Trước thềm hội thảo "Sửa đổi Nghị định 67: Những vấn đề cần đặt ra" do Bộ NNPTNT, UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Báo NTNN/Dân Việt tổ chức vào ngày 29.8 tới đây, chúng ta cùng nhìn nhận lại vấn đề bảo hiểm cho tàu cá 67.
Tiến độ chậm?
Đến nay, tại Phú Yên đã có 16 tàu cá hoàn thành đóng mới theo NĐ 67/CP. Trong đó, 15 tàu đang hoạt động khai thác (4 tàu vỏ gỗ, 5 tàu vỏ composit nghề lưới vây; 6 tàu vỏ thép nghề lưới vây và lưới chụp); 1 tàu vỏ thép đang hoàn thiện thủ tục để đưa vào sản xuất.
Ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (phải) đang thị sát một tàu vỏ thép vừa đóng mới. Ảnh: H.T
Công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, đơn vị, chính quyền địa phương và các ngân hàng thương mại có lúc chưa đồng bộ nên việc xét duyệt, thẩm định các thủ tục hồ sơ vay vốn còn kéo dài. |
Trong 6 tàu vỏ thép đang hoạt động, có 3 tàu xảy ra một số sự cố kỹ thuật về trang thiết bị mặt boong. Đó là, tàu cá PY-99997-TS của ông Trương Văn Công (Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa) đóng tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Thịnh Long; tàu cá PY-99991-TS của ông Phan Thanh Trị (phường Phú Đông, TP.Tuy Hòa) đóng tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng; Tàu cá PY-99993-TS của ông Đỗ Ngọc Tín (Hòa Hiệp Nam, Đông Hòa) đóng tại Nhà máy đóng tàu Phà Rừng thuộc Liên danh Công ty CP Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á và Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng.
UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại để bàn giải quyết, khắc phục các sự cố kỹ thuật đối với các tàu cá vỏ thép trên. Đến nay, đã có 2 tàu sản xuất bình thường, có lãi; riêng tàu của ông Phan Thanh Trị đã khắc phục xong nhưng chưa đi biển được, do chủ tàu bị tai nạn đang điều trị, đang gặp khó khăn về chi phí chuyến biển và không tìm đủ bạn tàu.
Tiến độ triển khai các chính sách theo NĐ 67 của tỉnh Phú Yên chậm, nhất là thực hiện chính sách tín dụng theo NĐ 67 so với các tỉnh khác đạt tỷ lệ thấp. Chỉ mới đạt 10,5% so với kế hoạch đề ra, đặc biệt là không có tàu dịch vụ hậu cần đủ điều kiện có công suất từ 400CV trở lên.
Nguyên nhân, một số cơ chế chính sách để thực hiện NĐ 67 chưa đồng bộ, dẫn đến nhiều hạn chế, khó khăn vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện. Nhiều ngư dân còn e dè, chưa mạnh tiếp cận nguồn vốn lớn, kể cả nguồn vốn lưu động đầu tư cho chuyến biển. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, đơn vị, chính quyền địa phương và các ngân hàng thương mại có lúc chưa đồng bộ nên việc xét duyệt, thẩm định các thủ tục hồ sơ vay vốn còn kéo dài. Chưa có kế hoạch chủ động trong việc đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ đánh bắt xa bờ, nhất là việc nắm bắt, sử dụng thành thạo tàu có công suất lớn được đóng mới theo NĐ 67.
Thời gian cho vay theo NĐ 67 là 16 năm. Trong khi đó, vốn đối ứng của các chủ tàu thấp (5% đối với tàu vỏ thép, composite; 30% đối với tàu vỏ gỗ), vốn vay của ngân hàng lớn, rủi ro về nợ xấu đối với các ngân hàng dễ xảy ra, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và lợi nhuận của các ngân hàng cho vay. Do đó, các ngân hàng chưa mạnh dạn cho vay theo NĐ 67.
Không thể bảo hiểm “một chợ”
Tàu vỏ thép “Hướng biển-01” của ông Phan Thanh Trị đang nằm bờ do chủ tàu bị tai nạn, khó khăn về chi phí chuyến biển và không tìm đủ bạn tàu. Ảnh: H.T
Công ty Bảo Minh Phú Yên được Bộ Tài chính chỉ định là đơn vị chịu trách nhiệm bảo hiểm theo NĐ 67/CP tại địa bàn tỉnh Phú Yên. Bảo Minh đang thực hiện việc cấp chứng nhận bảo hiểm và giải quyết bồi thường cho tất cả tàu thuyền thuộc đối tượng được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ là thành viên của tổ/đội sản xuất có công suất máy chính từ 90CV trở lên.
Đã có khá nhiều bất cập từ việc Bộ Tài chính phê duyệt chỉ 4 doanh nghiệp bảo hiểm đủ điều kiện tham gia bảo hiểm tàu cá theo NĐ 67 và mỗi doanh nghiệp phụ trách một số tỉnh. Trong đó, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Chi nhánh Phú Yên là đơn vị duy nhất được chỉ định bán bảo hiểm theo NĐ 67 trên địa bàn Phú Yên. Việc bảo hiểm “một mình một chợ” này đã hạn chế sự lựa chọn của ngư dân.
Thực tế, đã xảy ra khiếu kiện của chủ một số tàu cá có công suất máy từ 90CV trở lên khi đã mua bảo hiểm của Công ty Bảo Minh Phú Yên. Bởi khi tàu gặp sự cố rủi ro, xảy ra tai nạn trên biển đã không được Công ty Bảo Minh giải quyết bồi thường, với lý do tàu bị nạn ở ngoài vùng biển hạn chế cấp II (cách bờ hơn 50 hải lý). Tàu được hưởng chính sách theo NĐ 67 là tàu tham gia khai thác thủy sản xa bờ nhưng giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật do Chi cục Thủy sản tỉnh cấp chỉ được phép hoạt động cách bờ 50 hải lý. Việc này ảnh hưởng đến quyền lợi ngư dân trong việc giải quyết bảo hiểm tàu cá khi bị rủi ro trong quá trình khai thác trên biển.
Đề nghị xem xét bãi bỏ hoặc điều chỉnh quy định về vùng biển hạn chế khai thác đối với các tàu khai thác xa bờ, vì xét thấy không phù hợp với thực tế. Đề nghị cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tham gia bảo hiểm tàu cá theo NĐ 67 trên địa bàn tỉnh, để ngư dân có nhiều lựa chọn.
Còn nhiều bất cập khác
Phần lớn ngư dân mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay lưu động với lãi suất ưu đãi theo NĐ 67 để chi phí cho chuyến biển. Tuy nhiên, quy trình, thủ tục cho vay còn khá rườm rà, phức tạp, thời gian làm thủ tục kéo dài, làm cho ngư dân khó tiếp cận nguồn vốn vay này để kịp thời phục vụ chuyển biển. Do đó, đa số ngư dân đã vay vốn lưu động theo NĐ 55/2015/NĐ-CP về chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn. Đây là quy trình vay thương mại thông thường, thủ tục đơn giản, thuận lợi hơn (lãi suất cho vay ưu đãi hiện nay là 7%/năm, lãi suất cho vay vốn lưu động theo NĐ 67 cũng 7% nhưng được cấp bù chênh lệch lãi suất bằng ngân sách nhà nước).
Hiện nay, cũng chưa có các biện pháp chế tài cụ thể đối với trường hợp chủ tàu vay vốn đóng mới tàu cá vi phạm các cam kết theo NĐ 67. Các ngân hàng cho vay theo chính sách ưu đãi nhưng xử lý rủi ro xảy ra theo cơ chế thông thường. Vì vậy, các ngân hàng thương mại chưa thật sự yên tâm trong việc thực hiện cho vay theo NĐ 67.
Kiến nghị giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong triển khai NĐ 67/CP, như: Bộ NNPTNT cần rà soát các mẫu thiết kế để bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với các nghề khai thác và vùng biển hoạt động. Chính phủ sớm xem xét ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ 67 quy định thêm một số vấn đề như: Hỗ trợ chi phí giám sát đóng tàu để chủ tàu thuê tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm giám sát quá trình đóng tàu đảm bảo chất lượng; hỗ trợ về đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 trở lên cho tàu cá đóng mới theo NĐ 67; hỗ trợ bảo hiểm cho các tàu đóng theo NĐ 67 đến hết thời hạn vay; quy định cơ chế xử lý đối với các trường hợp bất khả kháng. Quy định cụ thể quy trình giám sát chất lượng các cơ sở đóng tàu…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.