Vụ Vạn Thịnh Phát: Cựu Chủ tịch SCB và 9 bị cáo tự nguyện nộp bao nhiêu để khắc phục hậu quả?

Chinh Hoàng - Gia Bình Thứ ba, ngày 05/03/2024 16:43 PM (GMT+7)
Trước khi phiên xét xử Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát -Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo diễn ra, có 10 bị cáo đã tự nguyện hoặc tác động gia đình nộp tiền, tài sản để khắc phục hậu quả. Tổng số tiền khắc phục ngay trước phiên toà là hơn 6,2 tỷ đồng.
Bình luận 0
Vụ Vạn Thịnh Phát: Cựu Chủ tịch SCB và 9 bị cáo tự nguyện nộp bao nhiêu để khắc phục hậu quả?- Ảnh 1.

Liên quan đến Vạn Thịnh Phát, trước đó, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước) đã nộp khắc phục 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có số tiền hơn 10 tỷ đồng. Ảnh: Lê Giang

Ngày 5/3, TAND TP.HCM mở phiên xét xử đại án liên quan đến đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và người đứng đầu là bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo. Trong đó có 5 bị cáo bị xét xử vắng mặt (do đang bỏ trốn).

Vụ Vạn Thịnh Phát: Cựu Chủ tịch SCB và 9 bị cáo tự nguyện nộp bao nhiêu để khắc phục hậu quả?- Ảnh 2.

Các bị cáo liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, trong đó bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước), liên tục cúi đầu. Ảnh: Lê Giang

Theo VKSND tối cao, gia đình bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) nộp 4,5 tỷ đồng; gia đình bị cáo Phan Tấn Trung (cựu Phó Chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM) nộp 546 triệu đồng; Nguyễn Thanh Tùng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Đông Phương) nộp 500 triệu đồng.

Gia đình bị cáo Trần Thị Kim Chi (cựu nhân viên Công ty CP Natural Land), Lưu Chấn Nguyên (cựu Giám đốc Phòng Giao dịch Bảy Hiền SCB) nộp 30 triệu đồng/bị cáo.

Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB) và Cao Việt Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH thương mại và sản xuất Tường Việt) cùng nộp 200 triệu đồng/người; Bùi Nhân (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) nộp 70 triệu đồng; Bùi Đức Khoa (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Natural Land), và Trần Hoàng Giang (cựu Phó Giám đốc khối phê duyệt tín dụng SCB), mỗi người nộp 50 triệu đồng.

Trước đó, theo VKSND Tối cao gia đình các bị cáo Trương Mỹ Lan, Tạ Hùng Quốc Việt, Trần Văn Nghị và Trương Huệ Vân tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả vụ án gần 119 tỷ đồng và 306.000 USD; bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước) đã nộp khắc phục 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có số tiền hơn 10 tỷ đồng; bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước) nộp 390.000 USD; bị cáo Nguyễn Thị Phụng (cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II) nộp 20.000 USD và 210 triệu đồng…

Liên quan đến vụ án, trong giai đoạn truy tố, cơ quan chức năng đã thu giữ thêm từ các bị cáo gần 55,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan tố tụng đã phong tỏa 42 tài khoản của các bị cáo và các cá nhân đứng tên hộ bị cáo mở tại các ngân hàng, tổng cộng gần 1.900 tỷ đồng và hơn 8,4 triệu USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem