Theo cảnh báo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) trong những năm gần đây, bệnh dại đang có xu hướng tăng cao trở lại, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này do tập quán thả rông súc vật của người dân, và sự chủ quan của người dân khi bị chó, mèo cắn.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm ở nước ta, số tử vong do dại ghi nhận tăng cao trong giai đoạn 1990-2000, với hàng trăm trường hợp mỗi năm. Cùng với con số tử vong đó, hàng năm có trung bình khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại, mỗi ca điều trị dự phòng động vật cắn (chủ yếu là chó) tốn khoảng 1,5 triệu đồng. Thiệt hại trực tiếp về kinh tế ước khoảng 600 tỷ đồng/năm, ngoài ra, còn gây tổn thất đến sức khỏe, tinh thần của người dân.
Đáng lo ngại là, sau thời gian số ca tử vong do dại trên cả nước giảm, thì trong giai đoạn 2015-2016, tình hình bệnh dại tại Việt Nam có chiều hướng tăng cao trở lại với số ca tử vong năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt năm 2016, có 91 ca tử vong do dại (tăng 17% so với năm 2015 và 38% so với năm 2014). Năm 2017, kết thúc với con số 63 người chết vì bệnh dại. Bệnh xảy ra ở 31/63 tỉnh, nhưng số người chết do bệnh dại tập trung chủ yếu ở miền Bắc, chiếm 71% số ca bệnh dại của cả nước.
Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm có khoảng 70-110 người tử vong vì bệnh dại. Ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm. Trung bình mỗi năm có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại, với kinh phí mua vaccine ước tính hơn 300 tỷ đồng...
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cơ quan thường trực của Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, từ đầu năm 2020 đến nay đã có 57 người tử vong vì bệnh dại tại 29 tỉnh thành của Việt Nam. Con số này cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và đáng lo ngại vì đã có các trường hợp bệnh dại xuất hiện ở những tỉnh trước đây không có trường hợp bệnh nào.
Lý giải tình trạng bệnh nhân mắc và tử vong vì bệnh dại vẫn cao, đại diện Văn phòng Dự án khống chế và loại trừ bệnh dại (Bộ Y tế) cho rằng, người dân không đi tiêm phòng dẫn đến tử vong đa số là chủ quan, cho rằng bị chó nhà cắn là bình thường.
Người dân còn thờ ơ
Để tiến tới loại trừ bệnh dại, trong năm 2017, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021. Cũng trong năm 2017, Chính phủ đã ra Chỉ thị số 31 ngày 6/7/2017 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại. Đây là các hoạt động phản ánh cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong công tác phòng chống, kiểm soát và tiến tới loại trừ bệnh dại. Tuy nhiên, để phòng chống bệnh dại thật sự hiệu quả, rất cần người dân nâng cao ý thức trong việc nuôi thả gia súc và điều trị bệnh khi bị chó mèo cắn.
Đáng tiếc là những trường hợp tử vong do bệnh dại hoàn toàn có thể tránh được bằng cách tiêm phòng bệnh dại cho chó; nếu bị chó, mèo nghi dại cắn, cào thì cần tiêm phòng vaccine đúng và đầy đủ. Tuy nhiên, thay vì đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng, nhiều người chữa ở thầy lang, đắp thuốc nam…
Ông Đặng Trường Giang - Phó Trưởng Phòng dịch tễ, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa lo lắng: Số người bị chó mèo nghi bị dại cắn và số ca tử vong vì bệnh dại còn cao là điều hết sức báo động. Chúng ta đã có quy định, khi muốn nuôi động vật như chó, thì người dân phải đăng ký với trưởng thôn để lập danh sách, trình UBND cấp xã, phường cấp sổ quản lý. Vật nuôi phải được tiêm phòng bệnh dại định kỳ và bổ sung. Người nuôi thường xuyên xích chó, nuôi nhốt trong nhà, không được thả rông. Khi dắt chó đi dạo nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm... Tuy nhiên, tình trạng chó thả rông ở khu vực công viên, nơi đông người, không được rọ mõm vẫn diễn ra. Đặc biệt, ở các địa phương, nhất là vùng nông thôn, miền núi việc này hầu như bị bỏ ngỏ. Việc sở hữu những chú chó, mèo hay những vật nuôi khác hiện nay rất dễ dàng và hầu như không đăng ký hay khai báo gì.
Tại Tây Nguyên, những năm qua, việc người dân tử vong thương tâm vì bệnh dại vẫn xảy ra thường xuyên ở nhiều buôn làng vùng sâu ở Tây Nguyên. Vậy nhưng, người dân vẫn chủ quan, không chú trọng nuôi nhốt, tiêm phòng vật nuôi.
Theo đánh giá của ngành thú y Gia Lai, việc phòng, chống bệnh dại trong cộng đồng là rất quan trọng. Làm tốt điều này sẽ giảm rủi ro. Tuy nhiên, do phần lớn người dân khu vực vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số chưa ý thức cao việc thực hiện các hướng dẫn của cán bộ thú y cùng Người có uy tín trong khu dân cư, nên thương vong vẫn thường xuyên xảy ra.
Thống kê cho thấy, riêng trong năm 2019, Gia Lai có gần 10 người tử vong vì bệnh dại, Đăk Lăk 3 trường hợp và Kon Tum 1 trường hợp. Nhiều hộ dân ở Chư Sê (Gia Lai) cho biết: Sau khi có người chết vì bị chó cắn, người dân mới dần nhận ra sự cần thiết của việc tiêm phòng vật nuôi chứ trước đây nuôi thả tràn lan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.