Vì sao gọi là ngày cá tháng tư 1/4?

Nguyên Linh (t/h)-Tổng cục Thủy sản Chủ nhật, ngày 01/04/2018 06:30 AM (GMT+7)
Cứ mỗi khi đến ngày 1/4 là rất nhiều người lại thắc mắc, vì sao lại gọi là ngày cá tháng tư, cá tháng tư, rồi thì còn gọi là ngày nói dối. Thực tế, ngày cá 1/4 phải gọi đúng là ngày cá Việt Nam 1/4 hay bây giờ gọi là Ngày Truyền thống ngành thủy sản Việt Nam.
Bình luận 0

Ngày cá 1/4 thực chất được lấy dấu mốc như sau: Vào những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4.1959, khi về thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà,… Bác Hồ đã căn dặn “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Lời dạy của Bác thể hiện tư tưởng lớn về khơi dậy ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, trong đó có ngư dân, đối với phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.Đến năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 1.4 là ngày cá Việt Nam.

23 năm ngày cá 1.4

Kể từ đó đến nay đã 59 năm, lời dạy của Bác vẫn luôn khắc sâu vào tâm khảm của toàn thể cán bộ công nhân viên và những người lao động nghề cá trong cả nước. Năm 1995, ngày 1/4 hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chính thức là Ngày Truyền thống ngành Thủy sản.

img

Ngày cá 1/4 thực chất hiện nay là ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam.

Từ sau những năm 1950, xác định được vị trí ngày càng quan trọng và sự đóng góp mà nghề cá có thể mang lại lợi ích nhiều mặt cho nền kinh tế quốc dân, cùng với quá trình khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta đã bắt đầu quan tâm phát triển nghề cá và hình thành các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Việc thành lập Tổng cục Thủy sản năm 1960 và sau ngày đất nước thống nhất, Bộ Hải sản được thành lập năm 1976 và tổ chức lại thành Bộ Thủy sản năm 1981 đã khẳng định vai trò quan trọng của ngành thủy sản Việt Nam trong nền kinh tế quốc dân. Ngành Thủy sản bước vào giai đoạn phát triển toàn diện cả về khai thác, nuôi trồng, hậu cần dịch vụ, chế biến và xuất khẩu thủy sản, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, mở rộng hợp tác quốc tế để giữ vững nhịp độ tăng trưởng liên tục trong suốt chặng đường qua.

Sau khi Bộ Thủy sản hợp nhất với Bộ Nông nghiệp và PTNT vào cuối năm 2007, ngày 15.3.2010, Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT chính thức đi vào hoạt động theo Quyết định số 05/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngành thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong những năm qua. 

Trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, cán bộ và ngư dân ngành thuỷ sản đã “vững tay lưới, chắc tay súng”, hăng hái thi đua lao động sản xuất với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, cùng cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược “Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam”. Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển có công sức lớn của ngư dân.

Bước vào giai đoạn xây dựng đất nước Việt Nam thống nhất, phát huy các nguồn lực, ngành Thuỷ sản đã vận dụng sáng tạo, có hiệu quả cơ chế gắn sản xuất với thị trường, lấy xuất khẩu là động lực và ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này, tạo bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của kinh tế thuỷ sản trong thời kỳ mới. Các lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thuỷ sản được định hướng phát triển phục vụ xuất khẩu và thành công trong chế biến, xuất khẩu lại trở thành động lực thúc đẩy khai thác và nuôi trồng thủy sản phát triển.

Thế mạnh của nghề cá nhân dân được phát triển mạnh qua các mô hình kinh tế ngoài quốc doanh, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư để phát triển. Việc ngành thuỷ sản chú trọng đầu tư ngày một nhiều hơn và đúng hướng đã hình thành tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế thuỷ sản, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho lao động nghề cá cả nước, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

img

Một mẻ lưới đầy cá của ngư dân Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn

Ngành thủy sản đã chủ động đi trước trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, từ đầu những năm 1990, đã tập trung đổi mới phương thức quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, tiếp cận để đáp ứng những đòi hỏi cao nhất về lĩnh vực này của các thị trường lớn, nhờ đó nhanh chóng thiết lập và đứng vững trên các thị trường thuỷ sản lớn nhất thế giới.

Trong cơ chế ấy, vai trò nòng cốt, xung kích của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các mối liên kết cộng đồng và sự hình thành các Hội, Hiệp hội như là sự tất yếu của quá trình hội nhập và là động lực trực tiếp thúc đẩy quá trình tổ chức lại sản xuất của ngành. Các giải pháp đúng đắn đó đã giúp cho ngành, trong những năm cuối thế kỳ 20, những thập kỷ đầu thế kỷ 21, thu được những kết quả quan trọng trong sự phát triển của mình.

Từ một nghề cá thủ công, quy mô nhỏ, hoạt động ở vùng gần bờ, khai thác hải sản đã chuyển dịch theo hướng trở thành một nghề cá cơ giới, tăng cường khai thác ở vùng biển xa bờ, khai thác các đối tượng có giá trị cao phục vụ xuất khẩu, gắn khai thác với bảo vệ và phát triển nguồn lợi, môi trường sinh thái. Nuôi trồng thủy sản đã trở thành một ngành sản xuất hàng hoá tập trung với trình độ kỹ thuật tiên tiến, phát triển các đối tượng nuôi đa dạng ở tất cả các thuỷ vực nước ngọt, lợ và biển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường và hài hoà với các ngành kinh tế khác.

Chế biến xuất khẩu thủy sản đã có bước phát triển rất nhanh, tiếp cận với trình độ công nghệ và quản lý tiên tiến của khu vực và thế giới. Nhờ đổi mới phương thức quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, tiếp cận và từng bước đáp ứng những đòi hỏi cao nhất của các thị trường quan trọng, tạo được uy tín và đứng vững trên các thị trường thuỷ sản lớn nhất trên thế giới như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nga… Hệ thống hậu cần dịch vụ tuyến khơi xa, tuyến đảo, tuyến ven bờ gắn với các trung tâm dịch vụ nghề cá đã bước đầu được hình thành.

Kể từ khi hình thành đến nay, trải qua 58 năm phát triển, ngành thủy sản đã có những bước phát triển nhanh và ổn định, trở thành ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn, thực hiện xoá đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của cộng đồng cư dân không chỉ vùng nông thôn ven biển, mà cả ở các vùng núi, trung du và Tây nguyên. Sự hiện diện dân sự của hàng chục ngàn tàu thuyền trực tiếp khai thác hải sản trên biển đã đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

img

Những ngư dân trên đảo Cát Bà, Hải Phòng. Ảnh: Nguyễn Đại

Năm 1990, tổng sản lượng thủy sản đã vượt qua ngưỡng 1 triệu tấn, đứng vào hàng ngũ những nước có sản lượng khai thác hải sản trên 1 triệu tấn kể từ năm 1997. Đến năm 2016, tổng sản lượng thủy sản đã tăng hơn 6,5 lần so với năm 1990, đạt hơn 6,7 triệu tấn. Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực. Năm 2007, lần đầu tiên sản lượng nuôi trồng thủy sản vượt sản lượng khai thác thủy sản. Tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ hơn 23% năm 1990 lên gần 54% năm 2016. Từ mức kim ngạch xuất khẩu 500 triệu USD năm 1995, đến năm 2016, giá trị kim ngạch xuất khẩu đã vượt mức 7 tỷ USD. Sản phẩm thủy sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự tăng trưởng ổn định của ngành thủy sản trong thời gian qua khăng định được vị thế quan trọng trong cộng đồng nghề cá thế giới, đứng thứ 8 về sản lượng khai thác thủy sản, thứ 3 về sản lượng nuôi thủy sản và thứ 3 về giá trị xuất khẩu thủy sản (FAO 2014).

59 năm ngành thủy sản Việt Nam

Sáng ngày 30/3/2018, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 59 năm ngày Truyền thống ngành Thủy sản và Phổ biến Luật Thủy sản 2017. Đến dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Ngọc Oai - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đồng chí Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đồng chí Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cùng các đồng chí lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị trực thuộc Tổng cục.

img

Tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Thị Thu Nguyệt đã trình bày bài diễn văn ôn lại lịch sử truyền thống của ngành, những đóng góp của ngành Thủy sản cho sự phát triển chung của đất nước. Dưới đây là toàn văn bài diễn văn của đồng chí Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản:

“Ngày 01/4/1959, Bác Hồ về thăm các làng cá trên các đảo Cô Tô, Tuần Châu tỉnh Quảng Ninh và Cát Bà thành phố Hải Phòng. Tại đây, Bác đã ân cần thăm hỏi cuộc sống, sản xuất hàng ngày của bà con ngư dân và Người đã căn dặn "Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ". Lời dạy của Người  đã thành tuyên ngôn được khắc ghi trên lá cờ truyền thống của ngành Thủy sản gần 60 năm qua.

Thể theo nguyện vọng của ngành Thủy sản và đông đảo bà con ngư dân, ngày 18/3/1995 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg chính thức lấy ngày 01 tháng 4 hàng năm là ngày truyền thống Ngành Thủy sản.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, 59 năm qua cán bộ, ngư dân, lao động toàn ngành thủy sản đã lao động sản xuất, bền bỉ phấn đấu, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển từ một lĩnh vực sản xuất nhỏ, vươn lên trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khối nông, lâm, ngư nghiệp và đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước.

Sự phát triển nhanh, bền vững của kinh tế thủy sản, đặc biệt là sự lớn mạnh của lực lượng sản xuất, nuôi trồng, khai thác thủy sản và các cơ sở hạ tầng nghề cá cùng với sự hiện diện của gần 110 nghìn tàu cá khai thác hải sản trên các vùng biển đã giúp cho đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của bà con ngư dân được cải thiện rõ rệt đồng thời đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Đến nay, ngành Thủy sản đã có những bước phát triển khá toàn diện cả về khai thác, nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu; duy trì được sự tăng trưởng ổn định qua các năm:

Tổng sản lượng thủy sản đã lần lượt vượt qua ngưỡng 1 triệu tấn vào năm 1990, vượt 5 triệu tấn năm 2010 và vượt 7 triệu tấn năm 2017.

Kim ngạch xuất khẩu đã vượt qua mức 500 triệu USD năm 1995, vượt ngưỡng 1 tỷ USD năm 2000 và đạt hơn 8,3 tỷ USD năm 2018 (gấp hơn 39 lần so với năm 1990).

Với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ngành Thủy sản đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, 13 tập thể và 9 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thay mặt Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, tôi xin được nhiệt liệt chúc mừng những thành quả rất đáng trân trọng, tự hào của ngành Thủy sản đã đạt được trong 59 năm qua.N

ăm 2018, ngành Thủy sản tiếp tục thực hiện các mục tiêu chiến lược để tiếp tục phát triển thủy sản bền vững, thực hiện tái cơ cấu để nâng cao giá trị gia tăng và hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức như: (1) Triển khai các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo thẻ vàng của EC, (2) Tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Thủy sản 2017 để có hiệu lực từ ngày 01/01/2019; (3) Tình hình an ninh trên biển hiện nay đã chuyển sang giai đoạn mới với diễn biến nhanh, phức tạp chứa đựng nhiều nhân tố bất ổn, khó dự đoán, mức độ quốc tế hóa cao và tác động trực tiếp, nhiều mặt đến quốc phòng, an ninh và khai thác hải sản; (4) đồng thời - các chỉ tiêu về kế hoạch năm 2018 Bộ giao cho ngành Thủy sản là rất lớn (GDP và GTSX tăng trên 5%, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,5 triệu tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD)...

img

Tổng cục Thủy sản chụp ảnh lưu niệm 59 năm ngày truyền thống ngành thủy sản.

Với các khó khăn, thách thức và nhiều nhiệm vụ lớn phải thực hiện trong năm 2018 như đã nêu trên, tôi đề nghị toàn thể công chức, viên chức và người lao động thuộc Tổng cục phát huy tinh thần tự giác, nâng cao trách nhiệm cá nhân trong thực thi nhiệm vụ, thi đua lao động, sản xuất; tiếp tục đoàn kết, thống nhất phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2018 và đạt các chỉ tiêu sản xuất được Bộ giao; thi đua lập nhiều thành tích hướng đến kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản vào năm 2019.

Nhân ngày Lễ trọng đại này, xin chúc bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, sản xuất ngày càng hiệu quả, được mùa, được giá.”

Cũng nhân dịp này, Cục cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng, Trường Quản lý Cán bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn I, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và nhiều cơ quan ban ngành khác đã tới chúc mừng Tổng cục Thủy sản nhân kỷ niệm 59 năm ngày truyền thống Ngành Thủy sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem