9 thách thức trong thập niên tới được Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nêu ra là gì?

PVCT Thứ năm, ngày 31/12/2020 13:44 PM (GMT+7)
Thủ tướng cho rằng, sau 35 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Thủ tướng khái quát hóa thành 9 thách thức chủ yếu trong thập niên tới.
Bình luận 0

Ngày 31/12, tại Hà Nội diễn ra Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Ngành Kế hoạch và Đầu tư (31/12/1945 - 31/12/2020), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu.

Đại dịch Covid-19 và những căng thẳng địa chính trị

Trong phát biểu, Thủ tướng đã khát quát những thành tích nổi bật của ngành Kế hoạch và đầu tư trong thời gian qua. Đồng thời Thủ tướng cũng khát quát 9 thách thức chủ yếu đối với chúng ta trong thập niên tới.

9 thách thức trong thập niên tới được Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nêu ra là gì? - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (ảnh VGP).

Một là, bối cảnh thế giới tiếp tục bất định, nhất là tác động của đại dịch Covid-19 và những căng thẳng địa chính trị mà chúng ta phải đối đầu.

Thứ hai, cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển có thể đuổi kịp nước giàu nhưng cũng đi kèm theo nhiều thách thức bị bỏ lại, hoặc lệ thuộc lớn hơn vào nước giàu.

Thứ ba, thế và lực của nước ta mặc dù đã mạnh hơn trước nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều nút thắt vẫn chưa được khơi thông.

Thứ tư, nguy cơ tụt hậu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn rất lớn, nhất là một số nhóm yếu tố, nhóm dễ bị tổn thương trước các biến động kinh tế.

Thứ năm, cạnh tranh giữa các đô thị trong khu vực, kể cả trong nước, trong việc trở thành các trung tâm giao dịch, trung tâm tài chính, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngày càng lớn.

Thứ sáu, nhiều vấn đề văn hóa, xã hội, an ninh, nhất là an ninh phi truyền thống, an ninh mạng nổi lên, có thể đặt ra nhiều thách thức hơn dự báo.

Thứ bảy, chênh lệch giàu nghèo có xu hướng tăng lên theo vùng miền và giữa các nhóm, đi cùng sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu và giới siêu giàu.

Thứ tám, vấn đề nhân khẩu học, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội của nước ta.

Thứ chín, những thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường, tài nguyên tăng lên.

9 vấn đề cần đặc biệt chú trọng

Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó, định hướng thứ nhất là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế-chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Bộ nào sẽ tiên phong tham mưu cho Đảng và Chính phủ trong việc cụ thể hóa và thực hiện thành công định hướng này? Thủ tướng nêu câu hỏi và khẳng định, đó chắc chắn là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hiến kế để đạt được sự bứt phá cho các mục tiêu kinh tế -xã hội năm 2021 cũng như những giai đoạn tiếp theo gắn với những mục tiêu và tầm nhìn mà Đại hội Đảng lần thứ XIII tới đây sẽ đặt ra. Thủ tướng nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm mà ngành cần đặc biệt chú trọng. 

Thứ nhất, thể chế là yếu tố quyết định sự tăng trưởng đột phá cho đất nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu để thể chế, pháp luật, chính sách trở thành đột phá cho các đột phá khác của Việt Nam hiện nay cũng như trong những năm tới.

Thứ hai, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hơn nữa, biến tài nguyên đổi mới sáng tạo trở thành một tài nguyên mới vô tận cho sự phát triển bền vững.

Thứ ba, làm sao để Việt Nam tránh các bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp và thậm chí là bẫy rác thải công nghiệp.

Thứ tư, làm sao để không ai bị bỏ lại phía sau trên đường phát triển, tạo ra tăng trưởng bao trùm tốt hơn nữa.

Thứ năm, cụ thể hóa các nghị quyết của Đại hội Đảng, nghị quyết của Quốc hội một cách đầy đủ, kịp thời và xuyên suốt. Chẳng hạn làm sao để kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 10 của Trung ương. Làm sao để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng theo tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.

Thứ sáu, tận dụng được cơ cấu dân số vàng, để giàu trước khi già chứ không phải già trước khi giàu.

Thứ bảy, vừa phát triển mạnh mẽ tầng lớp trung lưu nhưng đồng thời cũng mang lại quyền lợi cho người lao động, cho nhân dân, không làm tăng sự phân hóa.

Thứ tám, đề xuất cơ chế phân cấp, phân quyền phù hợp, đồng thời gắn với cơ chế liên kết vùng, cơ chế tổ chức tài chính quản trị. Yêu cầu các vùng này không bị cát cứ như thời gian vừa qua, cát cứ nội vùng và liên vùng, không triệt tiêu động lực và lợi thế cạnh tranh của nhau, phát huy lợi thế kinh tế nhờ quy mô của toàn vùng.

Thứ chín, tận dụng được cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số. Làm sao để cuộc cách mạng này lan tỏa rộng khắp trong nền kinh tế nước ta, phát huy hiệu quả tốt nhất ở nước ta.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem