Ai đã khuyên 3 anh em Nguyễn Huệ khởi nghĩa, dựng đại nghiệp?

N.V Thứ tư, ngày 10/08/2022 22:40 PM (GMT+7)
Sau khi Trương Văn Hạnh bị quyền thần Trương Phúc Loan hãm hại, Trương Văn Hiến chạy vào Bình Định. Chính Trương Văn Hiến đã phát hiện được khả năng của Nguyễn Huệ và khuyên ba anh em khởi nghĩa để xây dựng đại nghiệp.
Bình luận 0

Nguyễn Huệ sinh năm 1753 và mất năm 1792, còn được gọi là Quang Trung Hoàng đế hay Bắc Bình Vương. Ông là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn (ở ngôi từ 1788 tới 1792, sau Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Ông là một trong những lãnh đạo chính trị tài giỏi với nhiều cải cách xây dựng đất nước. Về quân sự, ông là nhà cầm quân xuất sắc trong lịch sử Việt Nam với những trận đánh tài tình, mưu lược sắc bén. Trong các cuộc nội chiến và chống ngoại xâm, ông chưa một lần thất bại. Do có nhiều công lao, Nguyễn Huệ cũng được xem là người anh hùng áo vải của dân tộc Việt Nam.

Ai đã khuyên 3 anh em Nguyễn Huệ khởi nghĩa, dựng đại nghiệp? - Ảnh 1.

Trương Văn Hiến là người đã khuyên 3 anh em Nguyễn Huệ khởi nghĩa, dựng đại nghiệp.

Nguyễn Huệ và hai người anh em của ông còn được biết đến với tên gọi Anh em Tây Sơn, là những lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh ở phía Bắc và Nguyễn ở phía Nam, lật đổ hai tập đoàn này cùng nhà Hậu Lê. Ngoài ra, Nguyễn Huệ còn là người đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La từ phía Nam, của Đại Thanh (Trung Quốc) từ phía Bắc; đồng thời còn là người đề ra nhiều kế hoạch cải cách tiến bộ xây dựng Đại Việt.

Tương truyền, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ được đưa đến thụ giáo cả văn lẫn võ với thầy Trương Văn Hiến. Trương Văn Hiến là môn khách của Trương Văn Hạnh, còn Trương Văn Hạnh là thầy dạy của Nguyễn Phúc Luân - thân phụ của Nguyễn Ánh. Sau khi Trương Văn Hạnh bị quyền thần Trương Phúc Loan hãm hại, Trương Văn Hiến chạy vào Bình Định. Chính người thầy này đã phát hiện được khả năng của Nguyễn Huệ và khuyên ba anh em khởi nghĩa để xây dựng đại nghiệp.

Tương truyền câu sấm “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” là của Trương Văn Hiến. Theo sử cũ, Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ đều là những người rất giỏi võ nghệ và là những người khai sáng ra một số võ phái Bình Định. Nguyễn Huệ khai sáng Yến phi quyền, Nguyễn Lữ sáng tạo Hùng kê quyền, và cả ba anh em Tây Sơn sáng tạo Độc lư thương. Tây Sơn tam kiệt có vai trò rất lớn cho sự hình thành, phát triển võ phái Tây Sơn Bình Định, là những đầu lĩnh sáng tạo, cải cách các bài quyền, bài binh khí để truyền dạy cho ba quân trong giai đoạn đầu khởi nghĩa.

Lấy lý do chống lại sự áp bức của quyền thần Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương, Nguyễn Nhạc cất binh khởi nghĩa năm 1771, xây dựng căn cứ chống chính quyền chúa Nguyễn tại Tây Sơn. Trong giai đoạn xây dựng thế lực, Nguyễn Huệ đã giúp Nguyễn Nhạc xây dựng kinh tế và huấn luyện quân sự. Với sự ngầm trợ giúp về mặt tâm lý của thầy giáo Hiến và bản lĩnh cá nhân, Nguyễn Huệ đã nhanh chóng xây dựng được uy tín cho lực lượng Tây Sơn và cả cho cá nhân mình. Không bao lâu sau, lực lượng của nghĩa quân Tây Sơn mỗi ngày mỗi lớn và vững vàng.

Những người hợp tác đầu tiên với anh em nhà Tây Sơn có Nguyễn Thung, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú, Trần Quang Diệu, Trương Mỹ Ngọc, Võ Xuân Hoài. Về sau, kẻ sĩ gần xa đến hưởng ứng thêm đông. Lực lượng Tây Sơn không những đánh đâu thắng đó mà còn nổi tiếng vì bình đẳng, bình quyền, không tham ô của dân và lấy của người giàu chia cho người nghèo.

Lời bàn:

Người đương thời và hậu thế đều phải thừa nhận không chỉ là một viên tướng thiện chiến, Quang Trung còn là một nhà cai trị tài ba. Ông giỏi chiến thuật quân sự, giỏi về chiến lược ngoại giao và lại biết thu dụng nhân tài để xây dựng đất nước. Trong ba anh em Tây Sơn, Nguyễn Huệ không chỉ trội hơn về tài năng quân sự mà ngay cả trong việc trị nước, ông cũng tỏ ra là người xuất sắc nhất. Sự ra đi của Nguyễn Huệ là tổn thất không thể bù đắp, là điều không may cho nhà Tây Sơn và khiến cho người đương thời cũng như hậu thế tiếc nuối về nhiều dự định lớn lao của ông chưa thành hiện thực.

Dù sau này nhà Nguyễn tìm nhiều cách để bôi nhọ và xóa bỏ những chứng tích liên quan tới Nguyễn Huệ nói riêng và nhà Tây Sơn nói chung, nhưng tên tuổi ông không hề bị mai một. Người Việt Nam ghi nhận ông là người anh hùng áo vải dân tộc, là một trong những vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử nước nhà. Và câu nói nổi tiếng của ông: “Đánh cho để dài tóc; Đánh cho để đen răng; Đánh cho nó chích luân bất phản; Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn; Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” sẽ trường tồn cùng dân tộc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem