Theo phong tục cổ truyền, Táo quân là người cai quản chuyện bếp núc của mỗi gia đình. Táo quân gồm 2 ông, một bà tượng trưng cho chiếc kiềng 3 chân trong căn bếp ấm cúng của người Việt. Người xưa quan niệm, gia đình có yên ấm, hạnh phúc hay không cốt yếu là ở cái bếp, bởi đó là nơi giữ lửa, giữ nhiệt.
Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng, tức là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp . Việc đặt bàn thờ ông Táo hợp hướng và hợp phong thủy là điều mà các gia đình cần lưu ý.
Theo truyền thống văn hóa dân gian thì bàn thờ ông Táo thường đặt trong bếp, có thể để bên cạnh hoặc bên trên bếp, thể hiện tín ngưỡng của dân gian thờ vị thần cai quản chuyện bếp núc trong mỗi gia đình với mong muốn giữ cho bếp lửa luôn ấm, gia đình thuận hòa, sung túc.
Mâm cơm cúng ông Táo đặt dưới góc bếp. (Ảnh minh họa)
Dù đặt ở vị trí nào, hướng của bàn thờ ông Táo nên trùng với hướng của bếp (hoặc song song), không quá xa khu vực bếp nấu, không nằm trên bồn rửa, vì Thủy khắc Hỏa. Một trong những lựa chọn phổ biến nhất là hướng nhà bếp phía Nam.
Nhiều quan niệm cho rằng ngũ hành Táo quân thuộc "Hỏa”, cho nên Táo quân cần được đặt ở phía Nam, hướng "Hỏa” vượng. Hướng này sẽ giúp mang tài lộc và may mắn vào nhà và cho không gian bếp.
Với những nhà có máy hút bụi khử mùi thì có đặt ngay tại vị trí bên trên của máy hút khử mùi một hộc trống để đặt đặt bàn thờ Táo quân. Nếu ngại thắp cao, có thể đặt bàn thờ ông Táo bằng cách làm một bệ cao hơn so với mặt bếp và chọn không gian góc bếp ít sử dụng để tránh va chạm và nấu nướng làm bẩn.
Bàn thờ ông Táo đặt trên máy hút khói, hướng Hỏa vượng. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên theo Đại đức Thích Chúc Tiếp, Chánh văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên, hiện nay, việc thờ cúng đã đơn giản hóa, nhiều nhà không có bàn thờ riêng ông Táo. Với những nhà không có bàn thờ Táo quân riêng sẽ chuẩn bị một mâm cơm cúng đặt dưới gian bếp và thêm một mâm khác thắp hương ở ban thờ thần linh, gia tiên thực hiện nghi lễ cúng chính. Khi cúng người dân nổi lửa để bếp cháy đỏ rồi bày mâm cỗ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Lý học Đông phương cũng chia sẻ về vấn đề này. Theo đó, các gia đình thường cúng ông Công, ông Táo trên bàn thờ gia tiên, nhưng thực tế đây là hai vị thần khác nhau.
Việc thờ cúng quan trọng là phải có niềm tin, sự thành tâm nơi người dâng cúng. (Ảnh minh họa)
Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà còn ông Táo là 3 vị đầu rau trông coi việc bếp núc trong gia đình. Lễ cúng 23 tháng Chạp là lễ tiễn chung ông Công, ông Táo về chầu trời, việc mọi người gộp chung cúng trên bàn thờ là chưa đúng. Trong ngày này, ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng.
Người xưa có câu "Linh tại ngã, bất linh tại ngã", vậy nên điều quan trọng hơn việc sắp đặt bàn thờ ông Táo ở đâu, có đúng phong thủy hay không chính là niềm tin, sự chân thành khi thờ cúng.
*Thông tin trong bài mang tính tham khảo!
Du Jin (Eva/Khám phá)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.