Bốn kịch bản có thể xảy ra sau bầu cử tổng thống Mỹ 2024

P.V (tổng hợp) Thứ tư, ngày 06/11/2024 04:34 AM (GMT+7)
Cựu Tổng thống Donald Trump đang đẩy mạnh yêu cầu phải tuyên bố người chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống ngay sau khi các phòng phiếu đóng cửa hôm thứ Ba ngày 5/11, trước khi tất cả các phiếu bầu được kiểm đếm.
Bình luận 0
Bốn kịch bản có thể xảy ra sau bầu cử tổng thống Mỹ - Ảnh 1.

   Các cử tri Detroit bỏ phiếu bên trong Nhà thờ Central United Methodist vào ngày 5/11 tại trung tâm thành phố Detroit, Michigan. Ảnh Getty

Ông Trump đã làm như vậy vào năm 2020, khi ông tuyên bố rằng ông đã giành chiến thắng vào sáng sớm sau Ngày bầu cử. Điều đó khiến các đồng minh của ông yêu cầu dừng đếm phiếu. 

Nhưng một trong nhiều lý do khiến khó có thể sớm biết người chiến thắng vào đêm bầu cử là các nghị sỹ Cộng hòa ở hai bang dao động quan trọng đã từ chối thay đổi những điều luật vốn kéo dài việc kiểm phiếu. Một lý do nữa là hầu hết các chỉ dấu cho thấy đây sẽ là một cuộc bầu cử rất sít sao và trong trường hợp đó phải mất nhiều thời gian hơn để xác định ai là người chiến thắng so với trường hợp có kết quả áp đảo.

Cuối cùng, các chuyên gia bầu cử lưu ý, ưu tiên của quá trình kiểm phiếu là đảm bảo kết quả chính xác và an toàn, chứ không phải chấm dứt sự hồi hộp sau khi các phòng phiếu đóng cửa. Yêu cầu của ông Trump dường như cũng không tính đến sáu múi giờ của Mỹ trải dài từ Bờ Đông đến quần đảo Hawaii.

Ông David Becker, chuyên gia bầu cử và đồng tác giả của cuốn sách 'Sự thật lớn', cho biết việc các quan chức bầu cử ở hàng ngàn khu vực bầu cử 'chỉ búng ngón tay một cái là đếm xong 160 triệu lá phiếu có nhiều trang với hàng chục cuộc đua trên lá phiếu' là phi thực tế.

Trong bối cảnh đó, tờ Los Angeles Times nêu lên 4 kịch bản có thể xảy ra sau ngày bầu cử.

Kịch bản thứ nhất là các thẩm phán sẽ can thiệp vào tiến trình bầu cử. Tờ báo trích lời giáo sư luật Rick Hasen, Đại học California, Los Angeles cho rằng : "Nếu kết quả chung cuộc tại một bang chủ chốt cho thấy hai ứng cử viên chỉ cách biệt nhau vài ngàn phiếu, hai bên sẽ kiện cáo nhau và sẽ tranh đấu đến cùng". Phe Cộng Hòa đã nộp hàng trăm đơn kiện về quy định bầu cử ở nhiều bang để tối đa hóa cơ may thắng kiện sau này.

Kịch bản thứ hai, đó là các quan chức địa phương từ chối chứng nhận những kết quả bầu cử không đúng với mong muốn của cá nhân họ. Các tòa án chắc là sẽ không chấp nhận hành động đó, nhưng việc xét xử sẽ dằng dai, gây chậm trễ cho việc công bố kết quả và có thể gây căng thẳng.

Kịch bản thứ ba là bạo động bùng phát, bởi vì càng kiện cáo nhau về kết quả bầu cử thì nguy cơ bạo loạn càng tăng, như những gì đã diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Nhưng theo các chuyên gia về luật được Los Angeles Times trích dẫn, bạo lực nếu có xảy ra cũng sẽ không làm thay đổi kết quả bầu cử, như đã thấy trong vụ tấn công đồi Capitol ngày 06/01/2021, ngay lúc Quốc Hội chuẩn bị xác nhận ông Joe Biden đắc cử tổng thống.

Kịch bản thứ tư là Quốc hội Mỹ đóng vai trò trọng tài. Theo Hiến pháp nước Mỹ, Quốc Hội là cơ quan chính thức kiểm số phiếu đại cử tri vào ngày 06/01 năm tới để xác nhận người thắng cử. Trên nguyên tắc, đây chỉ là một thủ tục mang tính hình thức, nhưng vào năm 2021, ông Trump lại yêu cầu phe Cộng Hòa trong Quốc hội phản đối kết quả kiểm phiếu đại cử tri ở các bang gây tranh chấp nhiều nhất. Theo Los Angeles Times, kịch bản này ít có khả năng tái diễn, bởi vì vào năm 2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua một luật khiến cho rất khó phản đối lá phiếu của các đại cử tri. Luật này cũng quy định là phó tổng thống không được quyền tác động đến kết quả chung cuộc.

Tuy nhiên, nếu 1/5 số nghị sĩ của hai viện Quốc Hội phản đối phiếu bầu của các đại cử tri, thì hai viện sẽ phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu để chấp nhận hoặc bác bỏ phản đối đó. Nếu sau cuộc bầu cử lập pháp (diễn ra cùng lúc với bầu cử tổng thống hôm nay), cả hai viện của Quốc hội đều nằm trong tay Đảng Cộng hòa, thì mọi chuyện có thể sẽ phụ thuộc vào một số ít nghị sĩ Cộng hòa ôn hòa.

Ngoài 4 kịch bản nói trên, còn có một kịch bản khó xảy ra nhất, nhưng không thể loại trừ, đó là kết quả cho thấy hai ứng cử viên có số phiếu đại cử tri ngang bằng nhau, tức là mỗi bên đều có 269 đại cử tri. Trong trường hợp đó, Hạ viện sẽ bầu tân tổng thống theo một quy định có lợi cho đảng Cộng hòa hiện nay. Thay vì tính theo phiếu bầu của mỗi nghị sĩ, kết quả sẽ dựa trên phiếu của phái đoàn các bang, mỗi phái đoàn là một lá phiếu.

Hiện giờ, phe Cộng hòa chiếm đa số trong phái đoàn của 26 bang, còn phe Dân chủ chỉ chiếm đa số trong phái đoàn của 22 bang (Trong phái đoàn của hai bang còn lại, Cộng hòa và Dân chủ ngang nhau). Kịch bản này đã không xảy ra kể từ năm 1800, khi Thomas Jefferson hòa với Aaron Burr và cuối cùng được Quốc hội bầu làm tổng thống. Xác suất xảy ra kịch bản như vậy ngày nay là 4%.  

Trong khi đó, tờ Diplomat bình luận, bất kể ai thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5/11 thì khu vực Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với tình hình kinh tế phức tạp và khó khăn. Đã có nhiều cuộc thăm dò, nghiên cứu và bình luận về việc ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Suy cho cùng, vị tổng tư lệnh tiếp theo của Mỹ sẽ có tác động nhất định đến nền kinh tế thế giới, bao gồm cả ở Đông Nam Á, vốn đang chịu ảnh hưởng bởi bất ổn, lãi suất cao và chiến tranh trên hai mặt trận.


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem