Ca nghi nhiễm Covid-19 ở Hà Nội: Ai trục lợi đẩy giá khẩu trang tăng "chóng mặt"?

Quang Dân Thứ tư, ngày 29/07/2020 16:50 PM (GMT+7)
Sau khi xuất hiện ca nghi nhiễm Covid-19 ở Hà Nội và một số tỉnh thành có ca nhiễm Covid-19, giá khẩu trang tăng chóng mặt, có nơi hét tới 6 triệu đồng/thùng (50 hộp) vì lý do khan hàng. Trên thực tế, DN và các đơn vị cung ứng đều khẳng định không thiếu hàng, vậy ai đã trục lợi để đẩy giá khẩu trang tăng chóng mặt?
Bình luận 0

Giá khẩu trang thay đổi theo từng giờ

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tại chợ thuốc Hapulico (Thanh Xuân, Hà Nội), điểm tập kết, đầu mối phân phối thuốc và vật dụng y tế ngoài bệnh viện lớn nhất miền Bắc, trong chiều 29/7, rất nhiều quầy thuốc  "lắc đầu" không có khẩu trang y tế.

 Ai đẩy giá khẩu trang tăng cao? - Ảnh 1.

Không khí mua bán ở chợ thuốc Hapulico (Thanh Xuân, Hà Nội) diễn ra khá trầm lắng

Một chủ hiệu thuốc ở chợ Hapulico cho biết, ít cửa hàng chọn nhập khẩu trang đợt này vì giá tăng quá nhiều, sợ khách hàng kêu bị "cắt cổ". 

"Ngoài giá nhập cao ra, thì đang xuất hiện hiện tượng khan hàng với những lô khẩu trang đạt tiêu chuẩn. Nếu nhập thị trường chợ đen thì bao nhiêu cũng có nhưng lại không có giấy tờ nên không ai dám nhập. Ngoài ra, khách đến chợ để mua khẩu trang cũng không nhiều, có thể, họ lựa chọn hình thức mua online trên các trang mạng xã hội vì thuận tiện hơn", vị này cho hay.

Trong khi đó, tại nhiều hiệu thuốc ở Hà Nội nằm trên phố Cầu Giấy, Giải Phóng, Láng hay Phương Mai..., mặt hàng khẩu trang đang có dấu hiệu cháy hàng, giá được đẩy lên mức 120.000-150.000 đồng/hộp 50 chiếc.

Tại một cửa hàng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, khi hỏi về mặt hàng khẩu trang y tế, một nhân viên bán hàng cho biết: "Giá nhập vào nay đã 120.00 đồng/hộp nên không thể không tăng giá. Tôi chỉ bán lẻ chứ không bán cả hộp vì sợ hết hàng", chủ hiệu thuốc phân bua.

Trái ngược với các địa điểm bán hàng truyền thống, thị trường khẩu trang trên các trang mạng xã hội Zalo, fanpage Facebook,… nhộn nhịp, đặc biệt sau khi có thông tin về ca nhiễm Covid-19 tại Hà Nội, các tiểu thương đã lợi dụng thông tin và đồng loạt tăng giá bán, mức giá liên tục thay đổi theo từng giờ.

Trước đó, chiều 28/7, giá 1 thùng khẩu trang được nhiều dân buôn rao ở mức bán lẻ 3,7 triệu đồng. Mua từ 2 thùng trở lên giá 1 thùng khẩu trang ở mức 3,6 triệu đồng và 3,5 triệu đồng với các khách hàng mua từ 5 thùng trở lên.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giá 1 thùng khẩu trang đến tay khách hàng có thể đã lên tới 4,5 đến 6 triệu đồng/thùng tùy loại. Thậm chí, một số tiểu thương cho biết mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Ngoài ra, các tiểu thương này cũng khẳng định số lượng không hạn chế, không cần đặt cọc, muốn lấy bao nhiêu cũng được.

Giá khẩu trang bị đẩy lên cao 

Có sự móc ngoặc tạo cơt sốt khan hiếm giả, đẩy giá khẩu trang lên cao?

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng giá khẩu trang bị đẩy lên cao do quan hệ cung cầu, khi cung vượt cầu đương nhiên sẽ có sự biến động về giá.

Nhưng trong trường hợp này, dường như việc biến động giá khẩu trang không do thị trường quyết định. Khẩu trang không thuộc mặt hàng bình ổn giá nên nhà nước cũng không thể chi phối. 

"Trong trường hợp này, có thể những nhà sản xuất liên kết với nhau để tạo nên một cơn sốt giả về khẩu trang? Các đơn vị này đẩy khẩu trang ra nhỏ giọt, tạo giả nguồn cung thiếu trong bối cảnh tâm lý, nhu cầu người dân về khẩu trang tăng cao để giá khẩu trang bị đẩy lên?

Doanh nghiệp sẽ là người được lợi chính trong vấn đề này. Nhưng đó là doanh nghiệp sản xuất hay đơn vị phân phối thì cần phải xem xét cụ thể, không thể kết luận được ngay", ông Long cho hay.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định với những dữ liệu về các mặt hàng y tế như khẩu trang, nước diệt khuẩn thì có thể khẳng định chúng ta không hề khan hiếm về nguồn cung cho thị trường trong nước.

Việc giá khẩu trang bị đẩy lên cao có một phần là do tác động bởi tâm lý tạm thời của người dân sau khi xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 mới. Nhiều người dân đi mua để phòng dịch. Đây là điều tích cực, nhưng có một số người đã lợi dụng điều này để nâng giá.

"Ngoài tâm lý của người dân, còn có lòng tham của một bộ phận nhỏ người bán hàng có yếu tố trục lợi. Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ lập tức mở ngay một loạt điểm bán hàng ở các địa điểm cố định, niêm yết giá đầy đủ thì giá khẩu trang sẽ được điều chỉnh lại bình thường", ông Doanh nói.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối, nhận định giá khẩu trang cao có một phần bởi tác động của những tiểu thương bán hàng online, khi những người với vai trò là người phân phối đã nhập những lô khẩu trang không nguồn gốc, đảm bảo về chất lượng gây ảnh hưởng tới những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Theo luật sư Hùng, hàng hóa khi lưu hành ra thị trường phải đảm bảo các yếu tố do Bộ Y tế ban hành. Do đó, khi tiểu thương bán hàng ra phải tìm hiểu rõ sản phẩm của mình có đủ điều kiện để lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, không ít tiểu thương vì cái lợi nhỏ trước mắt mà bất chấp pháp luật để bán những sản phẩm kém chất lượng.

Việc này không chỉ khiến giá khẩu trang tăng lên, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân mà chất lượng từ nguồn nguyên liệu không được kiểm tra để sản xuất sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng. Đặc biệt, khẩu trang là vật tiếp xúc trực tiếp với khí quản. 

Vậy nên, các cơ quan chức năng nên đẩy mạnh các đợt cao điểm về rà soát những người bán hàng online liên quan đến mặt hàng này, khi phát hiện ra sai phạm phải xử phạt để răn đe, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem