Vitamin D - coi chừng... ngộ độc

Bác sĩ Thu Thủy (Bệnh viện Nhi T.Ư) Thứ sáu, ngày 19/06/2015 07:31 AM (GMT+7)
Hàng năm, Bệnh viện Nhi T.Ư thường phải điều trị cho một lượng lớn bệnh nhi mắc 2 bệnh khá… trái khoáy với nhau- các bệnh về xương liên quan tới thiếu và thừa vitamin D. 
Bình luận 0

Với trẻ em, thiếu vitamin D là nguyên nhân đầu tiên liên quan tới biến dạng xương, còi xương. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ lớn không nhận đủ 400 IU vitamin D mỗi ngày thông qua thực phẩm cũng cần được bổ sung vitmin D hàm lượng 400 IU/ngày.

img
Một dạng thuốc vitamin D thường dùng cho trẻ em.  Ảnh: T.L

Trẻ có nguy cơ cao thiếu vitamin D (là các bệnh nhi đang phải dùng thuốc điều trị đặc biệt hoặc bị một số bệnh mạn tính) có thể cần bổ sung vitamin D liều cao hơn. Các dạng thuốc vitamin D thường dùng cho trẻ em gồm: Sterogyl (vitamin D2 tan trong cồn, 1 giọt = 400 IU), dùng 1 giọt mỗi ngày; Infadin (vitamin D2 tan trong dầu, 1 giọt = 800 IU), dùng 1 giọt mỗi ngày hoặc cách ngày; vitamin D3 B.O.N (vitamin D3 dạng dầu, 200.000 IU/1ml/ống), dùng 1 ống mỗi 6 tháng (có thể tăng 2 ống mỗi 6 tháng nếu trẻ ít tiếp xúc với ánh sáng hoặc da sẫm màu).

Tuy nhiên, khi bổ sung vitamin D, các bậc cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh tình trạng ngộ độc vitamin D. Ngộ độc vitamin D là tình trạng rất hiếm gặp nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, xuất hiện khi hàm lượng vitamin D trong cơ thể quá cao (hàm lượng 25-hydroxy vitamin D trong máu liên tục > 200 ng/ml được coi là có tiềm năng gây độc). Nguyên nhân là do bổ sung vitamin D liều quá lớn, không phải do chế độ ăn hay do tiếp xúc với ánh nắng.

Hậu quả chính của ngộ độc vitamin D là làm tăng canxi máu, dẫn tới chán ăn, buồn nôn và nôn. Trẻ em thường cảm thấy mệt mỏi, tiểu tiện thường xuyên. Canxi máu cao có thể gây vôi hóa mạch máu và mô, làm tổn thương tim, các mạch máu, thận và có nguy cơ gây sỏi thận.

Điều trị chứng ngộ độc vitamin D bao gồm ngừng ngay việc dùng vitamin D liều cao, ngừng bổ sung canxi, duy trì khẩu phần ăn ít canxi, uống nhiều nước hoặc truyền dịch. Bác sĩ có thể chỉ định dùng corticosteroid hoặc thuốc lợi tiểu tăng thải canxi để làm giảm nồng độ canxi huyết thanh.

Trường hợp ngộ độc vitamin D cấp, được phát hiện ngay sau khi bệnh nhân vừa uống vitamin D liều cao, bác sĩ có thể tiến hành gây nôn, rửa dạ dày để ngăn chặn vitamin D tiếp tục hấp thụ vào cơ thể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem