Nghệ nhân Tôn Thất Sa bắt quả tang vua Duy Tân đang cố nắn pho tượng theo ý muốn của mình. Hỏi ra mới biết, vua muốn pho tượng của ngài chế nhạo cả nước Pháp khi công trình ấy được đưa qua đấu xảo ở Paris...
Theo sách "Đại Nam chính biên liệt truyện" và sách "Kể chuyện các vua nhà Nguyễn" thì vào năm 1911, ông Tôn Thất Sa được Khâm sứ Trung kỳ cử vào nặn tượng vua Duy Tân theo mẫu sống để thực dân Pháp đem sang trưng bày tại cuộc đấu xảo ở Paris được tổ chức vào năm sau. Trong hơn một tháng, ngày hai buổi, mỗi buổi một giờ, vua mặc đại triều ra ngồi trên ngai vàng đặt ở giữa điện Dưỡng Tâm để ông Sa nặn tượng.
Trong những buổi đầu, trước sự có mặt của mấy viên quan phụ đạo người Pháp nên nhà vua giữ thái độ dè dặt, không hề nói với ông Sa một lời. Về sau, nhà vua lựa khi mấy viên quan Pháp vắng mặt mới ngồi làm kiểu và lúc đó ông thân mật, ân cần hỏi thăm gia đình, cuộc sống của người thợ nặn tượng. Vua cho phép ông Sa cởi áo ngoài để nặn tượng cho thoải mái, có khi còn sai người đem trà ra mời ông Sa dùng, xem ông như một người thân.
Thế nhưng khi mặt của pho tượng nặn gần xong thì ông Sa phát hiện mặt và mũi vẫn y nguyên nhưng cái miệng thì vểu ra và nhe răng như mỉa mai, chế nhạo ai đó. Ông Sa bàng hoàng, sửng sốt. Khi vua ra ngồi làm kiểu, ông lặng lẽ chữa lại những chỗ bị sửa và khi đó nhà vua cũng không nói gì. Qua hôm sau, việc "chơi khăm" hôm trước lại diễn ra y hệt, làm ông Sa tức đến sôi gan và bí mật quyết tìm ra thủ phạm.
Đến ngày thứ ba, khi về nhà ăn cơm trưa xong, ông Sa không ngủ trưa mà lén đi vào điện Dưỡng Tâm. Tại đây, một cảnh tượng làm ông suýt té ngửa vì ngạc nhiên, bởi ông đã nhìn thấy tận mắt chính vua Duy Tân khi đó tay trái cầm một cái gương soi, tay phải nắn bóp nơi mặt pho tượng. Lúc đó, miệng của nhà vua vểu ra để lộ hai hàm răng! Thỉnh thoảng vua lại nhìn mặt mình trong gương rồi quay sang nhìn mặt pho tượng để nắn theo ý muốn của mình. Khi bị ông Sa "bắt quả tang", nhà vua cười rồi nói:
- Ta làm vậy với mục đích là muốn pho tượng của ta chế nhạo cả nước Pháp khi công trình ấy được đưa qua đấu xảo ở Paris.
- Tâu hoàng thượng, nhưng hoàng thượng có nghĩ rằng như vậy ông Khâm sứ có thể nghiêm trị tôi không?
- Té ra là rứa a? Ta không nghĩ đến, thôi ta xin lỗi thầy.
Nói xong, nhà vua tiếp tục bước đến và ngồi lên ngai để ông Sa sửa lại cái miệng của pho tượng và tiếp tục công việc của ông. Về sau, công trình hoàn thành tốt đẹp, ông Sa lại tiếp tục được vào Đại Nội để họa chân dung vua theo nhiều cách, với nhiều chất liệu khác nhau, như: Sơn dầu, thủy mạc, bút chì... Cứ mỗi lần họa xong một bức và tiếp tục qua bức khác, ông thấy một bàn tay nho nhỏ xinh xinh thọc vào túi áo bà ba của mình. Nhưng ông không dám nhìn vào, dẫu biết đó là bàn tay của nhà vua.
Đến khi ra khỏi điện Dưỡng Tâm rồi, ông thò tay vào túi áo thì có tờ giấy bạc. Thì ra nhà vua đã tế nhị và kín đáo trả tiền công cho ông. Chứ một bức họa cỡ lớn thì 50 đồng. Ông Sa rất lấy làm cảm động, một phần vì cử chỉ tế nhị của vua và phần khác là vào năm 1911 thì đó là một khoản tiền lớn gấp mấy lần số lương hàng tháng của ông...
Sau này, dù không còn được vào Đại Nội nữa do lệnh cấm của người Pháp, nhưng hình ảnh vị vua thiếu niên thông minh, tinh nghịch mà tế nhị đó vẫn làm cho ông Sa nhớ mãi và tiếc nuối.
Lời bàn:
Vua Hàm Nghi, Thành Thái cùng với vua Duy Tân được người đương thời và các sử gia ngày ấy tôn vinh là ba vị vua yêu nước. Song, với vua Hàm Nghi và Thành Thái đều không còn những hoạt động nào kể từ khi bị lưu đày, còn vua Duy Tân lại khác. Trong suốt thời gian bị lưu đày trên đất khách quê người, ông vẫn canh cánh một lòng vì đất nước. Vì thế, vào tháng 3-1920, Hội nghị Hòa bình các quốc gia châu Âu diễn ra tại Versaille, cựu hoàng đế Duy Tân đã gửi một lá thư đến báo "Humanité" đòi Việt Nam phải được trở thành một quốc gia độc lập và trung lập như mọi quốc gia châu Âu khác! Dĩ nhiên những đòi hỏi này không được thực dân Pháp quan tâm đến.
Thế mới hay rằng, trong cảnh nước mất nhà tan thì dù có là vua, lại có lòng yêu nước thương dân đến mấy đi chăng nữa nhưng không có con đường cứu nước đúng đắn, không thấy được sức mạnh của nhân dân thì tất thảy đều trở thành vô nghĩa. Vâng, bài học mà các bậc tiền nhân để lại cho hậu thế, muốn giữ nước phải biết dựa vào dân, vì cách mạng là sự nghiệp của nhân dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.