phun và cắm máy bơm phun cao trên ngọn cây khoảng 5m.
"Đây là những cây sầu đã trồng được khoảng 10 năm, ai chăm sóc tốt thì từ lúc trồng khoảng 4 năm sau là cho thu hoạch, không tốt có thể lên đến 7 năm" ông Danh nói. Rồi ông vẫy tay ra hiệu tôi theo ông chỉ cho xem vết của những cuống quả vụ vừa qua ông vừa cắt bán. Vụ này, vườn sầu riêng đem lại cho ông hơn 600 triệu đồng.
Ông Danh bảo, giá cả người dân trồng sầu không quyết định được mà phải phụ thuộc vào thương lái. "Họ nói giá bao nhiều mình biết bán chừng đó" - ông Danh lo lắng không biết vụ sầu riêng mới có còn sốt giá như năm nay.
Nhìn vào lúc thu tiền bộn tay, ông Danh vẫn nhớ về những rủi ro có thể gặp phải, trắng tay lúc nào không biết. "Mùa hạn, nước mặn xâm nhập vào vườn giết chết cây sầu riêng bất cứ lúc nào" - ông Danh cho biết ở ấp Phú Hòa nhiều gia đình trồng sầu riêng đã bị thất thu, thậm chí trắng tay vì nước mặn xâm nhập, vườn cây bị chết hàng loạt.
Cách vườn sầu riêng nhà ông Danh khoảng 500m dọc kênh ông Bổn, trong những vườn sầu riêng trồng thẳng tắp như kẻ chỉ, có những cây chết đứng giữa vườn bởi bị nước mặn xâm nhập như lời ông Danh vừa nói.
Cũng tại ấp Phú Hòa, xã Long Khánh, ông Nguyễn Văn Hòa, làm nghề lái xe tải nhưng cũng kịp gia nhập thị trường sầu riêng cách đây 5 năm. Ông trồng 140 cây trên diện tích 4.000m2.
Mùa hạn năm ngoái, ông Hòa như chết đứng bởi hơn 50 cây sầu riêng sắp cho ra trái bỗng dưng héo lá, chết khô như bị đốt cháy bởi… nước mặn. Tính riêng giá trị cây, nửa tỷ bạc mất trắng theo những cây sầu riêng sắp đến tuổi thu hoạch, chưa kể tiền vay mượn, công chăm sóc.
"Tôi cố dẫn nước ngọt tưới để cứu cây, nhưng không được. Bao tiền của đổ vào đấy thành ra mất trắng mà chưa thu hoạch được mùa vụ nào, xót xa lắm", ông Hòa nhớ lại.
Ông Hòa vẫn còn may mắn hơn nhiều hộ dân ở cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy). Cách đây 3 năm, đợt nắng nóng, hạn mặn đã khiến nhiều gia đình phải cưa cả vườn sầu riêng. Nông dân ngồi khóc nấc trong tiếng máy cưa đốn những cây sầu riêng bị suy kiệt, chết.
Năm nay, với 90 cây còn lại, ông Hòa đã dùng kỹ thuật "tác động" để ép cây ra trái nghịch vụ để kịp "bắt trend" sốt giá sầu riêng. Ông Hòa tranh thủ lúc không lái xe tải, chạy xe máy đi gần 10 cây số để xuống thăm vườn thường xuyên hơn, sáng đến cắm điện chạy máy bơm tưới cho cây. Tối đến, ông nông dân lại thụ phấn để cây ra trái.
Hơn nửa tỷ đồng được ông Hòa cùng gia đình tích góp, vay mượn để đổ vào những gốc cây sầu riêng, từ những cây non đến nay đã to bằng bắp đùi người lớn, cao gần chục mét. Năm nay, ông Hòa cùng gia đình thu lại được tiền đầu tư và còn gì vui hơn khi lần đầu tiên thu hoạch lại trong cơn sốt giá.
Ông nông dân nhẩm tính, mỗi cây ước đạt 100kg, cả vườn thu khoảng 9 tấn quả, kỳ vọng được hơn 900 triệu đồng. Cho đến lúc thu hoạch, ông Hòa gần như dành toàn bộ thời gian để chăm sóc vườn sầu. "Mỗi cây ngốn khoảng 1,5 triệu đồng tiền phân bón, chăm sóc mỗi tháng đấy. Nhiều nhà vườn ra được trái non nhưng đến khi gần thu hoạch lại rụng hết, nên tôi lo lắm", ông Hòa kể.
Để lên được một vườn sầu riêng, hầu hết nông dân như ông Hòa đều phải vay vốn ngân hàng, ứng trước phân bón từ đại lý. Như ông Trần Văn Nhật (ấp Hiệp Ninh, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) vay tiền từ ngân hàng với thời hạn 5 năm, tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nợ các đại lý, đến khi thu hoạch mới trả tiền.
"Mấy năm qua tôi ngủ không yên, tiền mình đã vay, trồng cây 4 – 5 năm mới được thu hoạch. Chẳng may bị hạn mặn, thiên tai hay mất mùa là trắng tay, nợ ngập đầu lấy đâu ra trả", ông Nhật lo lắng.
Lo lắng của những nông dân ĐBSCL như ông Nhật đến ngay vào những ngày cuối năm 2023. Ngày 29/12/2023, mưa to kèm theo dông lốc đã đổ vào các xã Hiệp Đức, Hội Xuân, và Long Trung (huyện Cai Lậy, Tiền GIang). Ngoài ảnh hưởng nhà cửa, thiên tai làm đổ ngã hơn 231 cây sầu riêng, 30 cây mít; làm rơi rụng trên 142 tấn trái sầu riêng của nhà vườn chuẩn bị cho thu hoạch tại các xã Hội Xuân, Cẩm Sơn, Hiệp Đức, Long Trung.
Nhiều tỷ đồng mong ngóng của bà con nông dân rơi rụng sau trận thiên tai kể trên.
Cuối năm 2023, chúng tôi có mặt ở Thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) trong lúc các thương lái đang lùng sục từng vườn sầu riêng để trả giá. Giá sầu tăng từng ngày, người nông dân trúng mùa chỉ việc xoa tay, lựa giá tốt nhất phát ra.
Cùng lúc đó, dễ dàng có thể bắt gặp những nông dân ra chợ chọn mua giống sầu riêng đầu tư cho tương lai, với kỳ vọng dăm bảy năm nữa thành triệu phú, tỷ phú nhờ giống cây này.
Dọc tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang dài khoảng 10km có ít nhất 5 điểm chuyên sỉ và lẻ cây giống. Dĩ nhiên, cây giống sầu riêng là mặt hàng "hot" nhất thời điểm này.
Ông nông dân Nguyễn Văn Chánh cùng vợ đến điểm bán cây giống Hai Thiên để tìm giống sầu riêng Mõon Thong của Thái Lan. "Đây rồi, giống mình cần tìm", ông Chánh chỉ vào đám cây sầu riêng còn non, nói với vợ. Hai vợ chồng nông dân ngồi bệt xuống đất, ngắm nghía, nhấc lên đặt xuống, tỉ mẩn chọn từng cây.
"Chọn giống sầu riêng phải xem lớp vỏ thân cây căng mịn, ngọn cây có màu nâu đất, chồi non khỏe, lá không bị rách, không có đốm…", ông Chánh nói.
Lứa cây này vợ chồng ông Chánh mua về để trồng bù số cây bị chết do hạn mặt xâm nhập vừa qua. Chủ vườn phát giá 65 nghìn đồng/cây, ông nông dân mặc cả để bớt được 2 nghìn đồng/cây giống, rồi lấy xe máy chở về.
Trong lúc nghỉ ngơi uống nước, ông Chánh bộc bạch: "Năm rồi xâm nhập mặn chết cây, dù dùng nhiều biện pháp cứu chữa vẫn không thắng nổi. Năm nay, thấy người ta trồng nhiều, thu tiền tỷ nên mình cũng ham, lên đất trồng theo". Đợt giống mới này ông Chánh mua về sẽ tiến hành trồng luôn trong tháng, hai chợ chồng đã lên luống, đắp ụ đất từ trước. Ông nông dân này hy vọng khoảng 5 năm những cây sầu riêng sẽ cho trái ngọt.
Khác với ông Chánh, ông Lâm Tới Bình còn "đánh cược" nhiều hơn để lao vào cơn lốc phát triển diện tích sầu riêng. Hơn 2 công đất nhà ông Bình đã được quy hoạch dự án, không thể trồng trọt lâu dài, ông nông dân quyết định khai hoang khu đất ven đường cao tốc TPHCM – Trung Lương để trồng sầu riêng.
"Dự án còn hàng chục năm nữa mới xây dựng, nếu chăm sóc tốt 4 – 5 năm nữa đã cho thu hoạch, ít nhất cũng thu được vài mùa chứ không để phí đất", ông Bình nhẩm tính. Người nông dân này thừa nhận mình đang "làm liều", phải chịu rất nhiều rủi ro, nhưng nhìn các nhà vườn sầu riêng thu tiền tỷ, thương lái tấp nập vào trả giá, không ai ngồi không được.
"Đến lúc nhà nước thu hồi đất làm dự án cũng chịu, hy vọng sẽ được đền bù lại cây giống đã gieo trồng", ông Bình nói.
Ông Thiên, chủ vựa giống cây Hai Thiên xác nhận với chúng tôi, nông dân đến mua cây giống sầu riêng tăng từng ngày. Diện tích hơn 1.000m2 ở vựa cây chủ yếu là giống sầu riêng Thái và mít, lác đác giống cây ăn quả khác. Nông dân đến mua cây, ông Thiên lại gọi người chở thêm cây giống đến. Nền đất trong vựa cây không kịp khô khi những bầu cây sầu riêng cứ tới tấp đến rồi đi.
Tại nhiều điểm bán cây giống khác ở các xã lân cận như Long Tiên, Long Khánh, Hiệp Đức chúng tôi cũng chứng kiến rất nhiều người đi xe máy, xe tải đến mua giống cây sầu riêng về trồng, giá mỗi cây khoảng từ 60 – 65 nghìn đồng. Ở mỗi điểm bán, giống cây sầu riêng đều chiếm quá nửa vườn.
Cảnh ngược xuôi mua bán ở vườn sầu riêng, người nông dân đổ dồn ra vựa lựa cây giống diễn ra vài năm nay đã phá vỡ quy hoạch trồng sầu riêng ở nhiều vùng.
Bộ NN&PTNT và các địa phương đã nhiều lần cảnh báo về việc ồ ạt phát triển diện tích sầu riêng. Thậm chí, người nông dân chặt bỏ những loại cây ăn quả khác để trồng sầu riêng thay thế. Nhưng cảnh báo này chưa đem lại hiệu quả, diện tích trồng sầu riêng trên cả nước đã vượt quá quy hoạch.
Theo Đề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và năm 2030 của Bộ NNPTNT, định hướng cả nước có khoảng 65.000 – 75.000ha trồng sầu riêng, nhưng đến nay diện tích trồng sầu riêng trên cả nước đã đạt trên 112.000ha. Trong đó, khu vực Tây Nguyên có 52.000ha; ĐBSCL 33.200ha; Đông Nam Bộ 21.000ha.
Năm 2023, quả sầu riêng đã xuất khẩu đem về hơn 2,3 tỷ USD lại càng khiến người nông dân, thương lái không thể ngồi yên, khiến làn sóng mở rộng diện tích sầu riêng chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Cách đây 3 năm, các tỉnh ĐBSCL mới có hơn 15.000ha diện tích trồng sầu riêng. Nhưng đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng chỉ tính ở Tiền Giang đã đạt hơn 17.653ha, chủ yếu tập trung tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thị xã Cai Lậy. Con số chưa dừng lại, đến tháng 11/2023, diện tích sầu riêng trên toàn tỉnh đã tăng lên 22.000ha.
Không chỉ ở Tiền Giang, một số địa phương khác ở ĐBSCL như Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, diện tích trồng sầu riêng cũng tăng theo từng ngày. Có nơi, như huyện Phong Điền (Cần Thơ) diện tích trồng sầu riêng đã vượt quy hoạch 500ha. Diện tích trồng sầu riêng toàn vùng đã tăng hơn gấp đôi chỉ sau 3 năm, đạt hơn 33.200 ha.
Việc phát triển diện tích sầu riêng quá nóng, vươn ra cả những khu vực dễ tổn thương bởi hạn mặn, lũ khiến người nông dân đối mặt với việc trắng tay trong tương lai. Nhìn vào những vườn sầu riêng tiền tỷ của hàng xóm, những nông dân như ông Chánh, ông Bình ở Cai Lậy (Tiền Giang) quên đi thiệt hại nặng nề từ đợt xâm nhập mặn khốc liệt mùa khô năm 2020. Khi đó, hàng loạt nhà vườn ở Cai Lậy (Tiền Giang) đã phải cưa bỏ cả vườn sầu riêng có gốc bằng vòng tay người ôm.
Theo những dự báo gần đây, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, được dự báo ở mức cao hơn năm 2015-2016 và xấp xỉ năm 2019-2020, mùa hạn mặn đã gây thiệt hại nặng nề cho nông dân trồng sầu riêng.
"Hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường, không theo quy luật, trong những năm gần đây, người dân sản xuất cây trồng cần có những chủ động nhất định trong công tác ứng phó", Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang đưa ra cảnh báo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.