Xét xử công khai vụ bé gái 8 tuổi bị "dì ghẻ" và cha ruột hành hạ đến tử vong

Đình Việt Thứ hai, ngày 11/07/2022 12:41 PM (GMT+7)
Liên quan đến vụ bé gái 8 tuổi bị "dì ghẻ" và cha ruột hành hạ đến tử vong, thông tin mới nhất được biết, TAND TP.HCM sẽ xét xử vụ án công khai. Trước đó tòa quyết định xử kín nhưng gia đình bé V.A đã có đơn đề nghị xử công khai.
Bình luận 0

Xử công khai vụ bé gái 8 tuổi bị "dì ghẻ" và cha ruột hành hạ

Liên quan đến vụ bé gái 8 tuổi bị "dì ghẻ" và cha ruột hành hạ đến tử vong, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết – người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của gia đình bé V.A, TAND TP.HCM đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử công khai.

Theo quyết định, vụ án sẽ được đưa ra xét xử vào lúc 8h00 ngày 21/7 sắp tới. Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Văn Tuấn.

Xét xử công khai vụ bé gái 8 tuổi bị "dì ghẻ" và cha ruột hành hạ đến tử vong - Ảnh 1.

Nguyễn Kim Trung Thái và Nguyễn Võ Quỳnh Trang bị truy tố do có hành vi bạo hành bé N.T.V.A (8 tuổi) dẫn đến tử vong. Ảnh: CACC

Những người tham gia bảo vệ quyền và lợi ích cho bé N.T.V.A. (sinh năm 2013) gồm các luật sư: Trần Thị Ngọc Nữ, Phạm Công Hùng, Khưu Mỹ Vinh và Nguyễn Ánh Thơm.

Bị cáo bị đưa ra xét xử là Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, quê Gia Lai) và Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM).

Bị cáo Trang bị Viện KSND TP.HCM truy tố về các tội giết người và hành hạ người khác, còn bị cáo Thái bị truy tố về tội hành hạ người khác và che giấu tội phạm.

Trang và Thái (bố đẻ bé N.T.V.A, 9 tuổi) là người đã hành hạ bé V.A đến tử vong. Vụ việc gây xôn xao dư luận suốt thời gian qua.

Trước đó, theo thông báo, vụ án này được xét xử kín. Tuy nhiên, sau đó gia đình đã có đơn đề nghị xét xử công khai.

Gia đình có đơn đề nghị xét xử công khai

Trong đơn, người thân của bé V.A. viết, sau khi xảy ra vụ án, ngày 30/12/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã chỉ đạo, yêu cầu Bộ Công an, UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và cho đây là vụ án điểm để phòng ngừa, răn đe, ngăn chặn hiệu quả các hành vi xâm phạm trẻ em.

Như chỉ đạo của Phó Thủ tướng, vụ án là án điểm, mà án điểm thì phải xét xử công khai để cho toàn dân, toàn xã hội biết nhằm răn đe, phòng ngừa và cũng làm bài học kinh nghiệm cho tất cả mọi người.

Người thân bé V.A. cho rằng, xét xử kín vụ án này là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Bởi, Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 của Tòa án Nhân dân Tối cao quy định việc xét xử vụ án hình sự có bị cáo dưới 18 tuổi hoặc vụ án hình sự có người bị hại dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác thuộc thẩm quyền của tòa gia đình và người chưa thành niên.

Điểm d, khoản 1 Điều 7 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định xét xử kín vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi như sau: Đối với những vụ án có bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì tòa án phải xét xử kín.

Đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi, tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Như vậy, theo quy định này, những trường hợp được xét xử kín thông thường là những vụ án xâm hại tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô…), đặc biệt là những vụ án mà nạn nhân là trẻ em gái, người chưa thành niên thường được xét xử kín, tránh gây áp lực tâm lý cho nạn nhân; hoặc các vụ án mà nạn nhân bị bạo hành là người dưới 18 tuổi để cần giữ bí mật đời tư, bảo vệ cho nạn nhân không bị áp lực tâm lý.

Tuy nhiên, đây là vụ án giết người, bị hại là cháu V.A. đã tử vong nên việc xét xử kín theo tinh thần Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC là không phù hợp.

Mặt khác, các cơ quan tố tụng từ ban đầu đã xác định đây là vụ án điểm để ngoài mục đích xử lý nghiêm thì còn để răn đe, phòng ngừa tội phạm xâm hại quyền trẻ em. Về nguyên tắc, khi xét xử án điểm, tòa án phải tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong và sau khi xét xử.

Từ các lý lẽ trên, người thân cháu bé V.A. đề nghị các cơ quan pháp luật xem xét đưa vụ án ra xử công khai để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm theo đúng tinh thần án điểm đã được các cơ quan tố tụng thống nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem