Xây dựng NTM ở Bắc Giang: Làm đâu, chắc đó

Thứ hai, ngày 21/04/2014 13:55 PM (GMT+7)
Với quan niệm “làm đến đâu, chắc đến đó”, sau hơn 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), tuy chưa có xã nào về đích sớm, nhưng điều dễ nhận thấy là người dân ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) thực sự hài lòng với những gì địa phương này làm được.
Bình luận 0
Đi lên từ dân vận khéo

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Ngô Đình Long – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hiệp Hòa cho biết: Bắt tay vào triển khai xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, huyện đã chọn ra 5 xã làm điểm, gồm Đoan Bái, Danh Thắng, Hoàng An, Hoàng Lương, Thái Sơn. Tính đến hết năm 2013, bình quân mỗi xã này đạt thêm 3,2 tiêu chí, nâng tổng số tiêu chí bình quân của các xã điểm lên 14/19 tiêu chí. Những xã còn lại đều đạt trên 9 tiêu chí.

“Mặc dù huyện chưa có xã nào đạt chuẩn, nhưng chúng tôi đã xác định triển khai theo phương án chắc thắng, cụ thể là xây dựng được tiêu chí nào phải chắc tiêu chí đó để nhân dân được hưởng lợi lâu dài” - ông Long nhấn mạnh.

Ông Long cho biết thêm, trong 2 năm gần đây, huyện đã tích cực chỉ đạo các xã phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” và đến nay các địa phương đã xây dựng được 206 mô hình “Dân vận khéo” ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tại Hiệp Hoà, nhiều hộ dân đã hiến đất để mở rộng đường giao thông liên xã, liên thôn. (Nguồn ảnh: TTĐT Bắc Giang)
Tại Hiệp Hoà, nhiều hộ dân đã hiến đất để mở rộng đường giao thông liên xã, liên thôn. (Nguồn ảnh: TTĐT Bắc Giang)

“Qua đánh giá cho thấy, có 15 mô hình "Dân vận khéo” cho hiệu quả cao như hiến đất làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng ở thôn Bái Thượng (xã Đoan Bái); mô hình phát triển kinh tế ở thôn Hưng Đạo và Đông Lỗ (xã Đông Lỗ); mô hình giữ gìn vệ sinh môi trường ở thôn Khánh Vân (xã Đoan Bái)…” - ông Long thông tin.

Đáng chú ý là tại xã Đoan Bái, người dân nơi đây đã tham gia đóng góp rất nhiệt tình cho chương trình xây dựng NTM, với hơn 10 tỷ đồng bằng tiền mặt và tài sản, cùng hàng nghìn ngày công để làm đường giao thông, cứng hóa kênh mương, xây trường học… Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Hiệp Hòa, tính riêng năm 2013, người dân trên địa bàn đã đóng góp gần 40 tỷ đồng; hiến 48.000m2 đất, hơn 6.000 ngày công để xây dựng các công trình hạ tầng. ...

Nhiều hộ giàu lên nhờ NTM

Huyện Hiệp Hòa đang đề ra mục tiêu phấn đấu trong năm nay, mỗi xã điểm sẽ đạt thêm 2 - 3 tiêu chí; có 30% số thôn đạt chuẩn NTM; các xã còn lại đạt ít nhất 1 tiêu chí.

Bà Hoàng Thị Tiến – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hiệp Hòa cho biết: Cùng với xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, huyện còn đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

“Bằng chứng là trong hơn 3 năm qua, huyện đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất thông qua các chương trình như: Hỗ trợ sản xuất lúa lai và xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao ở thôn Khánh Vân (Đoan Bái), quy mô trên 25ha; cánh đồng sản xuất lúa giống RVT quy mô 24ha ở thôn Phúc Thái (Danh Thắng)…

Đặc biệt là mô hình trồng rau cần - nuôi cá có quy mô hơn 100ha tại xã Hoàng Lương hiện đang cho thu nhập rất cao, lên đến 500 triệu đồng/ha” - bà Tiến nhấn mạnh.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tập – cán bộ khuyến nông xã Hoàng Lương cho hay, trước đây một số hộ dân trong xã cũng trồng rau cần và nuôi cá giống, song mới ở quy mô nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao.

Từ năm 2013, được huyện định hướng, hỗ trợ thành lập Hiệp hội sản xuất, tiêu thụ rau cần và mở rộng diện tích nên đến nay đã có nhiều gia đình giàu lên nhanh chóng, như hộ ông Nguyễn Văn Cát ở thôn Đại Thắng; Hoàng Văn Tú ở thôn Thanh Lâm… Chỉ với 2 mẫu ruộng trồng rau cần và nuôi hơn 10 tạ cá giống, sau khi trừ chi phí gia đình anh Tú bỏ túi trên 500 triệu đồng/năm.
Trần Quang (Trần Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem