"Sản vật" ốc bươu - Một thời để nhớ!

Bài và ảnh: Ba Cần Thơ Thứ bảy, ngày 31/01/2015 12:05 PM (GMT+7)
Nhớ thời bao cấp, đất nước còn khó khăn, cuộc sống anh em giáo viên thiếu thốn đủ mọi bề. Tôi được điều động đi dạy ở một xã vùng xa, sống tập thể, chế độ gạo được 13 kg (có khi trộn lẫn cả bo bo), trợ cấp lương tháng 50 đồng. Vì thế, cứ đến ngày chủ nhật cuối tuần thì thầy trò lại rủ nhau đi bắt ốc, bắt cua,.. để cải thiện bữa ăn.
Bình luận 0
Muốn bắt được nhiều cua, ốc, thầy trò tôi từ trường phải đạp xe hơn 2 cây số, bỏ xe đạp bên vệ đường và cùng nhau xắn quần lội xuống ruộng sâu để bắt ốc.
 
Cuộc sống tuy vất vả nhưng tình cảm thầy trò lúc bấy giờ thật sự gắn bó. Những lúc túng ngặt khó kiếm thức ăn, các em mang đến biếu thầy những sản vật “cây nhà lá vườn” từ nải chuối, bó rau đến trái bầu, trái bí,… và không thể thiếu con ốc bươu. Các em xuống bếp phụ giúp thầy nấu nướng các món ăn thật là vui!. Lo cho tôi không đủ sức khỏe giảng dạy, vì chất lượng bữa ăn quá đạm bạc, các em luôn đổi ”thực đơn” cho thầy ngon miệng như: ốc bươu luộc trộn bắp chuối chấm nước mắm tỏi ớt; ốc bươu kho tiêu với dừa rám vỏ xắt miếng, hoặc nấu ca-ri, kho nghệ sả, ớt…
img
Ốc bươu (Ảnh: Ba Cần Thơ)
Nay tôi đã nghỉ hưu về sống nơi Thành phố. Trong bữa cơm đầm ấm bên gia đình được thưởng thức các món ngon, nhưng trong ký ức tôi vẫn còn ghi sâu đậm về thời đi dạy dưới quê; và nhất là món “ốc bươu kho nghệ, sả, ớt” của em A. trưởng lớp 8 - do tôi làm giáo viên chủ nhiệm -  chế biến để thầy trò cùng thưởng thức.

Tôi vẫn còn nhớ dáng dấp em dong dỏng cao, nước da bánh ít, chắc khỏe, nhanh nhẹn của một thiếu nữ miệt đồng. Sau khi thầy trò đạp xe về trường, và phía sau yên xe là những túi xốp đựng đầy “chiến lợi phẩm” ốc bươu lội đồng bắt được. Em vội vàng ra sau khu tập thể nơi tôi trú ngụ, múc nước dưới ao rửa tay chân cho sạch sẽ bùn đất, mở túi ốc ra và trút ốc vào xô nhựa. Kế đến, em đổ nước vào xô rửa sạch ốc, và thò tay bắt từng con đặt lên tấm thớt, dùng chày đâm tiêu đập bể vỏ, lấy  phần đầu (bỏ phần ruột) cho vào thau nước lạnh (có pha chút muối) rửa sạch nhớt, để ráo.

Bát ốc khi ấy luôn tươi ngon, được trộn nhuyễn sả, ớt, bắc nồi lên bếp phi với mỡ tỏi cho thơm rồi đổ ốc vào xào săn lại, nhắc xuống, múc ra đĩa. Cuối cùng, bột nghệ em cho vào nồi (pha ít nước), đổ ốc đã xào vào và dùng đũa trộn đều. Nêm nước mắm, đường, bột ngọt…cho vừa khẩu vị. Bắc nồi lên bếp với ngọn lửa liu riu cho đến khi nước gia vị rút vào sền sệt, nhắc xuống, thế là xong!...

img
Đĩa ốc bươu kho nghệ đạm bạc dân dã nhưng chan chứa biết bao nhiêu tình thầy trò thời khốn khó! (Ảnh: Ba Cần Thơ)

Nhìn bàn tay em làm một cách thành thạo và “điệu nghệ” như thế, tôi thầm nghĩ chắc ở gia đình - ngoài việc đi học - em còn là một thiếu nữ đảm đang việc bếp núc nữa!. Thấy tôi chăm chú nhìn, em vui vẻ, tự tin cho tôi biết thêm về món ăn:” Đây là “món tủ” của em, đó thầy!. Ở nhà em thường làm món nầy cho cả nhà thưởng thức. Muốn đỡ ngán, khi ăn thầy phải cặp với rau sống, dưa leo, chuối chát, khế chua… mới đúng điệu!”….

Có phải chăng vì món ăn ngon miệng; vì tình nghĩa thầy trò hay vì những lý do nào khác, khiến tôi cùng các em khi ấy ăn mãi quên no, nồi cơm được “vét sạch” lúc nào không hay biết!... Giờ các em đã thành đạt, có gia đình và sinh sống nơi thành phố. Mỗi dịp lễ, Tết, các em đến thăm tôi, nếu bận việc thì gửi lời thăm hỏi qua điện thoại. Mỗi khi gặp các em, nhắc lại chuyện cũ, ai cũng thấy một thời ấm áp, nao lòng!
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem