Bí thư Bắc Giang: Cần sớm sửa Luật Đất đai theo hướng thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp
Bí thư Bắc Giang: Cần sớm sửa Luật Đất đai theo hướng thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp
H.P lược ghi
Thứ tư, ngày 27/01/2021 15:21 PM (GMT+7)
Tại Đại hội XIII của Đảng sáng 27/1, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang đã đề nghị sớm xem xét, sửa Luật Đất đai theo hướng thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, hướng tới thị trường toàn cầu.
Mở đầu, Bí thư Dương Văn Thái khẳng định, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
"Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, chúng ta đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2020 đạt trên 41 tỷ USD, đặc biệt, nước ta đã có 9 nhóm mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD", Bí thư Bắc Giang dẫn chứng.
Theo ông Dương Văn Thái, nhiệm kỳ 2015-2020, Bắc Giang đã có sự phát triển bứt phá, đạt nhiều kết quả ấn tượng trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế (tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 13,8%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước; quy mô nền kinh tế đạt 5,3 tỷ USD, vươn lên thứ 16 cả nước…).
Đóng góp vào thành tích chung đó có vai trò hết sức quan trọng của ngành nông nghiệp, với việc tập trung vào 3 khâu trọng tâm chính, mà theo ông Thái đánh giá gồm có: Thứ nhất là quy hoạch lại các vùng sản xuất, gắn với đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Đến nay, đã quy hoạch, phát triển vùng trồng cây ăn quả, chăn nuôi tập trung. Tổng diện tích trồng cây ăn quả tập trung trên 50.000 ha, trong đó vùng sản xuất vải thiều tập trung lớn nhất cả nước, với quy mô trên 28.000 ha, sản lượng 160.000-190.000 tấn/năm.
Các mô hình chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng phát triển; tổng đàn gà trên 16 triệu con, đàn lợn trên 1 triệu con (đứng thứ 4 toàn quốc).
Nhờ có những chủ trương, cơ chế sát, đúng thực tiễn; sự quyết liệt, kiên trì, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông dân Bắc Giang những năm gần đây đã không còn nỗi lo "được mùa, mất giá".
Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái
Thứ hai là kịp thời đề ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, gắn với phát triển các chuỗi liên kết giá trị đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, nhất là nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 95 sản phẩm OCOP; trên 800 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị, cho thu nhập tăng từ 5-10 lần so với sản xuất truyền thống. Đặc biệt, đã tập trung chỉ đạo mở rộng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, chất lượng cao để từng bước hướng đến phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Thứ ba, tích cực tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, Đại sứ quán các nước; các tỉnh bạn để quảng bá, xúc tiến thương mại, đàm phán xuất khẩu nông sản. Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh với chất lượng ngày càng cao đã đáp ứng tốt nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...
"Riêng sản phẩm chủ lực quả vải thiều hiện nay tiêu thụ thuận lợi tại thị trường trong nước và xuất khẩu trên 30 nước; đặc biệt năm 2020, vải thiều tươi Bắc Giang đã vượt qua quy trình kiểm soát nghiêm ngặt để lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Nhật Bản", ông Thái cho biết.
Sản xuất nông nghiệp đem lại nguồn thu nhập ngày càng cao cho người dân (doanh thu từ quả vải thiều năm 2020 đạt 6.830 tỷ đồng, tăng 2.430 tỷ đồng so với năm 2015; thu nhập từ cây có múi đạt trên 1.400 tỷ đồng/năm, doanh thu từ chăn nuôi đạt trên 10.000 tỷ đồng/năm).
Để hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển, Bí thư Bắc Giang đề nghị Trung ương sớm xem xét, sửa Luật Đất đai theo hướng thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất; tăng cường đàm phán thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản.
Tin cùng chủ đề: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII
Vui lòng nhập nội dung bình luận.