19 người đứng đầu bị xử lý vì thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 10 người bị xử lý hình sự

PVCT Thứ sáu, ngày 09/09/2022 08:44 AM (GMT+7)
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2022 có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó, xử lý hình sự 10 người, kỷ luật cách chức 1 người, kỷ luật cảnh cáo 5 người và kỷ luật khiển trách 3 người.
Bình luận 0

Có 7 trường hợp nộp lại quà tặng

Chính phủ vừa có báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo báo cáo, năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều mặt cao hơn năm trước", báo cáo nêu.

19 người đứng đầu bị xử lý vì thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 10 người bị xử lý hình sự - Ảnh 1.

Phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh TTXVN

Năm 2022, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng có chuyển biến tích cực. Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 8.300 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 98 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm.

Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra tại 6.980 cơ quan, tổ chức, đơn vị (tăng 26,2% so với năm 2021) về thực hiện quy tắc ứng xử; từ đó đã xử lý 178 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm (tăng 98 trường hợp so với năm 2021). Đặc biệt, có 7 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 135,3 triệu đồng.

Trong kỳ báo cáo, đã có 542.337 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Thủ tướng đã phê duyệt định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 và các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai việc xác minh tài sản, thu nhập với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên.

Đến nay có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; 4.934 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện. Qua xác minh có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định.

Trong năm 2022 có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó, xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người và khiển trách 3 người.

"Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách", báo cáo của Chính phủ nêu.

19 người đứng đầu bị xử lý vì thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 10 người bị xử lý hình sự - Ảnh 2.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết đã có 18 trường hợp người đứng đầu bị kỷ luật vì thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Ảnh T.P

Còn tình trạng cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật có hành vi tham nhũng

Báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đó là các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng vẫn còn hạn chế, vướng mắc.

Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng xét duyệt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thiếu chặt chẽ; một số trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp.

Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có chuyển biến rõ nét.

Công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án hiệu quả chưa cao. Đáng lưu ý, vẫn còn tình trạng cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật lại có hành vi tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận.

Đề cập đến nguyên nhân, Chính phủ lưu ý, một số cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị mình; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Cơ chế kiểm soát quyền lực trên nhiều lĩnh vực chưa cụ thể, chậm được hoàn thiện, việc tổ chức thực hiện hiệu quả chưa cao. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được chú trọng đúng mức.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng có mặt còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế khuyến khích, bảo vệ người dân tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực thực hiện chưa hiệu quả.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem