Bé trai bị bắt cóc tại Bắc Ninh: Đối tượng bắt cóc trẻ em bị xử lý thế nào?

Hiếu Đam Chủ nhật, ngày 23/08/2020 08:42 AM (GMT+7)
Liên quan đến vụ bé trai bị bắt cóc tại Bắc Ninh, Cơ quan Công an đã tạm giữ Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, quê Cao Bằng) và Đặng Văn Bằng (33 tuổi, quê Tuyên Quang) để làm rõ vai trò liên quan.
Bình luận 0

Liên quan đến vụ bé trai 2 tuổi bị bắt cóc ở Bắc Ninh, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, bằng các biện pháp nghiệp vụ và qua trích xuất hệ thống camera, các đơn vị chức năng đã tìm thấy cháu bé Nguyễn Cao Gia Bảo (2 tuổi, ở Bắc Ninh), đưa cháu bé quay trở về với gia đình.

Từ vụ bé trai mất tích tại Bắc Ninh: Bắt cóc trẻ em bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Bé Gia Bảo được tìm thấy sau hơn một ngày mất tích.

Theo đó, vị lãnh đạo này cho biết, cơ quan công an đã tìm thấy cháu bé ở Tuyên Quang. Tình hình sức khoẻ bé trai cơ bản ổn định.

Được biết, sau khi bắt cóc bé trai từ 17h35 chiều tối 21/8, đối tượng đã đưa cháu bé về khu nhà trọ ở phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh và đến 3h sáng 22/8 chuyển về nhà trên Tuyên Quang.

"Chúng tôi đã truy tìm về phòng trọ của người phụ nữ nghi vấn trên ở phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh và thu được chứng minh thư của người này cùng bộ quần áo của cháu bé (thay để ngụy trang). 

Ngay sau đó, một mũi nghiệp vụ trên Tuyên Quang đã vào nhà người phụ nữ này và tìm được cháu bé" - vị lãnh đạo cho biết.

Từ vụ bé trai mất tích tại Bắc Ninh: Bắt cóc trẻ em bị xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Đối tượng Đặng Văn Bằng và Nguyễn Thị Thu. Ảnh: Zing.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng đã bắt Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, ở TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) và Đặng Văn Bằng (33 tuổi) để điều tra về hành vi bắt cóc trẻ em.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, có lẽ không chỉ gia đình cháu bé Gia Bảo mà sẽ rất nhiều người vui sướng khi biết tin cháu bé đã được giải cứu, được tìm thấy và giao cho gia đình.

"Đúng như nhiều người dự đoán ban đầu, vụ việc có dấu hiệu của hành vi bắt cóc trẻ em khi những thông tin manh mối ban đầu cho thấy có người phụ nữ trung tuổi đã tiếp cận với cháu bé và chở cháu bé đi bằng một chiếc xe máy. 

Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh làm rõ nhân thân lai lịch của các đối tượng này và mục đích chiếm đoạt đứa trẻ để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.

Theo quy định của pháp luật thì trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục bởi cha, mẹ, người giám hộ, đó là người có quyền và có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Việc giao trẻ em cho người khác trông nom, quản lý phải được cha mẹ, người giám hộ đồng ý.

Từ vụ bé trai mất tích tại Bắc Ninh: Bắt cóc trẻ em bị xử lý thế nào? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội

Việc các đối tượng đã lợi dụng sơ hở của cha cháu bé để đưa cháu đi thì đây là hành vi bắt cóc hoặc chiếm đoạt trẻ em. 

Hành vi này là nguy hiểm cho xã hội bởi đứa trẻ phải rời khỏi gia đình, cha mẹ, tước bỏ quyền nuôi dưỡng, chăm sóc của cha mẹ cháu bé một cách trái pháp luật.

Bởi vậy các đối tượng chiếm đoạt cháu bé sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự năm 2015, Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi", luật sư Cường phân tích.

Điều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;

c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;

d) Đối với từ 2 người đến 5 người;

đ) Phạm tội 2 lần trở lên;

e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Đối với 6 người trở lên;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Làm nạn nhân chết;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Theo vị luật sư, các đối tượng khác không được sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ mà đưa đưa trẻ ra khỏi tầm kiểm soát của cha mẹ dù với mục đích là “giành quyền chăm sóc, giáo dục” thì đây là hành vi chiếm đoạt trẻ em, hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 153 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu trên với mức hình phạt ít nhất là từ 3 năm tù đến 7 năm tù.

Từ vụ bé trai mất tích tại Bắc Ninh: Bắt cóc trẻ em bị xử lý thế nào? - Ảnh 5.

Hình ảnh người phụ nữ nghi vấn vẫy cháu bé theo. Ảnh cắt từ clip.

"Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, trẻ em được xác định là người dưới 16 tuổi và mọi hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác để giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Trường hợp phạm tội có tổ chức, có sự bàn bạc, phân công, phân nhiệm, có sự cấu kết chặt chẽ với nhau thì các đối tượng phạm tội sẽ phải chịu mức án từ 5 năm đến 10 năm tù. 

 Vậy trong vụ việc này nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy hai đối tượng này đã thực hiện hành vi chiếm đoạt trẻ em thì các đối tượng sẽ phải đối mặt với mức hình phạt có thể lên đến 7 năm tù, trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi chiếm đoạt trẻ em là có tổ chức thì hai đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt lên đến 10 năm tù theo quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu trên", vị luật sư cho biết.

"Nếu hành vi bắt cóc đứa trẻ nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc nhằm mục đích thực hiện hoạt động mua bán người thì mức hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn bởi những hành vi đó không những nguy hiểm cho xã hội còn nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của cháu bé.

Hành vi bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em là hành vi đáng lên án và đáng phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật, bởi hành vi này không những xâm phạm quyền tự do thân thể của các cháu bé mà tước đoạt quyền của cha mẹ cháu bé trong việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em.

Hành vi bắt cóc trẻ em có thể gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của nhiều người. Bởi vậy cơ quan điều tra cần sớm làm rõ sự việc và có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội", ông Cường cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem