Cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc ghi dấu ấn lịch sử của quân và dân ta, nhưng sử sách lại đề cập khá ít. Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cũng trưng bày hiện vật, tài liệu khiêm tốn. Đây là sự thiếu sót hay vì lý do gì thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Mã Lương
- Cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc không phải chỉ diễn ra từ 17.2.1979 rồi kết thúc theo lệnh của Đặng Tiểu Bình ngày 5.3.1979. Cuộc chiến này kéo dài đến hết năm 1987, nghĩa là nó kéo dài 8 năm. Lịch sử Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc tính từ 1975 đến nay là 40 năm nhưng chúng ta có 12 năm phải chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, tính cả ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, cả cuộc xung đột trên Biển Đông.
Ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, phần không gian rộng 250m2 trưng bày cả phần liên quan đến biên giới Tây Nam, với quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia và 8 năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc. Với một giai đoạn lịch sử có những đường nét, dấu ấn đặc biệt thì diện tích trưng bày trên là khá khiêm tốn. Điều ấy làm cho khách tham quan không được thỏa mãn khi tìm hiểu về lịch sử cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến biên giới phía Bắc.
Ngay cả tôi với tư cách là nhân chứng, người trực tiếp tham gia vào sự kiện ở biên giới Tây Nam, ở biên giới phía Bắc, khi về làm Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam 13 năm trước khi nghỉ hưu, tôi cũng thấy không thỏa mãn với trưng bày đó. Tôi nghĩ trước mắt chấp nhận nhưng dù sao cũng không thể trưng bày một cách quá mờ nhạt.
Trong tương lai gần, khi Bảo tàng chưa chuyển đến vị trí mới, vẫn ở khu Cột Cờ thì cũng cần phải có sự mở rộng không gian trưng bày hơn để bổ sung hiện vật. Bởi vì lịch sử quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc đã bắt đầu bước chuyển biến sang một giai đoạn mới. Giai đoạn này cả hai phía cần phải đánh giá lại, đặc biệt là phía ta.
Ở nhiều địa phương thuộc 6 tỉnh biên giới phía Bắc có những địa danh ghi dấu tội ác của quân xâm lược, có những địa danh ghi dấu sự đấu tranh anh dũng của quân và dân ta. Thế nhưng ít có nơi nào được bảo tồn, tôn tạo, qua thời gian dấu tích chiến tranh ở những địa danh đó đang bị phai mờ, Thiếu tướng nghĩ sao?
- Khi gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi có đề cập những băn khoăn trên. Thứ nhất, hiện nay trên toàn tuyến biên giới của 6 tỉnh cũ ở phía Bắc (Lai Châu, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai) những dấu vết của cuộc chiến Trung Quốc xâm lược Việt Nam bắt đầu từ 17.2.1979 đến năm 1987 hầu như bị xóa đi, hoặc con người ta vì lý do nào đó không quan tâm đến.
Có những dấu tích cần phải được bảo tồn, tôn tạo để không chỉ cho các thế hệ người dân Việt Nam mà cả người Trung Quốc khi sang Việt Nam nhìn thấy cái đó, để họ biết cuộc chiến tranh mà Trung Quốc phát động để xâm lược Việt Nam là cuộc chiến vô nghĩa, chứ không phải là cuộc phản kích, tự vệ như Trung Quốc đã tuyên truyền. Đáng tiếc hiện nay những dấu tích đấy gần như bị quên lãng. Điển hình ngay như ở hang Pắc Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), khi cuộc chiến biên giới xảy ra người Trung Quốc dùng lượng bộc phá lớn phá sập phía trong lòng hang. Sau này chúng ta khôi phục và dần dà nó trở lại nguyên trạng, nhưng những người thuyết minh lại không nói được cho du khách tham quan biết hang lịch sử này từng bị Trung Quốc đối xử thô bạo.
Trong tương lai gần chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc, phải có dự án để bảo tồn, tôn tạo những dấu tích ghi lại giai đoạn lịch sử đau buồn trong quan hệ với Trung Quốc. Bên cạnh đó Nhà nước cần phải có hình thức tôn vinh những chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống vì cuộc chiến này. Hằng năm vào dịp ngày 17.2, nên có những tổ chức hoặc hoạt động nào đó tại những vùng đã từng xảy ra chiến sự ác liệt.
Đối với cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chúng ta giáo dục, tuyên truyền tốt nên đã khắc sâu trong suy nghĩ của thế hệ trẻ. Nhưng đối với cuộc chiến ở biên giới phía Bắc dù cũng rất khốc liệt, sự mất mát, hy sinh anh dũng nhưng dường như hiện nay những hình ảnh đó khá mờ nhạt trong suy nghĩ của giới trẻ. Phải chăng chúng ta chưa công bằng với lịch sử, thưa Thiếu tướng?
- Tôi rất đồng tình với việc thể hiện tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm vừa qua. Cái đó chính là sự tiếp lửa truyền thống, nó thể hiện lòng tự tôn dân tộc từ thế trước truyền sang cho thế hệ sau. Thế hệ trẻ bây giờ có được điều đó là rất đáng mừng, rất hạnh phúc đối với dân tộc chúng ta.
Vì thế, để cho đồng bào cũng như thế hệ trẻ cả nước hiểu rõ cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và cả biên giới Tây Nam, cuộc chiến trên Biển Đông của dân tộc, Đảng và Nhà nước cần phải thể hiện một tinh thần dân chủ. Chính phủ phải có chỉ đạo quyết đoán, trước hết trong sách giáo khoa từ cấp 1 cho đến đại học phải thể hiện được ý chí, tinh thần đấu tranh của chúng ta trong 12 năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Khi làm rõ được điều đó thì sẽ lấy được niềm tin, sự đoàn kết trong dân. Lòng dân sẽ không còn suy nghĩ có điều gì đó không bình thường khi nói về cuộc chiến này.
Thứ hai là phải có hình thức tôn vinh, suy tôn các chiến sĩ, đồng bào đã anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc này. Chúng ta cần có lộ trình thật rõ ràng với những chỉ đạo nhất quán. Ngay cả những thông tin của Chính phủ về vấn đề này phải luôn luôn đi trước để định hướng.
Có quan điểm cho rằng khi chúng ta tuyên truyền, đề cập đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc rộng rãi, mạnh mẽ sẽ ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc. Quan điểm của Thiếu tướng ra sao?
- Chúng ta phải khẳng định một điều lịch sử là lịch sử, lịch sử rất công bằng. Lịch sử của dân tộc ta đã có hàng nghìn năm Bắc thuộc. Lịch sử nước ta đã diễn ra các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm khác như với: Nguyên Mông, Nhật, Pháp, Mỹ và những đồng minh của Mỹ như Úc, Canada, Thái Lan, Hàn Quốc...
Sau những cuộc chiến ấy, chúng ta vẫn khép quá khứ lại hướng tới tương lai với chiến lược Việt Nam là bạn với các nước. Chúng ta có hợp tác, có đấu tranh. Như vậy lịch sử không loại trừ bất kỳ một đối tượng nào, một nước nào. Nhưng tôi cho rằng cái gì khép lại đến mức không đề cập đến thì về mặt truyền thống dân tộc là không đúng. Và đối với chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống vì Tổ quốc mà chúng ta không vinh danh họ là có lỗi.
Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4: Vinh danh người ngã xuống để giáo dục cho thế hệ sau
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc chiến này có hàng ngàn, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống. Chính xương máu của những chiến sĩ đổ ra đó mới giữ được sự bình yên của biên giới phía Bắc.
Cho nên, Đảng và Nhà nước cùng nhân dân ta một mặt vinh danh các liệt sĩ đã cống hiến để bảo vệ biên giới, bên cạnh đó phải có những công trình ở những điểm lịch sử nơi mà những chiến sĩ đã hy sinh anh dũng để bảo vệ tuyến biên giới. Đây là việc rất cần thiết giáo dục cho con cháu mai sau rằng để đất nước được bình yên thì cách đây mấy chục năm, mấy trăm năm đã có những cuộc chiến đấu đó. Việc này nhắc nhở thế hệ sau rằng các chiến sĩ đã đổ máu ra để bảo vệ biên giới, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thì con cháu phải biết giữ gìn, xây dựng vùng biên giới vững mạnh.
Khi tuyến biên giới giàu mạnh, nhân dân được yên bình, đó chính là sức mạnh để bảo vệ vững chắc tuyến biên giới của chúng ta. Còn những nơi diễn ra tội ác của quân xâm lược cũng cần phải có chứng tích nhắc nhở rằng ở nơi đây có những đồng bào ta đã ngã xuống. Gắn với sự kiện ở nơi đó, ai cũng hiểu quân xâm lược là ai, như vậy tránh sự kích động không cần thiết. Làm thế sẽ nhắc nhở được nhân dân ta là luôn luôn sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc bất kỳ ở hướng Bắc, Nam, Đông, Tây, ngoài hải đảo, trên Biển Đông. Chỗ nào có nguy cơ bị xâm lược, nơi đó phải sẵn sàng, những nơi đã từng xảy ra sẽ là bài học cho con cháu luôn luôn cảnh giác.
Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an): Cần có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về trận chiến biên giới phía Bắc
Thiếu tướng Lê Văn Cương
Sau sự kiện 17.2.1979, chúng ta đã xây dựng một số bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đồng bào hy sinh, một số bia ghi lại tội ác của quân xâm lược. Đây là chuyện bình thường.
Trong chiến tranh thế giới lần thứ Nhất, thứ Hai, các nước họ cũng làm thế. Thế nhưng qua năm tháng, những chứng tích của cuộc chiến không được quan tâm nên dần mất đi. Thứ nhất chúng ta phải tôn tạo, bảo tồn lại để gìn giữ những chứng tích. Thứ hai là phải đưa vào sách giáo khoa, đưa vào hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học để nói rõ về cuộc chiến này một cách đầy đủ hơn. Đây cũng là chủ đề cần phải có những công trình khoa học, luận án tiến sĩ để nghiên cứu, đào sâu.
Chúng ta đã có rất nhiều luận án tiến sĩ, công trình khoa học nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ thì cũng phải có những công trình khoa học nghiên cứu về cuộc chiến biên giới phía Bắc. Phải có nhiều công trình khoa học xâu chuỗi lại mới rút ra vấn đề và hiểu được họ hơn.
Tôi sang Hàn Quốc thấy trong lịch sử dựng nước của họ người ta ghi đậm một chương về tội ác của Nhật Bản, nhưng trong lịch sử phát triển kinh tế của Hàn Quốc người ta cũng ghi rõ những hợp tác thành công với Nhật Bản, ghi rõ sự giúp đỡ của Nhật Bản. Với người Nhật Bản, lịch sử của họ cũng nói rõ tội ác của Mỹ trong việc ném 2 quả bom nguyên tử, nhưng họ cũng có những phần nói về sự giúp đỡ, hợp tác của Mỹ.
TS Trần Công Trục - nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ: Lịch sử sẽ mãi trường tồn với giá trị của nó
TS Trần Công Trục
Xét về bản chất của cuộc chiến ở biên giới phía Bắc, đó là cuộc chiến đấu chống quân xâm lược của quân dân ta. Chúng ta phải làm rõ vấn đề này, khi làm rõ được thì sự thật khách quan cũng sẽ sáng tỏ, không phải là vì lý do chính trị, lý do giữ quan hệ mà không dám nói sự thật.
Trong lịch sử nước ta đã có những cuộc chiến tranh xâm lược, dân tộc ta đã đứng lên đánh đổ những kẻ xâm lược như Thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Điều đó không có nghĩa là khi quan hệ bình thường chúng ta không làm bạn với họ nữa. Chúng ta vẫn sẵn sàng gác lại quá khứ hướng tới tương lai, bắt tay xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn, bền vững hơn. Để hợp tác với họ không có nghĩa là chúng ta giấu đi bản chất của vấn đề vì lý do nào đó. Chúng ta nói sự thật khách quan, khoa học thì mới giữ được niềm tin bền vững.
Vấn đề nhiều người thắc mắc, đặt câu hỏi là tại sao ở những địa danh trên 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã ghi dấu tội ác quân xâm lược, ghi dấu chiến công anh dũng của quân dân ta không được tôn tạo để vào lịch sử, đi vào sách.
Đây là câu hỏi thể hiện một nguyện vọng, một trăn trở của nhiều người dân. Tôi cho rằng có thể vì những lý do khác nhau, động cơ khác nhau dẫn đến tình hình là chúng ta chưa thể làm một cách nó đúng với nguyện vọng của nhân dân, đúng với tầm vóc sự kiện, hoặc không thể phổ biến một cách rộng rãi là vì vấn đề ngoại giao, chính trị, về tình huống trong quan hệ hiện nay.
Tuy nhiên, tôi cho rằng lịch sử bao giờ cũng mãi trường tồn với tất cả giá trị của nó, không ai có thể che giấu được.
Điều quan trọng nhất không phải chỉ là những trang giấy bởi những người viết ghi lại sự kiện, điều mà lịch sử ghi nhận mà tồn tại mãi đó là trong trái tim, trong tình cảm, trong ký ức của dân tộc này, đất nước này.
Những sự hy sinh, những tội ác từ cuộc chiến không bao giờ phai nhạt trong lòng người dân, vì đây mới là bộ sử vĩ đại nhất, trường tồn nhất của dân tộc.
Ái Châu (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.