Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng anh Đinh Xuân Quy nghiên cứu, sáng tạo và bước đầu thành công với mô hình khởi nghiệp trồng dưa lưới sạch theo công nghệ Israel.
Phát huy sức trẻ, anh Đinh Xuân Quy chịu khó nghiên cứu, sáng tạo và bước đầu thành công với mô hình trồng dưa lưới sạch. “Tôi ước mơ trở thành ông chủ dưa lưới sạch khi còn là sinh viên. Lúc đó, tôi có dịp đến nhà người bạn chơi và ấn tượng với loại dưa có vỏ giòn, vị ngọt thanh, ít hạt,... được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP” - anh Quy chia sẻ.
Ứng dụng công nghệ cao
Đầu năm 2018, anh đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động, trồng 1.000m2 dưa lưới TL3 có xuất xứ từ Thái Lan.
Về kỹ thuật trồng dưa lưới, anh Quy cho biết, dưa lưới từ khi trồng đến thu hoạch 65 ngày, mỗi năm trồng 4 vụ. 1.000m2 dưa ứng dụng công nghệ Israel cho năng suất 3 tấn, bán với giá trung bình 45.000 đồng/kg, thu lãi hơn 150 triệu đồng.
Sau khi xuống giống, cây dưa lưới được xếp thành hàng và treo dây cố định; giai đoạn ra hoa sẽ tiến hành thụ phấn thủ công. Mỗi cây chỉ để lại 1 trái, tỉa hết cành nách tạo sự thông thoáng và hạn chế tiêu hao dinh dưỡng. Khi trái có đường kính 2-4 cm (khoảng 40 ngày sau trồng) thì hãm ngọn để tập trung dinh dưỡng nuôi trái.
“Dù vốn đầu tư ban đầu theo mô hình tương đối cao nhưng bù lại, dưa cho năng suất, chất lượng trái tốt, bán được giá nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu nhanh. Chỉ cần 4 vụ dưa trúng mùa, được giá, người trồng có thể thu hồi vốn, thậm chí có lãi” - anh Quy nói.
Hợp tác sản xuất
Nhận thấy trồng dưa lưới sạch theo công nghệ Israel cho năng suất cao, bảo đảm an toàn về chất lượng, không lo đầu ra, tháng 5-2018, anh Quy liên kết thêm 6 thanh niên thành lập Hợp tác xã (HTX) Tâm Nông Việt. Đây là HTX thanh niên đầu tiên của tỉnh có diện tích 0,5ha, vốn điều lệ 1 tỉ đồng do anh Quy làm giám đốc.
Các xã viên cùng nhau ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo anh Quy, phấn đấu đến năm 2020, HTX mở rộng quy mô sản xuất lên 1ha dưa lưới sạch. Việc trồng dưa lưới trong nhà màng vừa giúp chắn mưa, vừa ngăn côn trùng xâm nhập, giảm chi phí sản xuất (do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ côn trùng gây hại).
Bên cạnh đó, trồng dưa không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật (chỉ dùng các chế phẩm sinh học tự nhiên) nên sản phẩm làm ra không đủ cầu. Hiện thị trường tiêu thụ sản phẩm dưa lưới sạch rất hút ở các siêu thị TP.HCM và một số tỉnh lân cận.
Bí thư Đoàn Thanh niên xã Mỹ Lộc - Trần Thị Hồng Thủy nhận xét: “Mô hình trồng dưa lưới sạch của đoàn viên Đinh Xuân Quy bước đầu thành công, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà còn giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương. Đây là một trong những thanh niên điển hình có mô hình khởi nghiệp hay, góp phần tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, mở ra hướng đi mới cho nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững ở địa phương”./. |
Phong Nhã (Báo Long An)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.