Tình báo trong chiến tranh Việt Nam, như phía Mỹ đã từng tổng kết: Các bên đã thực hiện công việc với mức độ “tinh vi”. Qua thực tế, cả Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đều thừa nhận họ đã bị miền Bắc Việt Nam (VNDCCH) nhiều lần đánh bại trong cuộc chiến âm thầm nhưng không kém phần khốc liệt này. Tạp chí Khám phá tiếp tục gửi tới quý độc giả loạt bài của nhà nghiên cứu VNCH trước đây, ông Lâm Vĩnh Thế. Đây là tài liệu nghiên cứu được tác giả tổng hợp từ các nguồn tài liệu của CIA và hệ thống các cơ quan tình báo của VNCH trước đây. Kính mời quý độc giả cùng theo dõi.
Việc VNDCCH quyết định tấn công Buôn Ma Thuột thay vì Pleiku một phần lớn là do họ đã nắm được tin tức về buổi họp của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia của VNCH vào 2 ngày 9.10 tháng 12.1974. Toàn bộ kế hoạch phòng thủ cho năm 1975 của Ðại Tướng Cao Văn Viên trình bày tại buổi họp đã được một điệp viên thuộc loại “trường kỳ mai phục,” làm việc ngay trong văn phòng của Tướng Viên tại BTTM QLVNCH, báo cáo đầy đủ về Hà Nội.
Tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH
Trong khi đó, nội bộ ban tham mưu của Quân Ðoàn II lại không đồng ý với nhau về mục tiêu tấn công của miền Bắc tại Vùng II: Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Ðoàn II tin rằng họ sẽ tấn công Pleiku, trong khi đó thì Ðại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 (phụ trách về tình báo) của Quân Ðoàn II thì lại tin là miền Bắc sẽ tấn công Buôn Ma Thuột.
Việc Tướng Phú không tin vào nhận định của Ðại Tá Tiếu có thể do 3 lý do. Thứ nhất, Tướng Phú tin tưởng và dựa vào kế hoạch phòng thủ năm 1975 của BTTM như đã trình bày trên.
Thứ hai, sự tin tưởng này của Tướng Phú được tăng cường thêm sau buổi họp ngày 18.2.1975 tại Sài Gòn để duyệt lại kế hoạch phòng thủ 1975 này và chính Tổng Thống Thiệu lưu ý ông việc Cộng quân có thể sẽ đánh Pleiku. Chính vì vậy, trong buổi họp ngày hôm sau, 19.2.1975, tại Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn ở Pleiku, ông đã một lần nữa bác bỏ báo cáo của Ðại Tá Tiếu về khả năng tấn công Buôn Ma Thuột dựa trên những tin tình báo mới.
Thứ ba, khi nhận chức Tư Lệnh Quân Ðoàn II, Tướng Phú không chọn được những sĩ quan thân tín của mình mà phải chấp nhận những sĩ quan đang phục vụ trong bộ tham mưu của Quân Ðoàn (trong đó có Ðại Tá Tiếu).
Tướng Phạm Văn Phú
Về phía VNDCCH, dựa vào kế hoạch phòng thủ năm 1975 của VNCH mà họ đã nắm được cộng thêm việc bố trí lực lượng phòng thủ dày đặc của Quân Ðoàn II ở phía Bắc của Vùng II, họ thấy rõ là Tướng Phú tin rằng họ sẽ tấn công Pleiku. Do đó, họ cố gắng làm mọi động tác giả để đánh lừa Tướng Phú, làm cho ông tin rằng ông đã tính toán đúng là họ sẽ đánh Pleiku chứ không phải Buôn Ma Thuột.
Nhìn chung, những người Cộng sản đã lại áp dụng phương thức mà họ đã từng sử dụng trong lúc chuẩn bị trận Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân để đạt được mục tiêu này. Phương thức đó gồm 2 phần: 1) Bảo mật tối đa về mục tiêu thật của trận tấn công là Buôn Ma Thuột; và, 2) Thực hiện môt số động tác giả để đánh lừa đối phương khiến cho đối phương tin là mục tiêu thật của trận tấn công sẽ là Pleiku-Kontum.
Tóm tắt Chiến dịch Tây Nguyên
Về phương diện bảo mật, rút kinh nghiệm từ trận Mậu Thân, mục tiêu Buôn Ma Thuột của trận tấn công được giữ kín tối đa. Các tư lệnh tại mặt trận chỉ được biết vào cuối tháng 1.1975, và tư lệnh các đơn vị sẽ tham gia tấn công chỉ được thông báo từ đầu tháng 2.1975.
Hà Nội cũng quyết định giữ nguyên các đơn vị đang có mặt ở phía Bắc của Vùng II (Pleiku-Kontum) là các Sư Ðoàn 2, Sư Ðoàn 3, Sư Ðoàn F10 và 2 Trung Ðoàn độc lập 25 và 95A, và ra lệnh cho các đơn vị đó tăng cường các hoạt động đe dọa vùng này.
Trong khi đó, các đơn vị sẽ tham gia tấn công Buôn Ma Thuột đều là các đơn vị trừ bị đang đóng quân tại Lào hay tại Bắc Việt được bí mật di chuyển vào các vị trí chung quanh Buôn Ma Thuột để chuẩn bị tấn công.
Sư Ðoàn 316, đơn vị chủ lực của trận tấn công vào Buôn Ma Thuột, trước kia chỉ hoạt động tại Lào, sau đó được điều dộng trở về Miền Bắc, đã nhận được lệnh di chuyển vào Nam vào ngày 15.1.1975, nhưng để lại bộ phận truyền tin tại Miền Bắc để tiếp tục gửi đi các báo cáo nhằm đánh lừa các đơn vị SIGINT của QLVNCH.
PV (Khám Phá)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.