Tại buổi tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Trần Thị Thúy Nga cho biết: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều nội dung cải cách, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, tăng cường khả năng bền vững cho hệ thống BHXH. Cụ thể, Dự thảo luật đã bổ sung đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng và đối tượng người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Bên cạnh đó, Dự thảo luật cũng mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia, hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng để phù hợp với khả năng của người tham gia, đa dạng các hình thứu đóng, có chính sách hỗ trợ tiền đóng nhằm khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện. Một điểm mới nữa của Dự thảo luật lần này là đã bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày hoặc 7 ngày tùy thuộc sinh thường hoặc sinh con phải phẫu thuật.
Quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cũng được bổ sung. Cụ thể, từ năm 2016 đối với cán bộ, công chức, viên chức và từ năm 2020 đối với các nhóm đối tượng còn lại, theo lộ trình cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Riêng đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên tuổi nghỉ hưu vẫn thực hiện như quy định hiện hành.
Về công thức tính lương hưu, dự thảo cũng sửa đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo lộ trình tăng dần hàng năm từ 15 năm lên 20 năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu bắt đầu từ năm 2016. Đối với chế độ tử tuất, dự thảo đã bổ sung quy định cho phép thân nhân người lao động được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần. Đồng thời, tăng mức trợ cấp tuất một lần đối với trường hợp người lao động đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng chết, từ 1,5 tháng lên 2 tháng cho mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi.
Bà Trần Thị Thúy Nga cũng cho biết, chậm nhất là năm 2020 sổ BHXH hiện tại sẽ được thay thế bằng thẻ BHXH, người tham gia BHXH có thể tra cứu thông tin của mình trong hệ thống dữ liệu bằng thẻ.
Theo đại diện Ngân hàng Thế giới thì với chính sách hưu trí ở Việt Nam hiện nay được coi là không bền vững, tuy nhiên việc cải cách không thể tiến hành trong một sớm một chiều, tránh đột ngột thì cần phải từ từ và với dự thảo sửa đổi lần này Việt Nam đang đi hướng đi đúng đắn và hợp lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.