Trao đổi với Dân Việt về câu hỏi ra ngoài sửa mạng Internet có vi phạm Chỉ thị 16, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhấn mạnh lại: "Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh và chỉ được phép ra đường hoặc tiếp xúc với người khác trong trường hợp thực sự cần thiết".
Tại Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 03/4/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 16 cũng quy định rõ một số trường hợp cần thiết cụ thể như:
Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác.
Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn.
Hoặc làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao hoặc các nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...).
Cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ.
"Nếu không thuộc một trong những trường hợp cần thiết nêu trên thì người dân không được phép ra đường hoặc tiếp xúc với người khác.
Theo đó, có thể thấy việc sửa mạng internet không nằm trong danh mục trường hợp cấp thiết được phép ra đường, tiếp xúc theo pháp luật quy định và hành vi này có thể bị coi là hành vi vi phạm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội" – Luật sư Tuấn Anh cho hay.
Ra ngoài không lý do chính đáng bị phạt bao nhiêu?
Theo luật sư, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng được quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, trong trường hợp việc sang nhà người khác sửa máy tính mà làm lây lan dịch bệnh Covid-19 thì người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt tù có thể lên tới 12 năm.
Đồng thời, có thể bị phạt tiền tối đa 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.