Trò chuyện với thiếu tướng Nguyễn Đức Huy – nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2 - người từng cùng nhiều chiến sĩ của mình vào sinh ra tử trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989) nhân dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, mới thấy trong ông không chỉ có niềm tự hào mà vẫn còn không ít những nỗi trăn trở về một giai đoạn oanh liệt và bi tráng của dân tộc.
"Đánh được nhưng không giữ được, tinh thần chiến sỹ không yên”
Nhớ lại bối cảnh của 40 năm về trước, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể: Ngày 17.2.1979, Trung Quốc đưa quân tấn công nước ta trên toàn tuyến biên giới giữa 2 nước. Chiến tranh nổ ra, trên 60 vạn quân, hàng nghìn xe tăng, pháo binh, hàng vạn dân binh Trung Quốc đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam.
Lúc này, thiếu tướng Huy đang là Tư lệnh Sư đoàn 325, khi đó đang chiến đấu ở Campuchia.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy được điều lên chỉ huy mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) vào thời điểm nơi này đang xảy ra những trận chiến khốc liệt nhất. (Ảnh: Đào Giang)
Khi Trung Quốc xâm lược biên giới, ông được lệnh rút ra bảo vệ Thủ đô và sẵn sàng ứng cứu với Quân đoàn 2, Quân đoàn 3 trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, tiêu diệt quân địch nếu chúng thọc sâu xuống Thủ đô theo đường Bắc Sơn, Sài Hồ.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy tham gia quân đội từ năm 1948, từng kinh qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ đầy khốc liệt, năm 1975 ông được điều về quân khu thủ đô. 1981, ông làm Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô.
|
Khi chính quyền Bắc Kinh bất ngờ phát động cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, quân tình nguyện Việt Nam đang cùng với lực lượng cách mạng yêu nước chân chính Campuchia vừa tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ Khmer Đỏ, cứu nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã ra lệnh Tổng động viên cả nước, hiệu triệu đồng bào và nhân dân cả nước đứng lên cầm súng, đánh đuổi quân xâm lược.
Trước sự đồng lòng của quân, dân nước ta, sau 17 ngày tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc, quân bành trướng Trung Quốc đã phải rút quân về nước. Việt Nam bảo vệ thành công được chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, tình hình đất nước vẫn chưa im tiếng súng.
Suốt trong 10 năm, từ 1979 – 1989, Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện những hành động khiêu khích, xâm lấn.
“Giai đoạn đó chúng vẫn đánh ta, liên tục dùng pháo bắn sang, dùng biên phòng và bộ đội địa phương đánh chiếm các phần đất nằm dọc biên giới. Biên giới không phải là hoàn toàn yên bình nên chúng ta mới sử dụng từ "cuộc chiến đấu 10 năm từ 1979 – 1989 là vậy” – Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy giải thích.
Chiến thuật mới của quân đội ta khiến cho quân bành trướng Trung Quốc thảm bại khi phải đối mặt với các cuộc phản kích của ta ở Vị Xuyên. (Ảnh tư liệu)
Trong ký ức của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, những ngày cuối tháng 4.1984 là những ngày đầy cam go, thử thách đối với dân tộc Việt Nam. Ngày 28.4.1984, Trung Quốc mở cuộc tấn công xâm lược lần thứ hai vào biên giới Việt Nam với hơn 50 vạn quân, hơn 400 pháo lớn các loại, hàng nghìn xe cơ giới, tập trung vào biên giới Vị Xuyên - Hà Tuyên (nay là Hà Giang).
Tình hình chiến sự ở mặt trận Vị Xuyên vô cùng khốc liệt đòi hỏi tăng cường một số cán bộ đã có kinh nghiệm chiến đấu, cũng như đơn vị tham mưu đưa lên tăng cường cho mặt trận này. Ông là người được Đại tướng Hoàng Văn Thái – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giao phó trọng trách Tham mưu trưởng trực tiếp ở mặt trận này.
Tại đây, sĩ quan Nguyễn Đức Huy đã gặp lại người từng tham gia chiến đấu với ông ở dinh Độc Lập là Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu 2 Nguyễn Hữu An. Tình hình Vị Xuyên lúc này vô cùng khó khăn, liên tiếp những cuộc họp bàn giữa 2 sĩ quan cao cấp được triển khai.
“Anh An nói bây giờ tình hình mặt trận khó khăn, tư tưởng chiến sỹ bi quan vì cho rằng địch đánh cao điểm thì ta sẽ mất. Ta phản kích lại cũng không giữ được. Trước đó, ngày 12.7.1984 chúng ta đã tổ chức một đợt tấn công định lấy lại cao điểm 772 giáp đỉnh 1509. Trung đoàn 174 cũng lấy lại cao điểm 233 và 1 trung đoàn khác đánh chiếm lại cao điểm 1030, nhưng đều thất bại. Chúng ta chỉ đánh chiếm được 1 phần cao điểm, sau đó lại bị địch phản kích chiếm lại, gây ra thương vong lớn cho quân ta. Riêng ngày 12.7 đã có khoảng 700 - 800 anh em bị thương vong” – Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể lại hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ.
Quân dân các tỉnh dọc biên giới phía Bắc đã kiên cường, anh dũng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền Tổ quốc. (Ảnh tư liệu)
Chiến thuật mới, phản kích thành công
Tình thế nguy cấp buộc chúng ta phải nghĩ ngay ra một cách đánh mới, chiến thuật mới thay vì đánh theo cách cổ điển: Pháo – bộc phá – xung phong. Có một điểm cốt yếu nữa là làm sao đánh xong phải giữ vững được điểm chốt.
Trước tình thế cấp bách này, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu 2 đề xuất, phải chọn một điểm thích hợp đánh được, giữ được để củng cố tinh thần cho anh em. Điểm chốt A6B tại đồi Đài, gần cao điểm 400 là điểm được chọn. Nơi đây là điểm phòng ngự bằng núi đá của địch nhưng là điểm tương đối thuận lợi cho ta, từ A6B sang điểm của địch chỉ khoảng 200m.
Chiến thuật mới của quân đội ta tại mặt trận Vị Xuyên dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Đức Huy là chọn mục tiêu vừa phải, tại đó Trung Quốc có một trung đội. Đánh xong có thể đưa lực lượng tăng cường, vật liệu làm công sự và hầm có thể đưa lên ngay, tiếp tế lương thực, tăng cường vũ khí đạn dược và người cũng dễ hơn.
Sau khi bàn bạc kỹ, tướng Huy chọn lấy 1 đại đội, chọn địa hình tương đối giống trọng điểm A6B, đưa xuống huấn luyện kỹ: Từ kỹ năng leo trèo, bám đá, ném lựu đạn vào hang, đến việc sử dụng súng tiểu liên, trung liên thế nào để đánh địch hiệu quả nhất... Tất cả đợt huấn luyện đặc biệt này kéo dài trong 20 ngày thì các cán bộ, chiến sĩ của đại đội đã thuần thục.
Trong những lúc huấn luyện, đích thân chính tướng Huy tham gia để đảm bảo không lộ bí mật. Sau đó ông chọn ra hơn 40 chiến sĩ có tố chất, kỹ thuật thành thạo nhất để đánh trận địa.
Cách đánh trận đó được tổ chức chi tiết, cụ thể: Đại đội chia làm 3 mũi đi trinh sát thực địa, 3 lần vào sát cửa hang địch nên nắm chắc số lượng quân địch và cách bố trí.
“Chủ trương đánh lần này là đảm bảo tuyệt đối bí mật” – Thiếu tướng nhấn mạnh. Vì vậy, chúng ta cũng phải thực hiện nghi binh. Chúng ta cho pháo binh của Sư đoàn pháo kích vào tất cả các trọng điểm, còn riêng điểm A6B ta chỉ dùng cối 60 ly bắn xung quanh.
“5 giờ sáng hôm đó, trời mù, chúng tôi ra lệnh nổ súng. Nhờ lợi thế bất ngờ, lại có kế hoạch tác chiến được chuẩn bị kỹ lưỡng, chi tiết, sau 30 phút giao chiến cùng hỗ trợ của hỏa lựa mạnh như pháo, B40, B41..., đại đội nhanh chóng chiếm được cao điểm này".
"Riêng tại đường hầm số 7, địch chống trả quyết liệt, chúng ta buộc phải tiêu diệt toàn bộ quân địch chỉ bắt sống một tên. Đây là một thắng lợi hoàn toàn với số thương vong rất thấp” – Tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy mặt trận Vị Xuyên nhớ lại.
Tuy vậy, việc giữ được cao điểm, đánh bật các đợt phản công của địch thì cam go khốc liệt hơn nhiều. Nhưng do quân ta đã chuẩn bị tốt cả về nhân lực, vũ khí, nên dù bị địch liên tục tấn công trong 11 ngày, có ngày chúng tổ chức từ 3 - 5 lần xung phong hòng chiếm lại cao điểm nhưng đều thất bại.
Số quân địch thương vong lên tới hàng mấy trăm người. Có trung đoàn bị xoá sổ hoàn toàn. Chúng ta đã hoàn toàn đánh bại kế hoạch tái chiếm lại cao điểm A6B của quân Trung Quốc.
"Và cũng từ trận đánh này, chúng ta đã làm thay đổi hoàn toàn tâm lý, tư tưởng của chiến sĩ, khiến anh em phấn chấn, tạo ra bước ngoặt lớn của cuộc chiến đấu", tướng Huy nhận định.
Còn đó những niềm trăn trở
Tướng Nguyễn Đức Huy trăn trở về việc quy tập những liệt sỹ đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang. (Ảnh: Đào Giang)
Nhận định về lý do địch chọn địa bàn Vị Xuyên để tập trung hoả lực tấn công, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy phân tích: Nếu đánh ở Lạng Sơn, Trung Quốc sẽ không giấu được cuộc chiến tranh xâm lược với dư luận trong nước và quốc tế.
Thêm nữa, Hà Giang là tỉnh hẻo lánh ở biên giới phía Bắc của chúng ta, chỉ với 1 đường độc đạo, ít giao lưu với quốc tế, địa hình hiểm trở nên tạo điều kiện thuận lợi để tấn công từ trên cao. Và nếu chiếm thành công Hà Giang, chúng có nhiều cơ hội lấn sâu hơn vào biên giới nước ta.
“Đau và xót lắm. Chính vì thế, chúng tôi thành lập ban liên lạc Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang toàn quốc, tập hợp anh em lại để cùng giúp đỡ lẫn nhau” – Tướng Nguyễn Đức Huy bày tỏ.
|
“Quan trọng nhất là quân bành trướng Trung Quốc muốn tránh sự lên án của dư luận quốc tế. Nhưng nhìn lại, quân Trung Quốc ít nhiều vẫn đạt được mục đích phá hoại công cuộc xây dựng kinh tế ” – Tướng Huy nói.
Trong trận chiến Vị Xuyên, gần 5.000 chiến sỹ của ta hy sinh nhưng mới mang về được 1.700 hài cốt chiến sỹ, còn gần 3.000 hài cốt còn đang nằm rải rác khắp các nơi.
Giọng của thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đến đây bỗng trầm xuống, ông ngậm ngùi vì suốt gần 40 năm, chúng ta vẫn chưa thể tổ chức một đội chuyên trách đi dò gỡ mìn ở chiến trường Vị Xuyên cũng như tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sỹ một cách bài bản.
Mãi tới năm 2018, một đội quy tập hài cốt liệt sỹ mới được thành lập, bắt đầu quá trình tìm kiếm các anh hùng, liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc trong suốt 10 năm từ 1979 - 1989..
Vui lòng nhập nội dung bình luận.