Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Khi tham dự SEA Games 32, ban huấn luyện ĐT bóng bàn Việt Nam đặt mục tiêu giành ít nhất 1 HCV. Tuy nhiên, nội dung đôi nam nữ không được coi là thế mạnh bởi lần gần nhất bóng bàn Việt Nam đăng quang ở nội dung này đã cách đây hơn 26 năm.
Cặp đôi Đinh Anh Hoàng (21 tuổi) - Trần Mai Ngọc (19 tuổi) còn rất trẻ và được coi là "của để dành" cho tương lai. Nhưng tại Campuchia, 2 tiểu tướng này đã bất ngờ thi đấu vô cùng thăng hoa.
Đặc biệt, trong trận chung kết gặp Clarence Chew và Jian Zheng của Singapore, cặp đôi của Việt Nam thi đấu vô cùng thăng hoa dù bị đánh giá thấp hơn. Anh Hoàng có lối chơi mạnh mẽ, lăn xả theo kiểu "cháy hết mình", còn Mai Ngọc lại lạnh lùng, điềm tĩnh như một tảng băng. Hai cách chơi khác nhau này đã bổ trợ rất tốt cho nhau và tạo ra sự biến hóa khiến đối thủ lúng túng trong việc xử lý các tình huống có tiết tấu rất đa dạng.
Anh Hoàng và Mai Ngọc tỏa sáng tại SEA Games 32. Ảnh: Lê Giang
Trong khi Anh Hoàng liên tục ăn mừng với mỗi điểm số giành được thì Mai Ngọc luôn "phớt tỉnh Ăng-lê". Khi có điểm hay mất điểm, trạng thái thi đấu của Mai Ngọc không bao giờ thay đổi và cô thể hiện sự tự tin cao đến mức đáng ngạc nhiên đối với một tay vợt trẻ. Chỉ đến thời điểm giành chiến thắng chung cuộc với tỷ số 3-1, Mai Ngọc mới tỏ ra vui vẻ đôi chút.
Thực tế, tính cách của cả hai khác nhau đến từ hoàn cảnh gia đình khi còn nhỏ. Bố của Anh Hoàng là người rất đam mê bóng bàn, dạy anh chơi từ năm 6 tuổi và bản thân tay vợt này cũng rất hiếu động, thích chơi thể thao nên tình yêu bóng bàn đã "ngấm vào máu".
Với Mai Ngọc, con đường đến với bóng bàn lại theo một hướng khác. Trao đối với chúng tôi, Mai Ngọc chia sẻ: "Tôi sinh năm 2004 tại Bình Dương. Năm tôi 3 tuổi, bố không may qua đời. 3 chị em gái tôi sống rất vất vả, khó khăn bởi mẹ làm công nhân may nên thu nhập không cao. Năm 9 tuổi, thấy tôi gầy yếu nên mẹ quyết định giới thiệu tôi với một người bạn là thầy dạy bóng bàn ở quê. Mục đích của mẹ là muốn tôi có sức khỏe chứ đánh bóng bàn chỉ để cho vui. Sau đó, huấn luyện viên bảo tôi có năng khiếu rồi tập nâng cao chứ ban đầu tôi không mấy đam mê với môn thể thao này. Có lẽ số phận đã sắp đặt điều đó dành cho tôi như là nghề chọn người vậy".
Kể lại cảm xúc của trận chung kết SEA Games 32, Anh Hoàng cho biết: "Ban huấn luyện không đặt nặng chỉ tiêu thành tích nên chúng tôi có được tâm lý thi đấu thoải mái. Khi vào trận chúng tôi áp dụng đúng đấu pháp đề ra nên càng chơi càng tự tin hơn. Sau khi thắng, tôi mới biết đây là tấm HCV đôi nam nữ đầu tiên mà bóng bàn Việt Nam giành được kể từ SEA Games 19 năm 1997. Tôi càng xúc động hơn khi tái hiện được thành công của thầy Vũ Mạnh Cường (hiện là huấn luyện viên trưởng CLB bóng bàn Hà Nội T&T và trực tiếp huấn luyện Anh Hoàng cũng như Mai Ngọc)".
Với Mai Ngọc, đúng với cá tính đặc biệt của mình, cô khẳng định: "Đối thủ càng mạnh thì tôi càng hưng phấn hơn. Thực tế, tôi chẳng bao giờ cảm thấy áp lực. Trận đấu nào cũng vậy, thắng tôi vui một chút, thua cũng hơi buồn rồi sau đó lại quên đi để tập luyện, chuẩn bị cho trận đấu tiếp theo với sự tập trung cao độ".
Nhận định về 2 học trò, huấn luyện viên Vũ Mạnh Cường bộc bạch: "Anh Hoàng và Mai Ngọc đều tỏa sáng từ khá sớm và có tương lai đầy hứa hẹn. Anh Hoàng có phản xạ nhanh nhẹn, tinh thần thi đấu rực lửa. Nhưng có không ít tình huống, chính sự bình tĩnh, khả năng phán đoán và xử lý rất đĩnh đạc của Mai Ngọc lại ghi được điểm một cách rất bất ngờ. Sự "dửng dưng" của Mai Ngọc chính là điều đặc biệt, gia tăng sức mạnh cho bộ đôi này".
Ngay cả Clarence Chew, bại tướng trong trận chung kết cũng thể hiện sự khâm phục dành cho Mai Ngọc cho phát biểu: "Tôi biết Mai Ngọc là một tay vợt trẻ giàu tiềm năng. Kỹ năng của Mai Ngọc rất tốt, nhưng sức mạnh tinh thần mới là yếu tố quyết định trong trận đấu quan trọng như chung kết SEA Games. Thật lòng thì tôi thấy cả 2 tay vợt của Việt Nam đều rất đáng nể".
Tự bộc bạch ban đầu không hề đam mê, nhưng năng khiếu chơi bóng bàn của Mai Ngọc là điều không phải bàn cãi. Năm 9 tuổi, Mai Ngọc được hướng dẫn với huấn luyện viên Vũ Mạnh Cường để chuyển tới Hà Nội T&T và đó chính là bước ngoặt có ảnh hưởng quyết định đến sự nghiệp cũng như cuộc đời của cô gái nhỏ bé mà kiên cường này.
Phóng viên Dân Việt nhận được sự chia sẻ chân thành, đầy cảm xúc từ Mai Ngọc và Anh Hoàng. Ảnh: Lê Văn Viết Niệm
Nhớ về thời điểm ấy, Mai Ngọc cho biết: "Khi rời Bình Dương ra Hà Nội, do còn quá nhỏ nên tôi và chị em sinh đôi Ngọc Ngà (cũng được giới thiệu để tập năng khiếu bóng bàn tại CLB Hà Nội T&T) đều ôm nhau khóc vì sợ phải xa mẹ. Lúc đó, thật may khi thầy Cường đã ở bên cạnh động viên và sau đó đã hỗ trợ, dìu dắt hai chị em ở mức tốt nhất".
Tại đội bóng, trở thành tay vợt nòng cốt, Mai Ngọc được nhận mức lương tháng khoảng 15 triệu đồng/tháng. Số tiền này không phải quá lớn, nhưng đủ để Mai Ngọc giữ lại một phần để chi tiêu, tiết kiệm, còn phần lớn cô gửi về giúp đỡ mẹ trang trải cuộc sống, bù đắp những khó khăn ngày xưa mẹ đã hy sinh để nuôi 3 chị em khôn lớn.
Nhắc đến chuyện thu nhập, Mai Ngọc có phần… lúng túng hơn hẳn khi bàn về vấn đề chuyên môn. Cô bộc bạch: "Thú thực là tôi chỉ biết tập trung tối đa vào bóng bàn, còn những chuyện khác thầy Cường đều giúp đỡ tôi. Thầy cũng nhắn tôi nên tích lũy để vừa giúp đỡ mẹ, vừa dành dụm được một khoản lo cho cuộc sống sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Bản thân tôi cũng chưa hiểu rõ tích lũy là như thế nào và để làm gì bởi tôi chỉ dồn toàn tâm, toàn ý vào tập luyện, thi đấu, nhưng tôi hiểu thầy Cường đã và đang làm những điều tốt nhất cho tôi cũng như đồng đội và tôi biết ơn thầy về điều đó".
Với thành công rực rỡ tại SEA Games 32, Mai Ngọc và Anh Hoàng được bầu Hiển thưởng mỗi người 250 triệu đồng. Con số này có thể giúp Mai Ngọc có thêm cơ hội thực hiện kế hoạch tự mở một câu lạc bộ bóng bàn trong tương lai. Mai Ngọc khẳng định: "Chính thầy Cường đã khuyên tôi như vậy. Tôi cũng rất xúc động trước sự quan tâm, động viên của bác Hiển ("bầu Hiển", Chủ tịch Ủy ban chiến lược tập đoàn T&T Group Đỗ Quang Hiển). Bác Hiển đã luôn giúp chúng tôi có điều kiện tốt nhất để hoàn thiện năng lực, trở thành tay vợt xuất sắc, người sống có ích và đã mang vinh quang về cho Tổ quốc, niềm vui lớn cho gia đình, người thân và đông đảo người hâm mộ".
Về phần mình, Anh Hoàng tâm sự: "Tôi rất biết ơn bác Hiển bởi việc được chuyển tới tập luyện ở CLB bóng bàn Hà Nội T&T nhiều năm qua đã giúp tôi nâng cao trình độ chuyên môn, qua đó mới được gọi vào đội tuyển quốc gia. Khi giành huy chương vàng SEA Games 32, ngoài việc cảm ơn các thầy ở ban huấn luyện đội tuyển, tôi cũng muốn gửi sự tri ân tới bác Hiển, thầy Cường. Được bác và thầy luôn đồng hành, động viên, bản thân tôi và gia đình cũng vững tâm hơn để tiếp tục hướng về phía trước".
Thành công tại SEA Games 32 là mốc son không thể phai mờ trong sự nghiệp mới ở giai đoạn khởi đầu của Anh Hoàng và Mai Ngọc. Là những người trẻ, giàu quyết tâm và được tập luyện, bồi dưỡng trong môi trường rất tốt kèm theo người thầy giỏi chuyên môn cũng như rất tâm lý là Vũ Mạnh Cường, cả hai hiển nhiên không có dấu hiệu tự mãn.
Anh Hoàng cho biết: "Thầy Cường là người rất nghiêm khắc về chuyên môn, không chỉ với tôi hay Mai Ngọc mà tất cả các tay vợt khác trong đội đều được rèn rất kỹ lưỡng. Ngoài yếu tố chuyên môn, thầy luôn nhắc nhở rằng tâm lý là cực kỳ quan trọng khi chơi bóng bàn đỉnh cao. Chỉ cần có một chút tự mãn sẽ dẫn đến lơi là trong tập luyện và kéo theo đó là sự sa sút rất nhanh. Thầy luôn gắn bó với chúng tôi về mọi mặt và điều đó giúp tôi giữ được sự tỉnh táo cần thiết".
Với Mai Ngọc, tính cách vốn rất "lạnh" khiến cô không tỏ ra quá hứng khởi sau tấm huy chương vàng lịch sử. Nhưng Mai Ngọc cũng cho biết, cô thực sự vui khi được tập luyện, rèn giũa ở mức độ tốt nhất nên thành công tại SEA Games 32 không phải là đỉnh cao khiến cô "thả lỏng" bởi sự nghiệp phía trước còn rất dài.
Dù tự nhận là chơi các nội dung khác đều tốt, nhưng Anh Hoàng và Mai Ngọc cho rằng, họ vẫn đang tập trung cho nội dung đôi nam nữ. Anh Hoàng bật mí: "Sở trường của chúng tôi là những pha tấn công thuận tay. Tôi vốn luôn muốn "cháy hết mình" trong từng đường bóng nên rất thích chơi đôi công. Tuy vậy, những pha xử lý lạnh lùng, tinh tế và có tính đột biến rất cao của Mai Ngọc ở các thời điểm quan trọng lại gia tăng sức mạnh trong lối chơi của chúng tôi".
Với Mai Ngọc, cô lại tỏ ra khiêm tốn khi nhận định: "Anh Anh Hoàng đã giúp đỡ tôi rất nhiều để nâng cao khả năng chuyên môn. Anh đã tận tình chỉ bảo, đưa ra những phương án thi đấu hợp lý để sau đó chúng tôi hỏi thầy Vũ Mạnh Cường và nhận được lời khuyên tốt nhất để hoàn thiện cách chơi".
Mai Ngọc (trái) và Anh Hoàng là tương lai của bóng bàn Việt Nam. Ảnh: Lê Văn Viết Niệm
Sau chuyến tập huấn và du đấu tại Mỹ tháng 6 vừa qua, Anh Hoàng và Mai Ngọc đang tiếp tục tập trung cho những mục tiêu lớn trong tương lai. Khi Dân Việt đặt câu hỏi về ASIAD 19, đại hội thể thao châu Á quy tụ những tay vợt hàng đầu châu Á và có đẳng cấp nhất nhì thế giới, Anh Hoàng và Mai Ngọc đều không tỏ ra e ngại. Đặc biệt, Mai Ngọc nhấn mạnh: "Nếu sợ thì tốt nhất đừng nên theo đuổi việc tập luyện ở trình độ đỉnh cao chứ đừng nói đến chuyện thi đấu. Với tôi, được gặp những tay vợt hàng đầu thế giới và châu lục lại càng mang đến hưng phấn.
Chúng tôi còn trẻ và các thầy cũng không tạo áp lực thành tích vượt quá khả năng, nhưng ở bất cứ trận đấu nào, giải đấu nào, nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ tự tin để nỗ lực hết sức. Chơi thể thao đỉnh cao có thắng, có thua. Chúng tôi sẽ luôn quyết tâm ở mức cao nhất để nếu có thất bại cũng không thấy hổ thẹn bởi đã cố gắng đến tận cùng khả năng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.