Bình Điền - Bông lúa vàng: Hành trình 27 năm "Đi để trở về"
Bình Điền - Bông lúa vàng: Hành trình 27 năm "Đi để trở về"
Trần Đình Thế
Thứ hai, ngày 23/11/2020 15:34 PM (GMT+7)
Tại Nhà máy Phân bón Bình Điền Long An, Công ty CP Phân bón Bình Điền và Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức buổi họp mặt vinh danh những tập thể, cá nhân đã có đóng góp xuất sắc cho chương trình Cuộc thi tuyển chọn giọng ca cải lương hằng tuần- nay là cuộc thi Bông lúa vàng trong suốt 27 năm qua.
Mang tên: Bình Điền - Bông lúa vàng: Hành trình 27 năm "Đi để trở về", 27 năm đi thật xa để bảo tồn, để vun đắp, để trải nghiệm, để trưởng thành và để trân trọng sự trở về, trân trọng hành trình trở về đạibản doanh Cty Cp Phân bón Bình Điền, nơi mỗi ngày diễn ra hoạt động sản xuất- kinh doanh, làm ra của cải, vật chất là những sản phẩm phân bón mang thương hiệu Đầu Trâu, là một trong những vật tư đầu vào quan trọng phục vụ cho sự phát triển của nên nông nghiệp nước nhà và xuất khẩu, chính những hoạt động này đã tạo dựng được nguồn lực giúp đóng góp duy trì chương trình. Đây cũng là dịp tăng cường giao lưu, gắn kết giữa công ty với các nghệ sĩ, thí sinh, ban giám khảo và người hâm mộ, những người làm nên thành công cho cuộc thi.
Những tâm tình lắng đọng
Ông Lê Quốc Phong, nguyên TGĐ Cty CP Phân bón Bình Điền, cho biết do công việc, ông thường tiếp xúc với bà con nông dân, ông nhận thấy đờn ca tài tử- cải lương là món ăn tinh thần không thể thiếu với người dân Nam bộ. Đi tới đâu ông cũng nghe người ta ca cải lương. Ông thấy phải giúp bà con có một sân chơi, vừa phát hiện tài năng ca hát cải lương, vừa có dịp được thưởng thức, học hỏi. Khi sóng truyền hình còn chưa phủ hết vùng sâu, vùng xa thì sóng phát thanh là tốt nhất- ông nghĩ và được lãnh đạo Đài TNND TP Hồ Chí Minh đồng tình chấp thuận, năm 1993, Cty Bình Điền quyết định tài trợ cho chương trình.
"Tôi tham gia rất nhiều chương trình truyền hình, nhưng một chương trình đã kéo dài 27 năm và sẽ còn kéo dài thêm nhiều năm nữa thì chỉ có chương trình này là số 1"- ông Phong nói.
"Sẽ tiếp tục được duy trì- đó là khẳng định của ông Ngô Văn Đông, TGĐ Cty Bình Điền- Bởi sức sống rất mạnh và phổ rất rộng của chương trình. Chương trình sẽ được nâng cấp lên để đáp ứng yêu cầu tuyển chọn nhân tài và nhất là nhu cầu thưởng thức ca nhạc cải lương của nhân dân".
Giám đốc Đài TNND TP Hồ Chí Minh, ông Lê Công Đồng, nói: "Đài và Công ty Bình Điền gắn kết với nhau như Lục Vân Tiên với Kiều Nguyệt Nga để tạo ra được một sự lan tỏa, không chỉ với đồng bằng sông Cửu Long, mà cả nước và một số nước trong khu vực. Đây là sự cố gắng của nhiều thế hệ, góp phần giữ gìn một di sản văn hóa hết sức quý giá của Việt Nam và nhân loại. Làm nên những Bông lúa vàng thật vàng, thật đẹp;góp cho nghệ thuật cải lương vang tỏa ra khắp mọi miền đất nước. Công ty Bình Điền đã rất bền bỉ, thủy chung với Đài".
Lại nữa, hiếm thấy một MC nào gắn bó cả chục năm với một chương trình, nói chi 22 năm liên tục, như Hữu Luân.
"Nhờ có chương trình mà tôi sống đến bây giờ- Ông Luân nói- Năm 49 tuổi tôi bị bệnh rất nặng, nhưng quyết bám chương trình, bởi bám đài là tôi luôn có nụ cười, tôi luôn nhận được sự động viên chân tình và yêu thương của khán giả, chính nó tạo cho tôi sức mạnh vượt qua bệnh tật".
Hơn cả một cuộc thi
Hội thi là sân chơi không chỉ cho các thí sinh có triển vọng đờn, ca cải lương, nhằm tuyển chọn ra những giọng ca xuất sắc, bổ sung cho sân khấu cải lương chuyên nghiệp cũng như trên sóng phát thanh- truyền hình cả nước; là nơi để các nghệ sĩ đờn ca cổ nhạc trao đổi, học tập kinh nghiệm, tiếp tục sáng tạo, nâng cao nghệ thuật biểu diễn phục vụ công chúng; mà còn góp phần động viên, hâm nóng niềm đam mê đờn ca tài tử- cải lương, nhất là với thế hệ trẻ; tạo ra một điểm hẹn cho khán thính giả mộ điệu có dịp thưởng thức, giao lưu, học hỏi mỗi chiều thứ bảy hằng tuần qua sóng phát thanh VOH.
27 năm qua, chương trình với sức lan tỏa mạnh mẽ đã góp phần bảo tồn, phát huy nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử Nam bộ - di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận; chương trình đã phát sóng hơn 1000 buổi; là chương trình được duy trì lâu đời nhất trong hệ thống phát thanh- truyền hình cả nước; là chương trình quy tụ Ban Giám khảo là những soạn giả tên tuổi và những nghệ sĩ cải lương danh tiếng: Soạn giả Ngô Hồng Khanh, Soạn giả Minh Thùy, Thạc sĩ. NSƯT. Huỳnh Khải, TS. NSND. Bạch Tuyết, NSND. Minh Vương, NSND. Thanh Tuấn, NSƯT. Phượng Loan, NS. Kim Tử Long, NS. Thanh Hằng, NS. Phượng Hằng.
Từ đây, đã phát hiện ra nhiều giọng ca hay, tạo hướng đi để họ phấn đấu, trở thành nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp, như: NS. Đức Tài, NSƯT. Tuyết Ngân, NS. Bùi Trung Đẳng, NS. Nguyễn Chí Trung, NS. Hải Long, NS. Minh Trường, NS. Hồ Nhật Tài, NS. Ngọc Thảo, NS. Lê Tứ, NS. Thu Vân, NS. Võ Thành Phê… Rất nhiều thí sinh từ cuộc thi đã trở thành lực lượng nòng cốt cho phong trào đờn ca tài tử- cải lương ở xã, phường, quận huyện các tỉnh Nam bộ.
Nghệ sĩ cải lương Minh Tâm, đang sinh sống tại Mỹ phải thốt lên: "Một chương trình được duy trì suốt 27 năm. Rất thành công. Các bạn làm giỏi quá".
Cái tâm, cái tầm và cả cái tài nữa của những người tổ chức chương trình, rõ rồi; nhưng chưa đủ nếu không nói tới những người dân mộ điệu đờn ca tài tử- cải lương, như bà Trần Thị Tư, ở Quế Sơn, Châu Thành, Bến Tre. Bà Tư nói: "Cả nhà tui đều mê chương trình này, cứ chiều thứ bảy là thu xếp công việc đâu đó để nghe, rồi chia phe ủng hộ thí sinh này thí sinh kia, chỉ có việc gì lớn và gấp gáp lắm mới bỏ coi tuần đó".
NSƯT Phượng Loan, giám khảo hội thi rất tâm đắc chương trình này "vì nó như ngọn lửa nhỏ luôn luôn cháy để thắp sáng, hâm nóng niềm đam mê đờn ca tài tử- cải lương của người dân Nam bộ. Tôi chưa thấy có cuộc thi nào lại kiên trì, bền bỉ như cuộc thi này".
"Đóng góp cho hội thi là góp một phần nhỏ vào công cuộc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc của nghệ thuật đờn ca tài tử- cải lương Nam bộ, đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại"- ông Ngô Văn Đông, TGĐ Công ty CP Phân bón Bình Điền, nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.