Việc ông Christian Wulff từ chức tổng thống cuối tuần qua khiến bà Merkel phải hủy chuyến thăm Rome gặp Thủ tướng Italia Mario Monti.
Thông thường thì phải tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống kế nhiệm, nhưng vì điểm đặc biệt của hệ thống chính trị Đức là thủ tướng đề cử tổng thống, nên đã đặt lên bà Merkel một nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh nhạy cảm như hiện nay.
Việc ông Wulff bất ngờ từ chức vì bê bối vay tiền đã tạo ra cái khó cho bà Merkel, nhưng việc chọn người kế nhiệm ông Wulff còn tạo ra khó khăn hơn cho nữ thủ tướng. Bà Merkel cần phải thu được nhiều phiếu bầu ngay trong Quốc hội liên bang khi bầu vị tổng thống Đức thứ 11.
Trong khi đó, liên minh cầm quyền của bà hiện chỉ hơn phe đối lập có 4 phiếu, do đó sẽ rất khó để bà Merkel đề cử ứng viên của mình mà không có sự đồng thuận của phe đối lập.
Được biết, Chủ tịch ba đảng trong liên minh cầm quyền là bà Angela Merkel thuộc Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Horst Seehofer thuộc CSU và Philipp Roesler thuộc Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã gặp nhau để thảo luận về việc tìm người kế nhiệm Tổng thống Wulff, nhưng đến nay, mọi thông tin đều kín như bưng.
Khi chưa có thông tin chính thức, dư luận cho rằng một số gương mặt tiềm năng là đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Thomas de Maiziere, Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble, Bộ trưởng Lao động Ursula von Leyen, Chủ tịch Quốc hội Norbert Lammert, nguyên Bộ trưởng Môi trường Klaus Toepfer (tất cả thuộc Đảng CDU) và cả ông Joachim Gauck - người đã bị thất bại trước ông Wulff trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2010.
Nhưng dù là ai, thì bà Merkel cũng phải đặt nặng yếu tố uy tín lên hàng đầu khi chọn Tổng thống, vì cả hai Tổng thống Horst Koehler và Christian Wulff đều đã phải từ chức trước thời hạn, đã tạo ra khoảng trống về lòng tin với người dân nước này.
Đông Triều
Vui lòng nhập nội dung bình luận.