Đôi vợ chồng 2 lần nhập viện cùng lúc điều trị đau dạ dày
Mỗi tháng đều nhập viện
Tại buồng bệnh 1, Khoa Nội Tổng hợp - BV Đa khoa (BVĐK) huyện Lai Vung, y bác sĩ nơi đây không còn xa lạ với những gương mặt nhiều lần “tái xuất”. Khi chúng tôi vào buồng bệnh, vợ chồng ông P.V.H. ngụ ấp Hòa Bình, xã Long Thắng, Lai Vung vẫn còn đi dạo ngoài hành lang BV. Khi nghe mọi người nói có bác sĩ đến, cả 2 vợ chồng quay lại giường bệnh với bước đi chậm chạp, ra vẻ mệt mỏi, nét mặt nhăn nhó chứ không còn nhanh nhẹn, tươi cười như lúc ở hành lang. Khi bác sĩ vừa đi khỏi buồng bệnh, vợ chồng ông lấy điện thoại bàn cố định không dây ra điện trò chuyện với người thân. Ông P.V.H. cho biết năm nay 75 tuổi, thuộc diện hộ nghèo, vợ chồng không có nghề, người con thì làm phụ hồ ở xa, mỗi tháng gửi về gia đình 500 ngàn đồng. Nói về bệnh tình của mình, ông H. than thở: “Tôi ăn vào là bao tử thấy khó chịu. Tôi nghĩ khả năng sau khi xuất viện, vợ chồng quay lại nằm viện tiếp là cao lắm. Không biết sao cùng loại thuốc bác sĩ đưa uống nhưng uống ở nhà thì không hết, nhập viện cũng uống y chang loại thuốc ấy thì vợ chồng tôi thấy khỏe nhiều”. Bà Đ.T.M. - vợ ông H. thì bảo: “Có khi bác sĩ cho xuất viện nhưng tôi nói chưa về được vì đón xe ôm không có nên xin nán lại”.
Khi tiếp nhận 2 vợ chồng ông P.V.H. được chuyển từ Trạm Y tế xã Long Thắng, BV tiến hành xét nghiệm máu, đo điện tim, siêu âm bụng,... đều bình thường. Cả 2 vợ chồng cho rằng bị chứng viêm dạ dày, bác sĩ bảo bệnh diễn biến bình thường, cấp thuốc về nhà uống nhưng cả vợ và chồng đều kiên quyết yêu cầu nhập viện điều trị. Trước đây ông H. tháng nào cũng vào BV xin được nhập viện, mỗi tháng xin được nằm viện 15 ngày. 2 tháng gần đây, cả 2 vợ chồng đều xin nhập viện cùng lúc. Hay trường hợp bà T.T.H. (73 tuổi) ngụ ấp Long Bửu, xã Hòa Long, Lai Vung tháng nào cũng nhập viện tại BV huyện, thời gian nằm điều trị bệnh đều trên 10 ngày. Có lần bà H. vừa nhập viện đã xin bác sĩ cho nằm điều trị 1 tháng nhưng không được chấp thuận.
Tại BVĐK huyện Thanh Bình, từ khi có quy định hộ nghèo được hỗ trợ tiền ăn trong thời gian điều trị nội trú tại các cơ sở nhà nước từ tuyến huyện trở lên với mức hỗ trợ là 35 ngàn đồng/người bệnh/ngày, số lượt bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo liên tục tăng cao. Cụ thể, quý 4 năm 2014 có 11 bệnh nhân nhập viện, tổng số tiền ăn hỗ trợ là 3,08 triệu đồng, quý 1 năm 2015 có 30 bệnh nhân nhập viện, quý 2 có 53 bệnh nhân, riêng trong tháng 7 có 25 bệnh nhân nhập viện, tổng số tiền ăn chi cho bệnh nhân nghèo trong tháng này gần 6,5 triệu đồng.
Cùng hoàn cảnh với một số BV tuyến huyện trong tỉnh, BVĐK huyện Thanh Bình cũng có tình trạng một số bệnh nhân xin được nhập viện dài ngày. Như trường hợp ông T.T.G. (68 tuổi) ngụ ấp Tân Hòa B, xã Tân Phú, huyện Thanh Bình là người nghiện rượu, thường xuyên viện lý do mắc bệnh nhức đầu, đau dạ dày, nhức chân,... xin nhập viện dù bác sĩ khám cho biết sức khỏe bình thường. Có lần sau 15 ngày điều trị, cho ra viện nhưng ông G. không đồng ý và giả bệnh tình trầm trọng, ông được xe cấp cứu BV chuyển đến BV tuyến trên. Khi đến BVĐK Đồng Tháp, bác sĩ khám bệnh và cho về chứ không nhập viện với lý do sức khỏe ông bình thường và cấp cứu vừa chở ông G. đi chưa kịp trở về tới BV huyện thì ông G. đón xe buýt để có mặt tại Khoa Cấp cứu BVĐK huyện Thanh Bình xin được nhập viện tiếp! Một nữ điều dưỡng BVĐK huyện Thanh Bình cho biết: “Ở đây trừ Khoa Nhi và Khoa Sản, các khoa còn lại, khoa nào ông G. cũng xin vào nhập viện”.
Bác sĩ Phạm Nông - Giám đốc BVĐK huyện Thanh Bình cho biết, bệnh nhân nghèo nhập viện có xu hướng tăng lên vì người dân biết có chính sách hỗ trợ người nghèo. Những người thực sự bệnh nặng, có hoàn cảnh khó khăn đã yên tâm nhập viện, tuy nhiên vẫn còn khoảng 10% trường hợp lợi dụng chính sách này để nhập viện nhiều ngày nhằm hưởng lợi từ tiền ăn.
Đừng lợi dụng chính sách đầy nhân văn
Chú Nguyễn Văn Tơ (SN 1936) ngụ khóm Tân Đông B, thị trấn Thanh Bình, thuộc diện hộ nghèo, mắc chứng bệnh viêm phổi tắt nghẽn mãn tính và tăng huyết áp. Chú Tơ cho biết, chú mệt, khó thở nên được con đưa vào nhập viện. Hoàn cảnh của chú vô cùng khó khăn, cháu nội thì bị bại não. Chú cho biết trước đây bệnh nhẹ, thấy vậy không nhập viện. Bệnh trở nặng chú mới vào nằm điều trị. “Trong quá trình điều trị, tôi thấy có một số người bệnh nhẹ, sức khỏe bình thường cũng vô nằm viện, trong khi còn nhiều người thiếu giường bệnh nằm. Tôi nghĩ đừng lợi dụng chính sách, nằm viện để được tiền ăn, làm vậy không tốt cho xã hội, hộ nghèo đã được hưởng nhiều chính sách rồi” - chú Tơ chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Ân - Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị, BVĐK huyện Lai Vung cho biết, đa số những trường hợp lợi dụng chính sách khám chữa bệnh để được hưởng tiền ăn là những người không còn khả năng lao động. Tôi thấy “Quy định trình tự, thủ tục và mức hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” theo Quyết định số 08/2014 của UBND tỉnh (gọi tắt là Quyết định 08) là chính sách đầy ý nghĩa nhân văn, nhờ chính sách này, người nghèo bệnh thật sự yên tâm nằm điều trị bệnh. Tuy nhiên vẫn còn một số người lợi dụng để hưởng tiền ăn hàng ngày là việc làm đáng trách.
Được biết, tại BVĐK Đồng Tháp và các BVĐK khu vực không xảy ra tình trạng một bộ phận bệnh nhân nghèo lợi dụng việc nhập viện điều trị để nhận tiền ăn, mà việc này chỉ xảy ra ở nhiều BV tuyến huyện. Theo bác sĩ Tạ Tùng Lâm - Phó Giám đốc Sở Y tế, Quyết định 08 được ban hành vào tháng 5/2014. Đây là chế độ an sinh xã hội, một chính sách tốt, hỗ trợ những người bệnh nghèo, bệnh nan y không tiền điều trị. Sở Y tế cũng có nắm thông tin một số BV tuyến huyện phản ánh có tình trạng bệnh nhân lợi dụng Quyết định 08 để trục lợi, tuy nhiên số này không nhiều, trong đó có 1 số trường hợp chây lười lao động. Thực ra, các BV không nên đưa tiền ăn trực tiếp cho bệnh nhân mà có thể dùng số tiền ăn của bệnh nhân mua thức ăn cho bệnh nhân tại khoa dinh dưỡng, tổ dinh dưỡng (ăn theo phương pháp, chế độ ăn bệnh lý) để vừa đảm bảo sức khỏe bệnh nhân, vừa tránh được tình trạng bệnh nhân lợi dụng chính sách. Có những trường hợp bệnh nhân diện cớ những bệnh như nhức đầu, mệt,... (là những bệnh thiết bị y tế dù có hiện đại nhưng cũng khó đoán bệnh) không chịu xuất viện dù bác sĩ thấy tình trạng sức khỏe ổn định thì nên khuyên, lý giải cho bệnh nhân biết; nếu lần sau không khỏe vẫn có thể đến BV tái khám.
Thực tế cho thấy, nếu không có giải pháp căn cơ ngăn chặn tình trạng bệnh nhân nghèo lợi dụng chính sách đòi nhập viện mà không đồng ý xuất viện thì không bao lâu sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người khác làm theo. Hiện nhiều BV đôi lúc còn quá tải số người nhập viện, và vẫn còn nhiều người nghèo bệnh thật sự phải nằm 2 người một giường thì nay lại có tình trạng bệnh nhẹ lại đòi nhập viện để hưởng chính sách.
Hữu Nghĩa (Infonet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.