Cảnh báo thí sinh sử dụng AI, gắn thiết bị vào đế giày trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Cảnh báo thí sinh sử dụng AI, gắn thiết bị vào đế giày trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Tào Nga
Thứ năm, ngày 20/06/2024 11:33 AM (GMT+7)
Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với Ban Chỉ đạo thi 63 tỉnh, thành phố đã được Bộ Công an và các tỉnh thành chia sẻ nội dung chống gian lận thi cử.
Tăng cường phòng chống gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Sáng 20/6, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với Ban Chỉ đạo thi 63 tỉnh, thành phố.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội (PCTP), Bộ Công An, cho biết: "Để kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, đúng quy chế, Bộ Công an phối hợp các đơn vị tổ chức tập huấn, truyền thông tại các tỉnh thành nâng cao nhận thức cho thí sinh, cán bộ coi thi. Ngoài ra, Bộ Công an còn thực hiện các clip và đăng tải nội dung chống gian lận thi cử lên nền tảng mạng xã hội...".
Tuy nhiên, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cho biết, trong quá trình kiểm tra, các địa phương còn có cách hiểu các nhau về quy định, chưa hiểu rõ nơi bảo đồ dùng của thí sinh hay khó khăn trong việc phát hiện các thiết bị gian lận thi cử.
"Chúng ta phải đảm bảo tuyệt đối đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Đây là nội dung quan trọng bởi không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia khác cũng lo lắng khi thí sinh sử dụng AI trong gian lận thi cử. Các thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại, tinh vi, siêu nhỏ... Mới đây, kỳ thi tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ, thí sinh còn gắn bộ thiết bị trong đế giày khiến cho giám thị phát hiện càng khó khăn hơn. Ngay cả Trung Quốc có sử dụng AI để phát hiện gian lận trong thi cử nhưng sau đó cũng khẳng định chỉ là công cụ hỗ trợ, cái chính vẫn là yếu tố con người", Thiếu tướng Mạnh chia sẻ.
Cũng theo đại diện Bộ Công an, giáo viên, phụ huynh nên nhắc nhở học sinh mang ít đồ dùng tham gia kỳ thi để tránh sai lầm đáng tiếc, những nhà dân gần trường cần được tuyên truyền không tiếp tay cho hành vi gian lận thi cử...
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND Quảng Ninh cũng bày tỏ: "Năm nay, Quảng Ninh tăng 2.000 thí sinh (tăng 10%) cho với năm 2023. Địa bàn trải rộng, đi lại khó khăn nên địa phương tổ chức thành 37 điểm thi, có cả điểm thi ở Vân Đồn, Cô Tô và vùng biên giới có học sinh ở Lạng Sơn sang. Học sinh được hỗ trợ tập trung ăn nghỉ, tạo điều kiện cho các em tham dự kỳ thi tốt nhất. Sở cũng chỉ đạo 2.700 cán bộ tinh nhuệ, ổn định tham gia kỳ thi, chuẩn bị máy phát điện, camera… Hướng dẫn xe tải không đi vào cung đường tổ chức thi để đảm bảo an toàn cho học sinh. Đội ngũ Y tế túc trực sẵn sàng".
Tuy nhiên, bà Hạnh cũng kiến nghị: "Hiện nay xuất hiện nhiều thiết bị công nghệ cao. Mặc dù cán bộ coi thi đã được tập huấn nhưng diễn biến kỳ thi phức tạp. Còn 10 ngày nữa tổ chức kỳ thi nên trong thời gian này vẫn có thể xuất hiện các thiết bị mới. Chúng tôi mong Bộ Công an liên tục cập nhật để cán bộ coi thi nắm bắt thông tin. Ngoài ra, trên mạng xã hội có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang, hiểu lầm về cuộc thi. Chúng tôi mong Bộ Công an rà soát và xử lý nghiêm".
Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cho hay: "Không cho thí sinh mang thiết bị, điện thoại vào phòng thi là nhiệm vụ mới khó khăn nhưng thầy cô cần nâng cao trách nhiệm, trình độ để phát hiện gian lận thi cử, đảm bảo kỳ thi diễn ra thành công.
Còn với học sinh, chúng ta phải giúp các em nhận thức được lòng tự trọng, tự giác. Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kết quả của 12 năm học, đặc biệt là 3 năm THPT. Để có được điều này, từ cấp Mầm non đến Phổ thông, chúng ta phải dạy cho các em về thực học. Chỉ có học thật, có kiến thức thật thì các em sẽ bước vào kỳ thi đàng hoàng, thực chất.
Chúng ta có hàng triệu thí sinh với những năng lực, đối tượng, vùng miền khác nhau nên sẽ vất vả cho thầy cô. Tuy nhiên, các thầy cô hãy kiên trì, thường xuyên nêu những tấm gương tốt, những hành vi vi phạm sẽ bị xử lý để các em không mắc phải. Đôi khi các em hiểu đơn giản vấn đề nhưng để lại hệ lụy lớn".
Thay mặt Thường trực Ban Chỉ đạo cấp quốc gia thông tin một số nội dung triển khai tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT, cho biết các công việc chuyên môn đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng như xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi; các hệ thống, phần mềm cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; công tác tập huấn...
Bộ GDĐT cũng đã triển khai các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các địa phương. Kết quả cho thấy các địa phương đã chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm tổ chức coi thi, chấm thi theo đúng quy định, đảm bảo thuận lợi tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ được tổ chức vào các ngày 26-29/6. Năm nay, 1.025.166 thí sinh đã đăng ký dự thi, tăng hơn 45.000 thí sinh so với kỳ thi năm 2023. Tổng số điểm thi là 2.323, tăng 51 điểm thi so với năm trước. Số phòng thi là 45.149.
Ngày 20/6, Công an tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Sở GDĐT tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ coi thi, thanh tra, kiểm tra, triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024. Hội nghị đã phổ biến, quán triệt, nhận diện các hành vi gian lận trong thi cử bằng kỹ thuật công nghệ cao trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 sắp tới.
Tại hội nghị, Trung tá Hoàng Nguyễn Việt Tiến – Phó Trưởng phòng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, các hành vi gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao hiện nay ngày càng tinh vi, phức tạp. Các thiết bị gian lận có thể được ngụy trang dưới đồ vật thông dụng, như thẻ ATM, bút viết, đồng hồ, kính mắt, dây thắt lưng; máy tính cầm tay... Chính vì vậy, việc nhận diện, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thi cử rất quan trọng. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lâm Đồng đặc biệt lưu ý hiện nay xuất hiện một số thiết bị gian lận công nghệ cao mới, như nhẫn thông minh có hình dáng giống hệt nhẫn trang sức bình thường, có chức năng kết nối với các thiết bị thông minh khác như điện thoại, máy tính, máy tính bảng… Từ nhẫn này phát ra màn hình ảo ở một góc hẹp để thí sinh dễ dàng nhìn thấy, nhưng cán bộ coi thi rất khó phát hiện. Đáng nói, khả năng tương tác của nhẫn này với điện thoại di động có thể xa hơn 100m, vượt ra ngoài khu vực thi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.