Chủ tịch Hội Nông dân xã ở Đắk Lắk trồng cây đặc sản thành công, "kéo" hàng xóm cũng giàu lên

Công Nam Thứ sáu, ngày 14/02/2025 12:41 PM (GMT+7)
Bà Nguyễn Thị Mến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, đã sáng lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt nhằm ổn định đầu ra cho nông sản, giúp hàng trăm hội viên nâng cao thu nhập và mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp địa phương.
Bình luận 0

Ý tưởng và quá trình hình thành mô hình HTX giúp nông dân ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt (HTX Thành Đạt) ở xã Ea Tar, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk, được bà Nguyễn Thị Mến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tar, sáng lập vào năm 2018. Năm 2024, HTX Thành Đạt được vinh danh là một trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc.

Chủ tịch Hội Nông dân xã ở Đắk Lắk xây dựng mô hình giúp hàng trăm nông dân làm giàu - Ảnh 1.

Nông dân huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) phấn khởi khi sản phẩm nông sản được HTX Thành Đạt bao tiêu với giá ổn định.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, bà Nguyễn Thị Mến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tar, xúc động kể lại: "Từ lâu, tôi luôn trăn trở về cách giúp bà con nông dân vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Nhận thấy đầu ra bấp bênh là rào cản lớn nhất, tôi ấp ủ ý tưởng thành lập HTX để tạo đầu ra ổn định cho nông sản.

Tuy nhiên, trở ngại ban đầu không nhỏ, nhiều nông dân vẫn quen với lối canh tác nhỏ lẻ, ngần ngại thay đổi và chưa hiểu rõ lợi ích lâu dài mà HTX mang lại. Việc thay đổi tư duy, thuyết phục bà con tham gia là thử thách lớn nhất mà tôi phải đối mặt."

Không thể để bà con mãi loay hoay trong vòng luẩn quẩn, bà Nguyễn Thị Mến kiên trì vận động, giải thích, từng bước tháo gỡ những băn khoăn của nông dân. 

Đồng thời, bà giúp họ hiểu rằng HTX không chỉ đơn thuần là một mô hình liên kết sản xuất, mà còn là giải pháp bền vững giúp nâng cao thu nhập, ổn định đầu ra và tạo cơ hội vươn lên làm giàu.

Chủ tịch Hội Nông dân xã ở Đắk Lắk xây dựng mô hình giúp hàng trăm nông dân làm giàu - Ảnh 2.

Chân dung bà Nguyễn Thị Mến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tar, người sáng lập ra HTX Thành Đạt, từ đó góp phần giúp hàng trăm hội viên ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.

Với lòng nhiệt huyết và quyết tâm cao của ban lãnh đạo cùng các thành viên, đến nay, HTX có 160 hội viên với tổng diện tích canh tác của HTX lên đến hơn 320 ha, chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu, cùng với các loại cây ăn trái như sầu riêng và bơ...

Hàng năm, sản lượng cà phê đạt khoảng 450 tấn nhân, trong đó HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ 300 tấn với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp Gia Lai.

Cùng với đó, HTX cũng triển khai mô hình sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu bền vững trên 250 ha cho 305 hộ có chứng nhận RA, với sản phẩm được cộng thưởng 1.000đ/kg so với giá thị trường, giúp các thành viên ổn định thu nhập và nâng cao đời sống.

Đặc biệt, HTX quan tâm đến bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, tổ chức các lớp tập huấn về nông nghiệp an toàn, không sử dụng hóa chất độc hại, nâng cao nhận thức về sản xuất nông nghiệp sạch.

Chủ tịch Hội Nông dân xã ở Đắk Lắk xây dựng mô hình giúp hàng trăm nông dân làm giàu - Ảnh 3.

Vườn sầu riêng được số hóa của HTX Thành Đạt ở huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), hướng đến xuất khẩu bền vững.

Mô hình HTX Thành Đạt đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các thành viên. Bà Nguyễn Thị Hằng, một trong những thành viên đầu tiên, chia sẻ: "Ngay từ những ngày đầu tham gia HTX, tôi đã nhận thấy mô hình này giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm của mình.

Đặc biệt, HTX hỗ trợ chúng tôi về kỹ thuật sản xuất và kết nối với doanh nghiệp qua các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, giúp gia đình tôi không chỉ cải thiện thu nhập mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm."

Tương tự, bà Vũ Thị Hạnh, người mới gia nhập HTX từ năm 2023, cũng có những trải nghiệm tích cực:

"Dù mới tham gia chưa lâu, tôi đã thấy sự khác biệt rõ rệt khi làm việc theo mô hình HTX. Nhờ sự hướng dẫn về quy trình sản xuất an toàn và liên kết tiêu thụ nông sản, tôi cảm thấy an tâm hơn rất nhiều về đầu ra của sản phẩm, từ đó giúp kinh tế gia đình ngày càng ổn định, vươn lên làm giàu."

Mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu tại Đắk Lắk: Đẩy mạnh số hóa nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản

HTX không chỉ hỗ trợ thành viên về kỹ thuật và thị trường mà còn tiên phong trong các dự án đặc biệt như chương trình số hóa vùng trồng sầu riêng. Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc HTX Thành Đạt, chia sẻ: "Chúng tôi đã phối hợp với UBND xã Ea Tar và HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đắk Lắk để số hóa vùng trồng sầu riêng, chuẩn hóa quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Hiện tại, 126 hộ thành viên, trong đó có 10% là người dân tộc thiểu số, đã tham gia dự án với diện tích 248 ha, tạo cơ hội để sản phẩm sầu riêng của chúng tôi cạnh tranh trên thị trường quốc tế."

Chủ tịch Hội Nông dân xã ở Đắk Lắk xây dựng mô hình giúp hàng trăm nông dân làm giàu - Ảnh 4.

HTX Thành Đạt tiên phong trong số hóa vùng trồng sầu riêng tại Đắk Lắk.

Để tạo điều kiện cho thành viên có nguồn vốn đầu tư, HTX đã liên kết với Công ty Phân bón Sông Lam, tín chấp đầu tư trả chậm cho thành viên HTX và hội viên liên kết, tổng cộng 300 tấn phân bón các loại, trị giá hơn 1,1 tỷ đồng, mà không tính lãi.

Bên cạnh đó, HTX đã triển khai chương trình VietGAP cho 24 hộ trồng sầu riêng với tổng diện tích 50 ha, được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Ngoài ra, HTX tiếp tục đầu tư vào nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là cà phê. Năm 2024, với sự hỗ trợ 90 triệu đồng từ Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk, HTX đã đầu tư dàn máy chế biến cà phê ướt nhằm cải thiện chất lượng và giá trị sản phẩm.

Ngoài phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, HTX Thành Đạt còn có nhiều đóng góp cho xã hội. Hằng năm, HTX phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức chương trình hỗ trợ người nghèo, trao tặng 200 suất quà trị giá 100 triệu đồng cho các hộ khó khăn.

Từ những thành công đạt được HTX cũng vận động hội viên và người dân hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn, đường điện chiếu sáng, góp phần cải thiện hạ tầng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chủ tịch Hội Nông dân xã ở Đắk Lắk xây dựng mô hình giúp hàng trăm nông dân làm giàu - Ảnh 5.

Cổng chào khang trang của xã Ea Tar, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk.

Chủ tịch Hội Nông dân xã ở Đắk Lắk xây dựng mô hình giúp hàng trăm nông dân làm giàu - Ảnh 6.

Thành viên HTX Thành Đạt, đã góp số tiền ba trăm triệu đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn tại địa phương.

HTX Thành Đạt đã và đang chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững và đóng góp tích cực cho địa phương. Với những thành tựu đạt được trong sản xuất cà phê, hồ tiêu, sầu riêng và tổ yến, cùng các hoạt động an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, HTX Thành Đạt là mô hình tiêu biểu của kinh tế tập thể tại Đắk Lắk.

Theo báo cáo của UBND huyện Cư M'gar, năm 2024, huyện đã hoàn thành và vượt 17/17 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh.

Tổng giá trị sản xuất các sản phẩm chủ lực đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tương đương 101,9% kế hoạch đề ra. Đặc biệt, thu ngân sách vượt hơn 303 tỷ đồng, tương ứng 156,3% dự toán tỉnh giao.

Điểm nhấn nổi bật trong phát triển kinh tế địa phương là thu nhập bình quân đầu người đạt 120,4 triệu đồng/năm – một con số ấn tượng, phản ánh sự tăng trưởng bền vững của huyện.

Không chỉ duy trì, huyện Cư M'gar còn không ngừng nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo khang trang, hiện đại cho khu vực nông thôn.

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục - đào tạo cũng có nhiều chuyển biến tích cực (xây dựng thêm 3 trường đạt chuẩn Quốc gia trong năm 2024; Có 17/17 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030).

Các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Cùng với đó, công tác cải cách thủ tục hành chính được chú trọng, mang lại hiệu quả rõ rệt, trong khi quốc phòng - an ninh luôn được giữ vững, đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài cho địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem