Khi tham quan Tử Cấm Thành, bạn sẽ nhận thấy có rất nhiều nơi chạm khắc nổi bằng bia đá, với các loại hoa văn rồng phượng. Những bức chạm khắc này thể hiện sự uy nghiêm, bề thế của vua chúa.
Trong Tử Cấm Thành nhiều tượng sư tử đồng mạ vàng, mỗi cặp sẽ được đặt trước các cung điện. Chúng không chỉ có hình dáng sinh động như thật, mà mỗi con còn mang những ý nghĩa khác nhau.
Tuy nhiên, chỉ có cặp sư tử ở Cổng Hòa hợp Tối cao – cổng lớn thứ 2 ở phía nam Tử Cấm Thành là có kích thước lớn nhất và cũng là bức tượng duy nhất không được mạ vàng. Các chuyên gia phỏng đoán chúng được đúc vào thời nhà Minh.
Cặp sư tử đồng này là biểu tượng của quyền lực tối cao trong Tử Cấm Thành, chúng có nhiệm vụ canh giữ hoàng cung và xua đuổi tà ma. Hình dáng to lớn, uy nghi của chúng tương xứng với cổng Hòa hợp Tối cao, khiến cho bầu không khí trở nên nghiêm trang.
Nhà Minh quy định các quan đại thần hằng ngày phải đến Phụng Thiên Môn từ lúc rạng đông để bẩm báo việc triều chính. Vì vậy, cặp sư tử được đặt 2 bên cổng Hòa hợp Tối cao thể hiện sự xa hoa và quyền lực tối cao của hoàng đế.
Kích thước của cặp sư tử này khác nhau, chênh nhau khoảng 30cm. Sư tử đực giẫm lên quả bóng, không chỉ tượng trưng cho quyền lực mà còn thể hiện sự thống nhất đất nước. Sư tử cái chơi đùa với sư tử con, ngụ ý con cháu sum vầy, thịnh vượng.
Cụ thể những lọn xoắn ốc trên đỉnh đầu sư tử đực xếp thưa, gọn gàng, miệng như đang gầm, ruy băng trước ngực được chạm khắc tinh xảo, có đeo một quả chuông, tứ chi to khỏe, một chân được đặt lên quả bóng trông rất uy nguy, mắt hướng thẳng ra phía trước, tượng trưng cho thế lực đang được kiểm soát. Trong khi đó, sư tử cái hướng ánh mắt xuống dưới, phía đàn con đang ở chân trái, sư tử con ngửa mặt lên trời, dụi đầu vào móng vuốt của sư tử mẹ, điều này rất thú vị, ngụ ý con đàn cháu đống, thịnh vượng.
Sư tử đực dũng mãnh pha chút nghịch ngợm, còn sư tử cái thể hiện tình mẫu tử cao cả. Hình khối mượt mà, sống động, hoa văn chạm khắc bằng đồng quá tinh xảo.
Bên cạnh đó, còn có 5 cặp sư tử bằng đồng mạ vàng khác trong các cung điện. Chúng được mạ vàng nguyên chất, được xếp thành từng cặp trước cổng Càn Khánh, Nam Châu, Dương Hưng, Dương Tân, cổng cung điện Trường Xuân.
Theo các tài liệu ghi lại, cặp sư tử bằng vàng trước cổng Càn Khánh có dáng dấp uy nghiêm, nhưng tai của chúng lại rủ xuống, khác xa với những con sư tử khác trong Tử Cấm Thành đều có dáng tai thẳng đứng.
Theo các chuyên gia của Bảo tàng Cố Cung, vào thời nhà Thanh, hoàng đế nghiêm cấm hậu cung can thiệp vào công việc triều chính và đại thần can thiệp vào hậu cung. Tai của 2 con sư tử này cụp xuống ám chỉ sự răn đe các phi tần, cung nữ trong hậu cung bớt nghe nói, bàn luận về chuyện chính sự trong triều đình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.