Sau những tuyên bố mạnh mẽ của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại kỳ họp Quốc hội vừa qua về lập lại trật tự an toàn giao thông (ATGT), nội dung này đã ngay lập tức được triển khai với cuộc họp của Ủy ban ATGT Quốc gia sáng 28.11.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trật tự an toàn giao thông đang là vấn đề bức xúc trong xã hội, đòi hỏi các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.
|
An toàn giao thông đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. |
“Với tình hình tai nạn như hiện nay, nhiều đại biểu Quốc hội thậm chí đã yêu cầu ban bố tình trạng khẩn cấp. Nhiều nước đang có chiến tranh, số người chết cũng không nhiều như người chết vì tai nạn giao thông ở nước ta.
"Chính phủ coi vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ chính trị lớn trong năm 2012 và những năm tiếp theo" - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhưng việc thực hiện không đến nơi đến chốn. Việc cần thiết hiện nay là đẩy mạnh công tác quản lý.
Chỉ tiêu được Ủy ban ATGT Quốc gia đưa ra là mỗi năm giảm tối thiểu 5-10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương. Các địa phương đăng ký và kiên trì phấn đấu giảm tối thiểu 10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương; giảm tối thiểu 20% vụ ùn tắc giao thông, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, xây dựng lộ trình và triển khai xóa cơ bản các "điểm đen" về an toàn giao thông.
Về các giải pháp cụ thể để giảm tai nạn giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng thay mặt Ủy ban đưa ra các giải pháp như: Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, quy định trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức đối với nhiệm vụ giảm thiểu tai nạn giao thông và chống ùn tắc giao thông.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT, 10 tháng đầu năm 2011, cả nước xảy ra 11.000 vụ tai nạn, làm chết hơn 9.200 người và bị thương hơn 8.300 người.
Việc tăng cường công tác tuần tra kiểm soát sẽ được tập trung vào các lỗi trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông như uống rượu bia khi điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ, chở quá tải, dừng đỗ sai quy định... Những tiêu cực trong xử lý vi phạm giao thông, các trung tâm sát hạch, đăng kiểm cũng là một giải pháp được nhấn mạnh.
Đối với ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn sẽ có các giải pháp cơ bản như: Trả lại vỉa hè cho người đi bộ; thay đổi giờ học giờ làm; tiếp tục việc phân làn đường; cấm xe taxi, ôtô cá nhân lưu thông trên một số tuyến phố trong giờ cao điểm; lắp đặt các cầu vượt nhẹ...
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, Hà Nội sẽ sớm xây dựng đề án chống tắc đường. Ông đồng tình với các giải pháp trên, đồng thời cho rằng về lâu dài cần tăng cường đầu tư, mở rộng diện tích đường, hạ tầng giao thông, hạn chế xe cá nhân (trước hết là ô tô con), di chuyển trường đại học, bệnh viện ra khỏi trung tâm thành phố.
Bảo An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.